A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Bỏ độc quyền để ổn định giá vàng

16:26 | 27/06/2022

Vàng luôn được xem là kênh đầu tư an toàn. Vậy nhưng, thị trường vàng trong nước đang bộc lộ nhiều bất cập khi giá chênh quá cao so với giá vàng thế giới, giá vàng trong nước biến động chậm hơn so với vàng thế giới.

 Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc xem lại thị trường này một cách căn cơ.

Giá vàng trong nước chênh cao so với giá vàng thế giới.

Giá vàng thế giới đang biến động quanh vùng 1.826 USD/ounce. Sự phục hồi của các chỉ số chứng khoán Mỹ và lợi tức trái phiếu tăng đã khiến giá kim loại quý có xu hướng suy giảm. Tính tại thời điểm ngày 26/6, giá vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 52 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 16 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước. Tại thị trường trong nước, ngày 26/6, giá vàng SJC được các doanh nghiệp (DN) niêm yết mua vào 67,5 triệu đồng/lượng, bán ra 68,5 triệu đồng/lượng.

Những bất ổn

Hơn 10 năm nay, thị trường vàng trong nước được điều chỉnh bởi Nghị định 24/2012/NĐ-CP. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sản xuất vàng miếng, sử dụng loại vàng miếng SJC làm thương hiệu độc quyền. Từ khi có Nghị định 24 đến nay, NHNN chưa cấp phép cho bất kỳ DN nào được nhập khẩu vàng nguyên liệu và NHNN cũng đã ngừng tổ chức đấu thầu vàng miếng từ cuối năm 2013. Trong bối cảnh giá vàng quốc tế tăng mạnh thời gian vừa qua, hiện nguồn cung vàng miếng trên thị trường đang khan hiếm, đây cũng là lý do giải thích tại sao giá vàng miếng thương hiệu SJC trong thời gian vừa qua quá vênh với giá vàng thế giới.

Chị Hoàng Thu Hà (ngõ 254 Đội Cấn, Hà Nội) cho biết, thời điểm hiện tại chị có tiền dư trong tài khoản nhưng không biết đầu tư kênh nào. Với kênh vàng, chị nói rằng giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới đến16 triệu, thì đó là mức chênh vô lý.

Nhiều nhà đầu tư cũng nói rằng, mua vàng vật chất giai đoạn giá nóng này không khác gì “đu đỉnh” chứng khoán.

Mặt khác, theo phân tích từ giới chuyên gia, vào thời điểm giá vàng tăng nóng (tháng 3/2022) cũng đã nới rộng chênh lệch giá mua và giá bán vàng SJC lên mức rất cao từ 1 - 2 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng chỉ tăng 30 USD/uonce/ngày nhưng giá vàng trong nước tăng đến 4 triệu đồng/ lượng/ngày. Vàng SJC cũng đang cao hơn giá vàng thương hiệu riêng của các cơ sở kinh doanh vàng khoảng 12 triệu đồng/lượng. Đây là những sự lệch pha của vàng trong nước, giá vàng SJC vẫn “một mình một chợ” được cho là làm méo mó thị trường.

Nhiều người cho rằng, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới chủ yếu vì chi phí vàng ở trong nước tương đối cao, từ công chế tác, tới thuế nhập khẩu và các loại phí giao dịch khác. Nhưng sâu xa hơn là việc độc quyền của SJC, dẫn tới sự khác thường của giá. Hãy thử nhìn lại lịch sử giá vàng, tháng 3/2021 giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới 7,5 triệu đồng/ lượng, tháng 3/2022 giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới 20 triệu đồng/ lượng và nay mức chênh lệch vẫn duy trì ở mức 15,5 – 17 triệu đồng/ lượng.

Sẽ sửa đổi Nghị định quản lý thị trường vàng?

Phần lớn các ý kiến cho rằng Nghị định 24/2012/NĐ-CP cần được sớm sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu hiện nay, cần có thêm thương hiệu vàng khác để cạnh tranh với SJC.

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN cho biết, trước đây khi xây dựng Nghị định 24 để áp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Trong suốt 10 năm qua, không chỉ NHNN mà các báo cáo, đánh giá, nhìn nhận đều cho thấy câu chuyện quản lý vàng đã tạo được sự ổn định trong quản lý kinh tế vĩ mô, từ đó kiểm soát lạm phát, kiểm soát được thị trường vàng, không tác động đến mặt bằng giá cả và các chỉ tiêu khác. Tuy nhiên, sau 10 năm, có những tác động của tình hình kinh tế thế giới, tác động của vàng thế giới với Việt Nam, NHNN đã và đang cử các đoàn nghiên cứu, đánh giá thực tế trong nền kinh tế, nhu cầu thực của người dân là thế nào... để có hướng sửa đổi Nghị định 24.

Theo lãnh đạo NHNN, không phải Quốc hội đặt vấn đề NHNN mới nghiên cứu mà việc này cơ quan chức năng cũng đã nghiên cứu hàng năm nay. NHNN nghiên cứu một cách thấu đáo và cũng đặt ra lộ trình xem xét để sửa đổi Nghị định 24 trong thời gian tới sao cho phù hợp, để đạt mục tiêu lớn và vẫn bảo đảm nhu cầu thị trường đối với vàng miếng cũng như vàng trang sức.

Giới phân tích tài chính cho rằng, do Nghị định 24 ra đời đã được một thời gian khá dài, trong khi tình hình thực tế thị trường đã thay đổi nên cũng cần có dự thảo để sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp hơn với diễn biến thị trường. Nhà đầu tư trong nước không thể coi vàng là kênh đầu cơ, lướt sóng như một số kênh đầu tư khác trong bối cảnh thị trường vàng trong nước không liên thông với quốc tế.

Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cũng từng có kiến nghị gửi lên NHNN rằng, nếu chênh lệnh quá lớn như hiện nay dẫn tới nguy cơ đầu cơ và nhập lậu vàng vào Việt Nam. Vả lại, người mua vàng trong nước chịu thiệt lớn, trong khi nhu cầu tích trữ vàng của người dân Á Đông, trong đó có Việt Nam là không thể thiếu từ trước đến nay. 

VGTA đề nghị NHNN sớm trình Chính phủ Dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 24/2012. Vì ở thời điểm 2012, thị trường vàng Việt Nam có nhiều bất ổn, tình trạng các cơn sốt vàng thường xuyên xảy ra nên Nghị định 24 được ban hành vào thời điểm đó là phù hợp và đã phát huy hiệu quả.

Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Nghị định 24 đã góp phần chống “vàng hóa” nền kinh tế, nên dù giá vàng trong nước biến động mạnh như thời gian qua thì người dân cũng không còn nhốn nháo đi giao dịch vàng như trước. Nhưng những quy định về độc quyền sản xuất vàng miếng đã không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay, đẩy chênh lệch giá quá lớn khiến rủi ro đổ hết lên đầu người dân mua vàng. Diễn biến giá vàng hiện nay chỉ khiến cho các DN tư nhân kinh doanh vàng làm ăn tốt. Có thể có một số DN bắt tay nâng giá vàng để hưởng lợi, trong khi đó cung không đủ cầu khiến cho chênh lệch giá ngày càng lớn.

THÚY HẰNG

Bài viết gốc: http://daidoanket.vn/bo-doc-quyen-de-on-dinh-gia-vang-5689817.html

 

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ