A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02

Nợ chồng chất, trường chuyển giao quyền sở hữu

09:06 | 26/11/2024

Thời gian qua, tại Trường Trung cấp Bình Minh (địa chỉ số 131 Phan Huy Chú, phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) có nhiều giáo viên của trường này và người dân đến yêu cầu thanh toán các khoản nợ lớn.

Trong khi đó, nhà trường đã ngừng hoạt động chuyên môn đào tạo lái xe ô tô hạng B từ nhiều tháng qua và đang tiến hành các thủ tục chuyển giao quyền sở hữu cho nhà đầu tư khác.

Ông Tô Hùng Vân, giáo viên Trường Trung cấp Bình Minh cho biết, bà Từ Thị Hồng Hòa, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bình Minh - người trước đây giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị đã đại diện nhà trường vay mượn nhiều khoản tiền lớn từ giáo viên trong trường và người quen bên ngoài (khoảng 20 người), với tổng số tiền trên 5 tỷ đồng. Bản thân ông Vân từ năm 2012 cũng đã đóng một khoản tiền “thế chân” để dạy lái xe tại trường. Tuy nhiên, sau một thời gian dài, trường không còn tổ chức đào tạo lái xe ô tô hạng B, dù đã nhiều lần yêu cầu nhưng ông Vân vẫn chưa được nhận lại khoản tiền "thế chân" này.

Trong khi đó, anh Nguyễn Hữu Tuận, giáo viên của trường cho hay, cách đây gần 2 năm, nhà trường có vay của anh 300 triệu đồng góp vốn mua cabin. Mặc dù đã gửi đơn yêu cầu thanh toán nhiều lần, nhưng đến nay anh Tuận vẫn chưa nhận được khoản tiền đã cho vay này.

Người dân và các giáo viên phản ánh việc cho Trường Trung cấp Bình Minh vay tiền nhưng chưa đòi lại được

Không chỉ vay tiền của các giáo viên trong trường, bà Hòa còn vay mượn của nhiều người ở ngoài với số tiền lớn. Anh Hoàng Tân Khánh (trú thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) bức xúc: Thông qua mối quan hệ quen biết, anh đã cho bà Hòa vay 660 triệu đồng. Ngoài ra, bà Hòa còn nhờ anh đứng ra bảo lãnh cho khoản vay 900 triệu đồng từ một người quen. Tất cả các khoản vay này đều được bà Hòa ký tên và đóng dấu của Trường Trung cấp Bình Minh. Tuy nhiên, dù đã nhiều lần yêu cầu thanh toán, bà Hòa vẫn không có động thái trả nợ, và hiện tại, khi trường chuyển nhượng cổ phần cho đơn vị mới, phía bên nhận chuyển nhượng lại từ chối nhận trách nhiệm về các khoản nợ trước đó.

Trao đổi với phóng viên Báo Đắk Lắk, bà Từ Thị Hồng Hòa thừa nhận việc sử dụng danh nghĩa Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Trung cấp Bình Minh vay mượn các khoản tiền lớn từ một số cá nhân để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho trường là có thật. Hằng tháng bà cũng trả lãi đầy đủ theo thỏa thuận vay. Thế nhưng, khoảng 1 năm trở lại đây nhà trường không còn khả năng trả nợ, buộc phải chuyển nhượng trường cho nhà đầu tư mới. Khi thủ tục chuyển nhượng hoàn tất và nhà đầu tư mới trả tiền, bà cam kết sẽ giải quyết công nợ.

Tình trạng nợ nần tại Trường Trung cấp Bình Minh đang gây lo ngại về tính minh bạch trong việc quản lý tài chính của nhà trường. Việc sang nhượng cổ phần cho nhà đầu tư mới trong khi các khoản nợ vẫn chưa được thanh toán khiến nhiều người rất lo ngại.

Lê Thành

Bài viết gốc: https://baodaklak.vn/xa-hoi/202411/no-chong-chat-truong-chuyen-giao-quyen-so-huu-e2700ca/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ