A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Liên kết sản xuất cà phê bền vững, cà phê đặc sản: Nâng tầm giá trị thương hiệu cà phê Đắk Lắk

14:40 | 30/07/2020

Liên kết phát triển cà phê theo hướng bền vững, mở rộng sản xuất cà phê đặc sản theo hướng kết hợp bảo tồn nguồn tài nguyên và an sinh xã hội là hướng đi đã và đang được Công ty TNHH MTV Cà phê 2-9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk)...

... tích cực triển khai nhằm nâng tầm giá trị thương hiệu cho cà phê mang Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột.

Nhằm tạo vùng nguyên liệu cà phê bền vững, từ năm 2009 đến nay, Công ty Simexco Đắk Lắk đã liên kết với trên 8.500 nông hộ trong toàn tỉnh với tổng diện tích trên 12.000 ha. Để phát triển chuỗi liên kết này, Công ty đã kết nối, huy động nguồn lực của Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững Hà Lan IDH, Tập đoàn JDE, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (Wasi), Dự án VnSAT, chính quyền địa phương cùng đồng hành với nông dân, cam kết bao tiêu sản phẩm và hỗ trợ nông dân về cây giống, phân bón hữu cơ, xây dựng hồ chứa nước tiến tới xây dựng vùng cảnh quan bền vững.

Nông dân tìm hiểu quy trình sản xuất, sơ chế, bảo quản cà phê chất lượng cao của Công ty Simexco Đắk Lắk liên kết với nông dân xã Ea Tân, huyện Krông Năng.

Gia đình anh Tạ Duy Thanh ở thôn Thanh Cao, xã Ea Tân (huyện Krông Năng) có 3 ha cà phê, chủ yếu canh tác theo phương pháp truyền thống, sử dụng nhiều phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nên năng suất không ổn định, lợi nhuận đạt thấp. Năm 2010, anh Thanh quyết định tham gia chuỗi liên kết sản xuất cà phê bền vững với Công ty Simexco Đắk Lắk, được tham dự các lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn các quy trình bón phân, tưới nước, bảo hộ lao động, sơ chế, bảo quản sản phẩm, phát triển cây trồng xen hợp lý nên vườn cà phê cho năng suất cao hơn từ 0,5 - 0,7 tấn/ha và giảm được chi phí đầu tư.

 

“Việc liên kết xây dựng vùng cảnh quan bền vững phục vụ sản xuất, chế biến cà phê đặc sản sẽ cung ứng sản phẩm đồng nhất khi xuất khẩu với số lượng lớn và có uy tín trên toàn cầu, góp phần nâng tầm giá trị thương hiệu cho cà phê mang Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột”.

 
Ông Lê Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Simexco Đắk Lắk

Nhờ tuân thủ đúng quy trình sản xuất cà phê bền vững, năm 2016, gia đình anh Thanh tiếp tục liên kết với Công ty Simexco Đắk Lắk sản xuất cà phê đặc sản, được hỗ trợ 50% chi phí để xây dựng nhà kính phục vụ quá trình phơi cà phê bảo đảm chất lượng. Anh Thanh cho biết, cà phê sản xuất theo quy trình bền vững, thu hái bảo đảm tỷ lệ quả chín trên 90%, sơ chế đúng quy trình, đáp ứng nhu cầu chế biến cà phê đặc sản nên đã được Công ty Simexco Đắk Lắk cộng thêm 10.000 đồng/kg so với giá thị trường.

Điều đáng nói, thay vì liên kết với từng nông hộ nhỏ lẻ, Công ty Simexco Đắk Lắk đã chú trọng phát triển theo từng vùng nguyên liệu rộng lớn thông qua việc kết nối với hội nông dân địa phương và các hợp tác xã.

Ông Nguyễn Trí Thắng, Giám đốc Hợp tác xã Ea Tân (huyện Krông Năng) cho biết: Hợp tác xã đã đứng ra liên kết với Công ty Simexco Đắk Lắk để kết nối vùng nguyên liệu đầu vào, phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nông dân phát triển cây trồng xen, mua phân bón, chế phẩm sinh học trả chậm, xây dựng một số mô hình mẫu cho nông dân tham quan, học tập nhân rộng. Nhờ vậy, nông dân đã thay đổi tư duy, cách thức canh tác cây cà phê. Thay vì làm theo kinh nghiệm, mỗi hộ đều tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường ghi chép đầy đủ trong nhật ký nông hộ giúp cho việc truy nguyên nguồn gốc dễ dàng. Cách làm này đã giúp nông dân tăng giá trị vườn cây cao hơn gấp 2 lần so với trước.

Công ty Simexco Đắk Lắk trao đổi về quy trình xây dựng mô hình cảnh quan sản xuất cà phê hữu cơ bền vững tại thôn Thanh Cao, xã Ea Tân, huyện Krông Năng.

Trên cơ sở vùng nguyên liệu cà phê bền vững, từ năm 2016 đến nay, Công ty Simexco Đắk Lắk đã can thiệp sâu hơn vào vùng cà phê trọng điểm của thôn Thanh Cao, Ea Tưn (xã Ea Tân) và thôn Đồng Tâm (xã Dliê Ya) thuộc huyện Krông Năng với 226 hộ, tổng diện tích 300 ha nhằm phát triển cà phê đặc sản.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Phòng Dự án cà phê bền vững, Công ty Simexco Đắk Lắk cho biết: Theo kế hoạch, từ năm 2021 - 2025, Công ty tập trung xây dựng vùng cảnh quan rộng lớn tại huyện Krông Năng để nhân rộng ra các huyện Krông Ana, Buôn Đôn, Ea H’leo, Cư M’gar, thị xã Buôn Hồ và xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) với tổng diện tích 12.000 ha. Mục tiêu của dự án không chỉ hướng đến canh tác bền vững trên cây cà phê mà cả hồ tiêu và các cây trồng xen để tạo sinh kế bền vững, ổn định cho nông dân.

Nguyễn Xuân

Bài viết gốc: http://baodaklak.vn/channel/3483/202007/lien-ket-san-xuat-ca-phe-ben-vung-ca-phe-dac-san-nang-tam-gia-tri-thuong-hieu-ca-phe-dak-lak-5693097/

    Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Chia sẻ lợi ích nhiều nhất cho người trồng cà phê

      Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 đã khép lại sau 5 ngày diễn ra sôi động với nhiều chuỗi sự kiện được tổ chức, giới thiệu và quảng bá rộng rãi, sâu đậm đến với người dân địa phương...

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ