A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tăng cường biện pháp đẩy lùi hàng lậu

09:05 | 15/07/2018

Trước tình hình buôn lậu và vận chuyển hàng hóa nhập lậu qua biên giới Tây Nam diễn biến phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi, Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389)...

... và lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường đấu tranh phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại trong những tháng cuối năm. 

Ngăn chặn buôn lậu không chỉ chống thất thu ngân sách nhà nước mà còn bảo vệ an ninh, trật tự xã hội

Nhiều mặt hàng "nổi cộm" 

Thống kê từ các tỉnh thành thuộc khu vực Tây Nam bộ có đường biên giới cho thấy, các mặt hàng dẫn đầu nhóm hàng hóa buôn lậu quan khu vực này trong 6 tháng đầu năm tập trung chủ yếu vào nhóm mặt hàng xăng dầu, thuốc lá, đường cát, rượu, hóa mỹ phẩm...

Cụ thể, chỉ riêng các mặt hàng này, lực lượng chức năng đã kiểm tra và phát hiện hơn 290 vụ buôn lậu với tổng trị giá hàng hóa gần 22,3 tỷ đồng. 

Đơn cử, tại địa bàn tỉnh Kiên Giang và An Giang, tình hình buôn lậu xăng dầu diễn biến phức tạp trên các vùng biển và khu vực đường biên giới.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình hình này, bà Lê Minh Phụng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang kiêm Trưởng Ban chỉ đạo 389 của tỉnh cho biết, do giá xăng dầu trong nước chênh lệch ở mức dao động từ 2.500/lít đến 4.000 đồng/lít so với một số nước nên nhiều đối tượng vì lợi nhuận đã thực hiện các hành vi vi phạm quy định pháp luật. Đồng thời, đối với người dân khi mua và sử dụng xăng dầu lậu có thể tiết kiệm đáng kể chi phí đánh bắt, vận tải vì mức giá chênh lệch. 

Cũng theo bà Lê Minh Phụng, ngư dân có thể tiết kiệm được một khoản tiền nếu sử dụng xăng dầu nhập lậu và tiết kiệm thời gian so với việc mua xăng dầu tại các điểm bán hợp pháp trong nước.

Bên cạnh đó, các đơn vị kinh doanh xăng dầu hợp pháp hiện chưa mở mạng lưới phân phối, cung cấp xăng dầu cho ngư dân mà chỉ có cơ sở, điểm bán trên đất liền. 

Đại diện Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh cũng chia sẻ, tại các khu vực biên giới giáp ranh giữa các tỉnh, thành, nhiều đầu nậu buôn lậu thuốc lá thuê người vận chuyển là dân cư nghèo, trình độ dân trí thấp nên sẵn sàng bất chấp pháp luật và nguy hiểm đến tính mạng của mình và người khác để vận chuyển, tiêu thụ thuốc lá nhập lậu vào TP Hồ Chí Minh.

Những đối tượng này, thường là thanh niên dùng phương tiện chủ yếu là xe máy đi với tốc độ cao, bất chấp hiệu lệnh của của cơ quan chức năng. 

Ghi nhận thực tế, thuốc lá điếu nhập lậu được vận chuyển phổ biến từ các tỉnh Tây Ninh, Long An đi qua địa bàn giáp ranh vào các quận nội thành của TP Hồ Chí Minh cũng như đến tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu... để tiêu thụ. 

Trên các tuyến đường từ tỉnh Tây Ninh, Long An vào Tp. Hồ Chí Minh, lực lượng Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra gần 300 vụ, tạm giữ gần 11.260 bao thuốc lá điếu nhập lậu, 48 xe gắn máy hai bánh và 12 xe ô tô.

Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm 2018, lực lượng Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh cũng kiểm tra và phát hiện nhiều vụ việc vi phạm đối với các mặt hàng như đường cát, rượu, bia, nước giải khát 110 vụ; mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng hơn 140 vụ... 

Trong khi đó, việc phối hợp trao đổi thông tin, kiểm tra và xử lý các vụ việc vi phạm giữa các lực lượng chức năng và Ban chỉ đạo 389 còn hạn chế nên chưa phát huy hiệu quả trong phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại tại các tỉnh, thành thuộc khu vực Tây Nam bộ có đường biên giới.

Ngoài ra, lực lượng chức năng chống buôn lậu và bộ đội biên phòng còn mỏng, thiếu thiết bị cần thiết, phương tiện phục vụ cho công tác kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính... 

Chờ giải pháp mạnh 

Để phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại có hiệu quả, nhiều địa phương thuộc khu vực Tây Nam bộ có đường biên giới cho rằng, cần điều chỉnh một số quy định chưa hợp lý trong việc xử phạt hành chính đối với đối tượng buôn lậu và gian lận thương mại, tăng quyền xử lý của bộ đội biên phòng, huy động được toàn dân tham gia chống buôn lậu và để lại 50% tổng giá trị hàng hóa buôn lậu cho lực lượng chống buôn lậu.

Ngoài ra, triển khai  lắp đặt camera tại một số điểm nóng và địa bàn trọng điểm ở các tuyến biên giới có tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại diễn biến phức tạp. 

Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công thương kiêm Phó Ban chỉ đạo 389 tỉnh Long An nhấn mạnh: Chính phủ cần có thêm nhiều chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương thuộc khu vực Tây Nam bộ có đường biên giới, tạo điều kiện cho người dân vùng biên có công ăn việc làm, thu nhập ổn định. Qua đó sẽ góp phần giảm tình trạng tham gia hay bị thuê mướn vận chuyển hàng hóa nhập lậu cũng như buôn lậu. 

Cùng đó, các đơn vị chức năng cần xây dựng quy chế phối hợp hoạt động của Ban chỉ đạo 389, Quản lý thị trường và lực lượng chức năng các tỉnh Long An, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh... với những quy định chặt chẽ và hiệu quả hơn. 

Tương tự, đại diện nhiều địa phương cho rằng, cần xác định phòng chống tội phạm ngay trong lực lượng chức năng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả…

Đặc biệt, quản lý chặt chẽ nội bộ, tăng cường kiểm soát biên giới, vùng biển qua việc đổi mới công tác phòng chống buôn lậu với những biện pháp hữu hiệu. 

Mỹ Phương 

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ