A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cảnh báo tình trạng giả mạo ngành điện để lừa đảo

08:29 | 07/06/2021

Vừa qua, thông qua các kênh Chăm sóc khách hàng (CSKH) của các Tổng công ty Điện lực, gần đây xuất hiện tình trạng có những số điện thoại “lạ” gọi điện cho khách hàng để khai thác thông tin,....

......và thông báo sẽ tạm thời cắt điện vì lý do phát hiện sử dụng điện bất thường. Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định, đây đều là những cuộc gọi giả mạo, lợi dụng uy tín của ngành Điện để trục lợi.

Từ những cuộc gọi lạ…

Theo thống kê của các Tổng công ty Điện lực, tính riêng từ đầu tháng 5 đến nay, đã có hàng trăm trường hợp khách hàng phản ánh về việc nhận các cuộc gọi tự xưng “Điện lực Việt Nam” hoặc các đơn vị Điện lực thuộc EVN để yêu cầu khách hàng nộp tiền điện, thậm chí doạ cắt điện nếu không nộp.

Riêng tại Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), chỉ trong khoảng thời gian từ ngày 4/5 đến 14/5, đã có 81 cuộc gọi của khách hàng đến Tổng đài CSKH của Tổng công ty để phản ánh về tình trạng trên.

Một nội dung phản ánh của khách hàng về hành vi giả mạo ngành Điện.

Đơn cử, ngày 13/5/2021, khách hàng C.T.D (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại +564296590 tự xưng là nhân viên CSKH Tổng công ty Điện lực miền Bắc thông báo khách hàng có nợ tiền điện 56 triệu và yêu cầu thanh toán trong ngày hôm nay, nếu không sẽ bị cắt điện. Sau đó, có cuộc gọi từ số điện thoại +8780692343647 gọi đến xưng là công an, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân và thanh toán tiền điện, nếu không sẽ trừ tiền tài khoản.

Tương tự, chị Hoàng Thị San (huyện Mang Yang, Gia Lai) phản ánh, có nhận được cuộc gọi từ số điện thoại di động lạ thông báo gia đình chị sử dụng điện sai mục đích, đồng thời yêu cầu nộp 56 triệu đồng tiền điện truy thu, nếu không sẽ chuyển cho công an xử lý theo quy định. Trung tâm CSKH EVNCPC đã chuyển thông tin tới Điện lực Mang Yang kiểm tra, thì thấy chị đã thanh toán tiền điện ngày 10-5 và hoàn toàn không có sai phạm gì.

Còn tại Hà Nội, cũng có nhiều trường hợp tương tự được phản ánh thông qua trang Facebook của Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI). Cụ thể, tài khoản Facebook Phan Thanh Giản chia sẻ:

“Một số điện thoại gọi đến với nội dung: “Bạn đang sử dụng điện cao bất thường, chúng tôi sẽ cắt điện trong thời gian tới, vui lòng bấm số 9 để được gặp nhân viên điện lực tư vấn”. Sau khi bấm số 9 thì nghe một giọng nữ chuyên nghiệp như một nhân viên tổng đài, nhân viên đề nghị cung cấp tên và địa chỉ để tiện kiểm tra thông tin về điện.

Sau khi kiểm tra xong thì cô ấy thông báo: Hiện có một thông báo từ Tổng công ty điện lực Hà Nội, anh có muốn nghe thông báo không”, đồng ý nghe.

Giọng đọc rõ ràng: Công ty Điện lực HN thông báo đến ông…, địa chỉ…, số điện thoại…, hiện nay ông đang đại diện doanh nghiệp tại Hà Nội, đang nợ tiền điện 54 triệu đồng, sau một tháng nay không thấy ông liên hệ với công ty điện lực để thanh toán, chúng tôi buộc lòng phải gửi hồ sơ của ông sang Công An để được giải quyết, đề nghị ông chuyển tiền gấp để thanh toán tiền điện trước khi công an thụ lý hồ sơ…”.

Có dấu hiệu lợi dụng thương hiệu EVN để lừa đảo, trục lợi

Theo ông Nguyễn Thành - Phó Tổng giám đốc EVNCPC, tất cả các cuộc gọi mang danh trên đều là giả mạo. “Qua xác minh, tất cả những trường hợp trên là các cuộc gọi giả mạo nhân viên Điện lực. Khi biết được thông tin khách hàng đã thanh toán tiền điện, thì các đối tượng lập tức ngắt máy” - ông Thành cho biết.

Những ngày nắng nong làm gia tăng lượng tiêu thụ điện ngành điện luôn cảnh báo sử dụng điện hiệu quả và tránh cung cấp thông tin cho người lạ.

Theo qui định của ngành Điện, tất cả các trường hợp khi liên hệ khách hàng, nhân viên điện lực đều có xưng danh, thông báo là nhân viên Điện lực quận/huyện và có thông tin khách hàng rõ ràng” - ông Thành thông tin thêm.

Đánh giá về hành vi này dưới góc độ pháp lí, Thạc sĩ Nguyễn Đức Tâm (Khoa Tội phạm học và điều tra tội phạm, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội), hành vi giả mạo ngành Điện với mục đích như trên đã có dấu hiệu vi phạm các hành vi bị cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện được quy định tại điều 7 Luật Điện lực năm 2004 (bổ sung, sửa đổi năm 2012). Hành vi này sẽ bị xử phạt theo Nghị định 134/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, với mức phạt từ 10 - 20 triệu đồng.

“Ngoài ra, trong trường hợp mạo danh ngành Điện và chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (bổ sung, sửa đổi năm 2017), với khung hình phạt là phạt tù từ 6 tháng đến chung thân” - ông Tâm cho biết thêm.

Trước tình trang các cuộc gọi giả mạo xuất hiện liên tục trên cả nước, ông Lê Ánh Dương - Phó Tổng giám đốc EVNHANOI khuyến cáo, nếu khách hàng nhận được cuộc gọi mạo danh “Điện lực Việt Nam” hoặc xưng danh là các “công ty điện lực” nhưng không nói rõ tên, địa bàn quản lý của công ty điện lực hoặc thông tin không rõ ràng, minh bạch thì đề nghị khách hàng không cung cấp các thông tin như tên, địa chỉ, số tài khoản… và vui lòng thông báo ngay cho các đơn vị Điện lực theo các kênh CSKH để có biện pháp xử lý kịp thời.

Trường hợp khách hàng còn nợ tiền điện, các Tổng công ty Điện lực sẽ có thông báo tiền điện thông qua tin nhắn SMS có tên thương hiệu của từng đơn vị, qua email CSKH ngành Điện hoặc qua ứng dụng CSKH trên thiết bị thông minh; đồng thời nhân viên điện lực sẽ gọi điện để thông báo khách hàng thanh toán đúng hạn và thông báo tạm ngưng cung cấp điện sau 15 ngày và 2 lần thông báo.

“Đặc biệt, trong mọi trường hợp, ngành Điện khuyến cáo khách hàng không cung cấp thông tin số tài khoản, mật khẩu của mình; tuyệt đối không thanh toán tiền điện cho người lạ hoặc yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản cá nhân để tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” - ông Dương khuyến cáo thêm.

Ngoài ra, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có chuyển biến phức tạp tại các địa phương trên cả nước, các Tổng công ty Điện lực cũng đều đồng loạt khuyến nghị khách hàng sử dụng các hình thức thanh toán tiền điện tự động qua ngân hàng trực tuyến (internet banking), hay qua các ứng dụng ví điện tử trên các thiết bị thông minh (Momo, Viettel Pay…)… để góp phần phòng, ngừa dịch bệnh.

Trong thời gian qua đã có một số đơn vị, cá nhân giả mạo thông tin, quảng cáo, phát tán tờ rơi in logo và thương hiệu EVN khi chưa được sự chấp thuận, cho phép của EVN trong nhiều hoạt động khác nhau, như: lập website giả mạo; tung tin “thành lập ngân hàng điện lực”, cho vay tín chấp; giả mạo cán bộ, công nhân viên EVN để trộm cắp, chiếm đoạt tài sản…

Đại diện EVN cho rằng đây là hành vi vi phạm pháp luật, có dấu hiệu lừa đảo, khuyến cáo người dân đề phòng, nâng cao cảnh giác, không để kẻ xấu lợi dụng.

ANH MINH

Bài viết gốc: http://daidoanket.vn/canh-bao-tinh-trang-gia-mao-nganh-dien-de-lua-dao-5643152.html

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Chia sẻ lợi ích nhiều nhất cho người trồng cà phê

      Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 đã khép lại sau 5 ngày diễn ra sôi động với nhiều chuỗi sự kiện được tổ chức, giới thiệu và quảng bá rộng rãi, sâu đậm đến với người dân địa phương...

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ