A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tăng cường đồng thuận cho các dự án điện gió

13:54 | 22/04/2021

Dự án điện gió Đắk N’Drung 1, 2 và 3 được triển khai trên địa bàn 2 xã Thuận Hà và Thuận Hạnh (Đắk Song). Dự kiến, đến 1/11/2021, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án đã và đang gặp một số vướng mắc cần sớm được tháo gỡ.

Nhiều vướng mắc trong thi công

Theo UBND huyện Đắk Song, đầu tháng 2 vừa qua, trong quá trình thi công phần móng trụ của dự án đã gây tiếng ồn và độ rung lớn, gây nứt nhà của 7 hộ dân ở thôn 8, xã Thuận Hạnh. Hiện các hộ dân đang yêu cầu nhà thầu thi công có hình thức bồi thường thiệt hại.

Một phần móng trụ dự án điện gió đang được nhà đầu tư triển khai tại huyện Đắk Song

Ông Lê Văn Tuấn, người dân xã Thuận Hạnh cho biết, quá trình thi công dự án đã làm căn nhà của gia đình bị rạn nứt, 2 giếng đào và 1 giếng khoan bị sập. Do nhà bị nứt, nên mưa xuống, nước tràn vào bên trong, làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của gia đình. Thế nhưng, đến nay chủ đầu tư dự án vẫn chưa có hướng giải quyết rõ ràng.

Theo ông Nguyễn Văn Phò, Chủ tịch UBND huyện Đắk Song, huyện đã chỉ đạo Ban Quản lý và phát triển quỹ đất phối hợp với nhà đầu tư kiểm tra, rà soát, lập phương án đền bù, hỗ trợ theo quy định.

Tuy nhiên, do nhà cửa của các hộ dân xây dựng trên đất không đủ điều kiện để được bồi thường (đất lâm nghiệp), nên theo quy định chỉ được hỗ trợ các thiệt hại trên đất. "Các hộ dân đã không đồng ý với phương án này", ông Phò cho biết.

Cũng theo ông Phò, một số hộ dân đã làm hàng rào B40 và trồng thêm cây cối, hoa màu, xây nhà sát mặt đường... để yêu cầu hỗ trợ, bồi thường. Nhiều gia đình chưa đồng thuận về việc tự nguyện hiến đất để mở rộng đường và không thống nhất giá bồi thường, hỗ trợ của nhà đầu tư. Thậm chí, một bộ phận người dân do nhận thức chưa đúng về dự án, nên đã tụ tập, ngăn chặn xe vận chuyển thiết bị thi công. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho dự án đang chậm tiến độ.

 

Theo UBND huyện Đắk Song, đến nay, về phần đất thu hồi vĩnh viễn tại 81 vị trí tua bin và đường vào tua bin đã được chủ đầu tư thỏa thuận bồi thường xong với người dân. Chủ đầu tư đang cùng với địa phương tiếp tục thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phục vụ nâng cấp, mở rộng các tuyến đường vào dự án, với tổng chiều dài là 41,7 km và 953 hộ dân bị ảnh hưởng.

 

Sớm xác định rõ mức độ ảnh hưởng

Qua buổi làm việc của UBND tỉnh về tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện gió tại Đắk Song vừa qua cho thấy, lo lắng lớn nhất của người dân trong quá trình triển khai dự án là khoảng cách an toàn trong phạm vi bán kính 300m của các trụ tua bin và việc thỏa thuận đền bù.

Theo ông Lê Văn Thị, Giám đốc Sở Công thương, chính quyền địa phương phải tập trung tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức được tầm quan trọng của dự án. Ban Quản lý và phát triển quỹ đất huyện Đắk Song căn cứ vào hành lang an toàn đường điện cao áp, lưới điện… để có chính sách hỗ trợ cho người dân đúng theo quy định.

Còn ông Nguyễn Văn Hiệp, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, dự án nằm trong danh mục thu hồi đất theo Nghị quyết HĐND tỉnh. Nhà nước phải đứng ra đền bù, giải phóng mặt bằng và giao đất sạch cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, do nhà đầu tư muốn đẩy nhanh tiến độ dự án, nên đã thống nhất tự đi thỏa thuận với người dân để đền bù. Vì vậy, để giải quyết những vướng mắc, trước hết, những phần diện tích nào đã thỏa thuận với người dân rồi thì nên giữ nguyên. Trong quá trình thỏa thuận, nếu vướng mắc tiếp hoặc các hộ đòi giá đền bù quá cao, không thể đáp ứng được, lúc đó chính quyền địa phương phải đứng ra làm "trọng tài". Nếu không được, Nhà nước phải làm các thủ tục để thu hồi, giải phóng mặt bằng.

Theo ông Nguyễn Trí Trà, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đắk N’Drung Đắk Nông (chủ đầu tư), giá đền bù mà đơn vị đưa ra cao hơn giá của Nhà nước rất nhiều. Nhà đầu tư cũng mong các hộ dân hiểu điều này. "Công ty đang rất cố gắng bảo đảm hài hòa giữa các lợi ích, bảo đảm mục tiêu là có mặt bằng để thi công" ông Trà nhấn mạnh.

Chủ đầu tư dự án đề nghị địa phương hỗ trợ trong việc xác định danh sách những hộ ảnh hưởng trong vòng bán kính 300m mà có hiện tượng nứt, gãy vật kiến trúc, để có hướng đền bù theo quy định.

 

Đắk Nông hiện có 6 dự án điện gió đang được triển khai, với tổng công suất là 430MW. Trong đó, các nhà máy điện gió Đắk Rung 1, 2, 3 được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch điện VII, với danh mục lưới điện đấu nối, có tổng công suất là 300MW, tổng vốn đầu tư khoảng 10.327 tỷ đồng.

 

Minh bạch các thông tin về dự án

Một trong những nguyên nhân dẫn đến vướng mắc trong quá trình triển khai dự án là công tác tuyên truyền, vận động người dân chưa tốt.

Theo đồng chí K’Thanh, Bí thư Huyện ủy Đắk Song, đây là dự án trọng điểm được Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, do chủ đầu tư chưa thông tin rõ ràng về dự án để người dân hiểu rõ. Vấn đề đền bù cũng không thống nhất về giá. Người trước giá khác, người sau giá khác… Vì vậy, trước tiên, các đơn vị liên quan cố gắng trả lời dứt điểm bằng văn bản giúp bà con thấu hiểu hơn nữa, để đồng lòng ủng hộ dự án. Bởi chỉ khi làm đúng quy trình, người dân hiểu rõ thì mọi việc sẽ được triển khai suôn sẻ.

Ông Hồ Viết Lượng, Bí thư Đảng ủy xã Thuận Hạnh (Đắk Song) đề nghị, nhà đầu tư phối hợp với địa phương để cung cấp những hồ sơ pháp lý liên quan đến dự án, phục vụ cho việc tuyên truyền vận động Nhân dân, nhằm sớm tạo được sự đồng thuận.

Trong quá trình triển khai dự án, do áp lực tiến độ, nên vừa rồi công ty triển khai đồng loạt ở các móng trụ khác nhau. Địa phương mong muốn, các móng trụ đã được cơ quan chức năng phê duyệt, nhà đầu tư cần lên phương án hỗ trợ cụ thể; đồng thời, tổ chức họp dân trước khi triển khai ở những móng trụ tiếp theo. Trên tinh thần đó, bà con cần tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư triển khai dự án kịp tiến độ. Bà con cần tránh trường hợp một số thành phần xấu xúi giục, loan truyền những thông tin trái chiều, đưa ra những yêu cầu vượt quá quy định, doanh nghiệp không thể đáp ứng được.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên, quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê là dự án phải hòa lưới điện trước ngày 1/11/2021 mới được hưởng các chính sách ưu đãi. Do đó, áp lực về tiến độ dự án của nhà đầu tư, chính quyền địa phương và các hộ dân liên quan lúc này rất lớn. Vì vậy, để dự án thuận lợi trong triển khai thì giữa chủ đầu tư, Nhà nước và Nhân dân phải bảo đảm hài hòa lợi ích, vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm an ninh chính trị trên địa bàn.

Đặc biệt, nhà đầu tư cần tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương công khai, minh bạch các thông tin, để người dân ủng hộ đẩy nhanh tiến độ của dự án.

Bài, ảnh: Lê Dung

Bài viết gốc: http://www.baodaknong.org.vn/kinh-te/tang-cuong-dong-thuan-cho-cac-du-an-dien-gio-85757.html

    Nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Chia sẻ lợi ích nhiều nhất cho người trồng cà phê

      Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 đã khép lại sau 5 ngày diễn ra sôi động với nhiều chuỗi sự kiện được tổ chức, giới thiệu và quảng bá rộng rãi, sâu đậm đến với người dân địa phương...

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ