A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

"Bắt tay" mở rộng thị trường cho sản phẩm của hợp tác xã

10:07 | 27/11/2020

Chương trình "Kết nối thương mại giữa các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp" do Liên minh HTX tỉnh Đắk Lắk và Trà Vinh phối hợp tổ chức vào ngày 20-11 vừa qua đã mang lại cơ hội hợp tác, phát triển thị trường cho sản phẩm của HTX.

Tỉnh Đắk Lắk và Trà Vinh được đánh giá là những địa phương có hoạt động kinh tế tập thể sôi động. Nhiều HTX của hai tỉnh đã có những giải pháp đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, các HTX còn gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ; sự kết nối giữa các HTX và HTX với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm lâu dài, ổn định còn hạn chế.

Theo Liên minh HTX tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh có 574 HTX, sản phẩm đa dạng, trong đó 6 sản phẩm được công nhận OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) đạt từ 3 - 4 sao.  Song do công tác phát triển thị trường chưa hiệu quả, nên đa phần các sản phẩm chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh. Hoạt động kết nối thương mại sẽ giúp các HTX có thêm cơ hội hợp tác kinh doanh, mở rộng kênh phân phối sản phẩm.

Các sản phẩm đặc sản của HTX tỉnh Trà Vinh được giới thiệu, quảng bá tại thị trường Đắk Lắk. Ảnh: Minh Thông

Đối với tỉnh Trà Vinh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Phước Lộc cho biết, trong tổng số 171 HTX đang hoạt động của tỉnh, thì HTX nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn. Chuyến khảo sát, kết nối thương mại lần này có 12 HTX, 3 doanh nghiệp tham gia, với những sản phẩm có thế mạnh như: lúa gạo, mật hoa dừa, cây ăn trái… Việc kết nối, giao thương sẽ giúp các HTX mở rộng thị trường tiêu thụ, giảm chi phí logistic, kho bãi và đưa những sản phẩm mang đặc trưng vùng miền tiếp cận người tiêu dùng một cách thuận lợi hơn.

Trong kế hoạch phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021 - 2025, giải pháp quan trọng được UBND tỉnh đưa ra là tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm HTX, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HTX tham gia các hội chợ, triển lãm để phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Đơn cử như HTX Nông nghiệp Long Hiệp (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh), sản xuất 50 ha lúa hữu cơ, sản lượng hằng năm đạt 150 tấn, đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Nhận thấy tiềm năng tại thị trường Đắk Lắk, đơn vị sẽ xúc tiến mở 2 - 3 đại lý bán hàng ở đây để mở rộng thị trường tiêu thụ. Ở chiều ngược lại, HTX cũng sẽ hợp tác với các doanh nghiệp, HTX tỉnh Đắk Lắk để đưa các sản phẩm đặc thù của Tây Nguyên như: cà phê, ca cao, hạt điều… về thị trường Trà Vinh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Chi, đại diện doanh nghiệp tư nhân Phong Vinh (thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) mang đến chương trình kết nối giao thương sản phẩm nước mắm rươi. Nước mắm rươi được vợ chồng bà phát triển từ cách làm truyền thống của gia đình với nguyên liệu là con rươi khai thác từ các bãi bồi nước lợ. Bà Chi cho hay, loại nước mắm này có mùi, vị đặc trưng của rươi, khác hẳn so với nước mắm cá cơm mà người tiêu dùng vốn đã quen thuộc lâu nay. Nhưng sản phẩm vẫn chưa được nhiều người tiêu dùng ở địa phương khác biết đến, hiện chủ yếu tiêu thụ tại tỉnh Trà Vinh và vùng lân cận. Chính vì vậy, bà trực tiếp đưa sản phẩm đến giới thiệu tại thị trường Đắk Lắk, mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác, tìm nhà phân phối các sản phẩm do doanh nghiệp làm ra.

Sản phẩm cà phê của HTX Nông nghiệp dịch vụ Công Bằng Ea Tu được giới thiệu, quảng bá tại chương trình. Ảnh: Minh Thông

Các HTX của tỉnh Đắk Lắk cũng đã giới thiệu với đối tác những sản phẩm đặc trưng, chất lượng cao như: cà phê, ca cao. Ông Phan Đình Xuân, Giám đốc HTX Nông nghiệp, dịch vụ Hợp Nhất (huyện Ea Kar) cho hay, với mục đích tiếp cận thị trường Trà Vinh và các tỉnh Tây Nam Bộ, ông đã giới thiệu đến đối tác sản phẩm trà thảo mộc và gạo tím thảo dược. Bên cạnh đó, đơn vị đã tìm được “tiếng nói chung” với HTX Tân Quy để đưa những sản phẩm trái cây, giống cây trồng của tỉnh Trà Vinh vào thị trường Đắk Lắk.

Qua tìm hiểu, khảo sát thị trường, tại chương trình "Kết nối thương mại giữa các hợp tác xã, doanh nghiệp"  có 6 biên bản ghi nhớ hợp tác đã được ký kết giữa các doanh nghiệp, HTX của hai tỉnh Đắk Lắk và Trà Vinh. Cụ thể: Chi nhánh Công ty Cổ phần Espan Business Huế tại Buôn Ma Thuột, HTX Nông nghiệp dịch vụ Công Bằng Ea Tu, HTX Nông nghiệp, dịch vụ Hợp Nhất, HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Đắk Lắk, HTX Nông nghiệp dịch vụ Công Bằng Ea Kiết và HTX Nông nghiệp hữu cơ Đắk Lắk (tỉnh Đắk Lắk) ký kết với HTX Nông nghiệp xanh Trà Vinh, HTX Sinh viên Trà Vinh, HTX Tân Quy, HTX gấc Hòa Phú, HTX Nông nghiệp Ngọc Phước Vinh và HTX Nông nghiệp Long Hiệp (tỉnh Trà Vinh). Theo ông Huỳnh Bài, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đắk Lắk, chương trình kết nối thương mại đã giúp các HTX có thêm cơ hội quảng bá sản phẩm, xâm nhập thị trường trên tinh thần hợp tác hai bên cùng có lợi.

Minh Thông - Đinh Nga

Bài viết gốc: http://baodaklak.vn/channel/3483/202011/bat-tay-mo-rong-thi-truong-cho-san-pham-cua-hop-tac-xa-5711695/

    Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      Chia sẻ lợi ích nhiều nhất cho người trồng cà phê

      Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 đã khép lại sau 5 ngày diễn ra sôi động với nhiều chuỗi sự kiện được tổ chức, giới thiệu và quảng bá rộng rãi, sâu đậm đến với người dân địa phương...

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ