A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Sản xuất cà phê đặc sản, hướng đi mới của Đắk Lắk

10:22 | 16/12/2019

Đắk Lắk được coi là thủ phủ của cà phê Việt Nam bởi diện tích và sản lượng của loại cây trồng này đều đứng đầu cả nước.

Nông dân thu hoạch quả chín để chế biến cà phê đặc sản ở Buôn Ma Thuột.

Tuy nhiên, việc tiêu thụ và tạo giá trị gia tăng từ sản xuất, kinh doanh các mặt hàng cà phê vẫn còn nhiều khó khăn.

Hiện tỉnh Đắk Lắk có 203.063ha cà phê, trong đó diện tích cho sản phẩm là 187.940ha. Ngành sản xuất cà phê đã tạo công ăn việc làm ổn định cho trên 300.000 người trực tiếp sản xuất và gần 200.000 người có liên quan đến cây cà phê.

Mặc dù vẫn dẫn đầu cả nước về diện tích và sản lượng cà phê, tuy nhiên hình thức tổ chức sản xuất của Đắk Lắk vẫn chủ yếu là sản xuất nông hộ, quy mô diện tích nhỏ, manh mún. Cơ sở hạ tầng nông thôn yếu kém, thiếu sân phơi, nhà kho, thiết bị chế biến… đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng.  

Tìm hướng đi mới

Gia đình anh Tạ Duy Thanh, xã Ea Tân, huyện Krông Năng có 3ha cà phê. Trước đây, anh trồng theo phương pháp truyền thống, phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết và giá cả thị trường. Năm 2015, anh Thanh quyết định tham gia Hợp tác xã Ea Tân để phát triển cà phê đặc sản. Khác với sản xuất, chế biến cà phê thông thường, dòng cà phê cao cấp – cà phê đặc sản được trồng, chế biến đòi hỏi công phu hơn, nhưng đã đem lại cho anh giá trị cao hơn gấp 3 lần so với sản xuất thông thường.

“Cà phê đặc sản phải hái chín đến 90%, trước đây theo chiều thuận là hái xanh hơn, từ khi tham gia vào chương trình cà phê đặc sản này thu hái phải chín 90% trở lên. Ngoài ra phải áp dụng phân bón đúng số lượng và hàm lượng cho nên giảm công và chi phí”, anh Thanh cho biết.

Để làm ra cà phê đặc sản, ngoài điều kiện tự nhiên, người nông dân phải tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất từ chăm sóc, thu hái đến sơ chế, bảo quản sản phẩm. Đổi lại, giá cả được doanh nghiệp thu mua cao hơn khoảng 10.000 đồng/kg. Do quy trình thực hiện khắt khe nên đến nay tỉnh Đắk Lắk mới chỉ có vài doanh nghiệp, nông hộ tham gia sản xuất cà phê đặc sản.

Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2 - 9 Đắk Lắk là đơn vị tiên phong sản xuất cà phê  đặc sản. Bước đầu, với thương hiệu “Fine Robusta Buôn Ma Thuột” công ty cung cấp ra thị trường khoảng 30 tấn sản phẩm cà phê đặc sản các loại với giá tăng thêm khoảng 40% so với giá thị trường.

Ông Lê Đức Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 cho rằng, Đắk Lắk mới chỉ bước đầu khai thác tiềm năng còn rất lớn này, với diện tích, sản lượng chưa nhiều. Để cà phê đặc sản Đắk Lắk được biết đến rộng rãi trên thị trường, cả người dân và doanh nghiệp phải quan tâm hơn đến cơ sở vật chất, kỹ thuật cùng với xây dựng chính sách phát triển bài bản để nâng cao toàn diện chất lượng, uy tín của cà phê Việt Nam.

Cũng theo ông Huy, để mở rộng hơn nữa chúng ta cần khẳng định chất lượng của toàn cà phê Việt Nam không những về số lượng mà còn hướng đến chất lượng thì khi đó, những thị trường tiêu thụ lớn đang mua cà phê đặc sản ở những nước khác ở Châu Phi, Indonesia, ở Ấn Độ… mới tìm đến Việt Nam, xem Việt Nam là một nơi cung cấp cà phê đặc sản của thế giới. Khi nhu cầu được mở rộng, chúng ta mới mạnh dạn đẩy được nguồn sản xuất.  

Tìm cách nâng cao giá trị cà phê Việt

Theo ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, thị trường cà phê đặc sản được hình thành cách đây khoảng 30 năm, đầu tiên là ở Mỹ, sau đó là các nước Châu Âu, Nhật Bản... Thị phần loại cà phê này chiếm khoảng 2% tổng sản lượng cà phê thế giới. Tuy rằng, thị phần thấp nhưng đem lại giá trị gia tăng cao, gấp từ 5 đến 10 lần tùy theo loại cà phê.

Sản xuất cà phê đặc sản giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Tại Đắk Lắk, trong niên vụ 2017-2018,  Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã lấy 130 mẫu cà phê tại vùng nguyên liệu để các chuyên gia đánh giá chất lượng. Kết quả, có hơn 10% mẫu cà phê có điểm số thử nếm đạt 80 điểm trở lên và có thể sản xuất sản phẩm cà phê đặc sản. 

“Lâu nay chúng ta khai thác mảng cà phê thương mại thông thường, khai thác cà phê bền vững, giờ đây cà phê đặc sản là mảng chúng ta khai thác thêm. Để nâng cao giá trị cà phê Việt Nam, điều quan trọng là kết nối giao thương trực tiếp giữa người sản xuất và những người có nhu cầu mua cà phê đặc sản”, ông Trịnh Đức Minh chia sẻ.

Ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, cà phê là cây trồng chủ lực mang lại giá trị cao tại Đắk Lắk, quan điểm của tỉnh không tăng diện tích cà phê mà tập trung tái canh, áp dụng các biện pháp nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Tỉnh tập trung mời gọi đầu tư chế biến sâu, tìm kiếm thị trường mới, ưu tiên nguồn vốn vay cho doanh nghiệp, vốn vay tái canh, đầu tư khoa học công nghệ nâng cao chất lượng cà phê Đắk Lắk nói riêng, cà phê Việt Nam nói chung, đặc biệt là cà phê đặc sản.

Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương công bố tại Hội nghị Tổng kết niên vụ cà phê 2018-2019 tại Đắk Lắk mới đây cho thấy, cà phê là ngành hàng quan trọng, chiếm 3% GDP cả nước, kim ngạch xuất khẩu nhiều năm liền đều trên 3 tỷ USD. Trong những năm qua, dù kinh tế thế giới có nhiều thời điểm gặp khó khăn dẫn đến sức mua sụt giảm, xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng rất đáng khích lệ.

Các sản phẩm cà phê của Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 14,2% thị phần xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu, đặc biệt cà phê rang xay và hòa tan xuất khẩu đã chiếm 9,1% thị phần, tạo ra nhiều cơ hội cũng như triển vọng cho ngành cà phê khi Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế thông qua các Hiệp định Thương mại tự do đã ký kết. EU là thị trường tiêu thụ nhiều nhất cà phê của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; tiếp theo là Đông Nam Á, chiếm 13% tổng lượng và tổng kim ngạch…

TRẦN LONG

    Nguồn: nongnghiep.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Chia sẻ lợi ích nhiều nhất cho người trồng cà phê

      Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 đã khép lại sau 5 ngày diễn ra sôi động với nhiều chuỗi sự kiện được tổ chức, giới thiệu và quảng bá rộng rãi, sâu đậm đến với người dân địa phương...

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ