A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cảnh giác với thủ đoạn lừa vay vốn ngân hàng

13:27 | 02/03/2021

Núp bóng giao dịch COD (giao hàng - trả tiền) với chiêu thức được xét duyệt hồ sơ vay vốn ngân hàng nhưng phải đóng phí bảo hiểm là một chiêu trò lừa đảo mới nhắm vào những nạn nhân là người đang có nhu cầu vay vốn.

Nhiều người không còn xa lạ với việc mua hàng hóa trực tuyến qua mạng Internet hay qua điện thoại bằng hình thức thanh toán sau khi nhận được hàng. Hình thức giao hàng - nhận tiền này thường được gọi là “ship COD”. Đây được xem là hình thức giao dịch khá an toàn và tiện lợi cho cả người mua và người bán nên được nhiều người lựa chọn khi mua hàng qua mạng. Tuy nhiên, gần đây có một nhóm đối tượng đã lợi dụng hình thức giao dịch này để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người.

Dịch vụ ship COD Giaohangnhanh. Ảnh internet

Trước tiên, để dễ dàng thuyết phục, các đối tượng sẽ thu thập thông tin cá nhân của khách hàng (họ tên, số điện thoại, số chứng minh nhân dân…) bằng nhiều cách, rồi giả danh nhân viên của các ngân hàng hay công ty tài chính để chủ động gọi điện hoặc nhắn tin mời chào họ vay tiền. Cùng với số tiền cho vay từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng, chúng còn đưa ra nhiều ưu đãi hấp dẫn về lãi suất thấp, thủ tục nhanh chóng để đánh vào lòng tham và tâm lý muốn nhanh có tiền để tiêu dùng của khách hàng. Ngay khi đồng ý, khách hàng sẽ được yêu cầu đến bưu điện để nhận một bưu phẩm có cung cấp mã ID đã duyệt hồ sơ vay vốn để mang tới ngân hàng giải ngân vay vốn. Song nếu muốn nhận được bưu phẩm này thì người nhận phải đóng một khoản phí bảo hiểm. Để tạo sự tin tưởng cho nạn nhân, đối tượng lừa đảo khẳng định số tiền bảo hiểm này sẽ được hoàn trả lại sau 3 tháng. Thế nhưng sau đó, khoản vay thì chẳng thấy đâu, và số tiền bỏ ra để đóng phí bảo hiểm cũng “không cánh mà bay”. Điều đáng nói là vì bưu phẩm được gửi theo đường bưu điện và đóng dấu COD, cộng với số tiền gọi là phí bảo hiểm cũng không quá cao (khoảng hơn 1 triệu đồng) nên nhiều người dễ dàng bị lừa.

Tuy mỗi nạn nhân chỉ bị lừa số tiền dưới 2 triệu đồng nhưng có nhiều người đã bị lừa nên tổng số tiền kẻ xấu chiếm đoạt được là không hề nhỏ. Việc nhiều người trở thành nạn nhân của hành vi lừa đảo này xuất phát từ nhiều nguyên nhân:

Thứ nhất là do nhiều người quá tin tưởng dẫn đến hiểu sai bản chất của phương thức giao hàng - nhận tiền (COD). Với phương thức này, bên cạnh chi phí vận chuyển, đơn vị vận chuyển sẽ thay người gửi nhận một khoản tiền tương ứng với giá trị của bưu phẩm được giao khi hàng đó đến tay người nhận, sau đó sẽ hoàn trả số tiền đó cho người gửi. Số tiền mà người nhận phải thanh toán là bao nhiêu hoàn toàn phụ thuộc vào yêu cầu của người gửi. Số tiền đó sẽ được đơn vị vận chuyển hiểu là giá trị của bưu phẩm và họ là người thu hộ cho người gửi. Vì thế, nó không phải là chi phí bảo hiểm hay chi phí nào khác và đương nhiên việc có hoàn lại hay không phụ thuộc hoàn toàn vào người gửi, đơn vị vận chuyển không thể can thiệp.

Một nguyên nhân nữa là các khách hàng quá “dễ dãi” trong việc cung cấp thông tin cá nhân (khi mua hàng, khi tham gia các chương trình khuyến mãi, rút thăm trúng thưởng…), dẫn đến dễ bị các đối tượng xấu thu thập và biến những thông tin đó thành công cụ để thực hiện hành vi lừa đảo. Bên cạnh đó, cũng có nhiều đơn vị kinh doanh cẩu thả trong việc bảo mật thông tin của khách hàng khiến thông tin bị rò rỉ, hoặc cố tình bán những thông tin này cho bên thứ ba để thu lợi.

Thêm vào đó, việc các đối tượng dễ dàng lừa đảo xuất phát từ tình trạng nhiều người… ngại đến ngân hàng để thực hiện các thủ tục liên quan đến vay tiền. Thực tế, không có việc ngân hàng xét duyệt hồ sơ vay qua điện thoại. Quy trình vay vốn luôn được các ngân hàng thực hiện minh bạch, khách hàng cần gặp gỡ trực tiếp với ngân hàng để ký nộp hồ sơ vay vốn và trực tiếp ký hợp đồng vay vốn để được giải ngân theo quy định. Do đó, người dân cần hết sức cảnh giác với những cuộc gọi tự xưng là nhân viên ngân hàng mời chào gói vay lãi suất thấp.

Căn cứ quy định pháp luật hiện hành, cụ thể tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, hành vi của các đối tượng trên có dấu hiệu cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; dùng thủ đoạn xảo quyệt… thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.


Nhật Thuận

Bài viết gốc: http://baodaklak.vn/channel/3483/202103/canh-giac-voi-thu-doan-lua-vay-von-ngan-hang-5725630/

    Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      Chia sẻ lợi ích nhiều nhất cho người trồng cà phê

      Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 đã khép lại sau 5 ngày diễn ra sôi động với nhiều chuỗi sự kiện được tổ chức, giới thiệu và quảng bá rộng rãi, sâu đậm đến với người dân địa phương...

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ