A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Phá rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn phức tạp

08:43 | 18/07/2018

Mặc dù các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, tuy nhiên tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn còn diễn biến phức tạp.

Diện tích rừng bị phá để lấn chiếm đất tại xã Ea Bung, huyện Ea Súp.

Bên cạnh việc phá rừng lấy gỗ, thì một áp lực không nhỏ đang đe dọa các diện tích rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk là tình trạng phá rừng, chiếm đất để sản xuất nông nghiệp. Tại huyện biên giới Ea Súp, nhiều hộ dân di cư tự do (DCTD) sau khi theo người thân vào đây sinh sống vì thiếu đất sản xuất, họ đã chọn những nơi xa xôi cách trở, tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng cưa hạ cây rừng lấy đất sản xuất. Nổi bật trong đó là vụ phá rừng chiếm gần 20 ha đất tại tiểu khu 238, thuộc địa phận xã Ea Bung, huyện Ea Súp của các đối tượng Nguyễn Văn Chung (sinh năm 1985); Phan Văn Dương (sinh năm 1985) và Lê Văn Dương (sinh năm 1983), đều trú tại thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp. 

Trước đó, khoảng 10h ngày 14/5/2018, trong quá trình tuần tra bảo vệ khu vực biên giới, lực lượng Đồn biên phòng cửa khẩu Đắk Ruê (Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Đắk Lắk) đã phát hiện, bắt quả tang nhóm đối tượng này đang cưa phá cây rừng. Sau khi điều tra làm rõ, cơ quan chức năng xác định đối tượng thuê  Lê Văn Dương, Phan Văn Dương, Nguyễn Văn Chung dùng cưa xăng vào tiểu khu 238 cắt hạ 9,2 ha rừng để lấy đất sản xuất là Đặng Văn Thương. Qua tiến hành đo đếm hiện trường, lực lượng chức năng xác định, tổng diện tích rừng bị cắt hạ khoảng 18,61 ha, trong đó có khoảng 10 ha rừng bị cắt hạ đã lâu và khoảng 8 ha rừng còn lại có vết cắt còn mới. Cơ quan điều tra Công an huyện Ea Súp đã tiến hành khởi tố bị can và tạm giam các đối tượng trên. 

Theo thống kê sơ bộ, trên diện tích rừng, đất lâm nghiệp do UBND xã Ea Bung quản lý đã thống kê có 37 hộ lấn chiếm với diện tích 264,7 ha. Ông Nguyễn Ngọc Luật, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Bung cho biết, những diện tích rừng được giao cho UBND xã quản lý chủ yếu là rừng nghèo, một số đã bị người dân xâm canh, lấn chiếm nên rất khó cho công tác quản lý. Chưa kể, diện tích rừng và đất lâm nghiệp của UBND xã quản lý, chỗ gần nhất khoảng 30 km, chỗ xa nhất khoảng 50 km, đường sá đi lại khó khăn. Lực lượng bảo vệ rừng của xã chủ yếu là kiêm nhiệm không có lực lượng chuyên trách, công cụ, phương tiện cũng như kinh phí để phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng rất eo hẹp và thiếu thốn, nhiều khi không có kinh phí hỗ trợ, cán bộ xã phải bỏ tiền túi đổ xăng, ăn uống để đi tuần tra bảo vệ rừng. 

Tại xã Cư M’lan (huyện Ea Súp) tình trạng người dân phá rừng, chiếm đất cũng diễn ra phức tạp. Theo thống kê mới đây của UBND xã, hiện đang có 163 hộ DCTD với 997 nhân khẩu cư trú trái phép trên một số diện tích rừng và đất lâm nghiệp của địa phương. Do nhu cầu về đất sản xuất tăng nên các hộ luôn tìm mọi cách xâm nhập vào các diện tích rừng để chiếm dụng đất. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, tại các tiểu khu 276, 280, 286 do UBND xã Cư M’lan quản lý, lực lượng chức năng đã phát hiện 25 vụ vi phạm trên lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng với diện tích rừng bị thiệt hại là 45,94 ha.

Theo báo cáo của  UBND tỉnh Đắk Lắk, chỉ riêng từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã có trên 10.500 ha rừng tự nhiên bị phá, lấn chiếm trái phép, trong đó, huyện Ea Súp là địa phương để người dân phá rừng tự nhiên, lấn chiếm đất rừng trái phép nhiều nhất, với trên 9.358 ha, kế đến là huyện Ea H’leo, M’Đắk…

Nửa đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện gần 50ha rừng bị phá, lấn chiếm trái phép. Diện tích rừng bị phá là 45,35ha. Cũng trong 6 tháng qua, toàn tỉnh Đắk Lắk phát hiện xử lý 578 vụ vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng. Các lực lượng chức năng đã xử lý hình sự 11 vụ, còn lại là xử lý hành chính; tịch thu hơn 835 m2 gỗ các loại và 266 phương tiện. Tổng các khoản thu từ việc xử lý vi phạm Luật Bảo vệ phát triển rừng là hơn 4,5 tỷ đồng. Nhìn chung, các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh bị phát hiện xử lý có giảm so với cùng kỳ năm 2017.

Để hạn chế tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm chấn chỉnh các đơn vị trực thuộc nghiêm túc báo cáo tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng một cách cụ thể, chính xác để có biện pháp ngăn chặn xử lý kịp thời. Đồng thời, phối hợp với chính quyền các cấp, lực lượng Công an các cấp và toàn thể nhân dân trên địa bàn trong công tác quản lý bảo vệ rừng, nhằm hạn chế thấp nhất diện tích rừng bị phá, lấn chiếm như thời gian qua. 

UBND tỉnh Đắk Lắk cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng, các địa phương, các chủ rừng trên địa bàn kiên quyết thu hồi toàn bộ đất lâm nghiệp do các hộ dân lấn chiếm trái phép, kể cả phá bỏ các loại cây trồng, những công trình xây dựng để trồng lại rừng theo đúng quy hoạch của Nhà nước đã phê duyệt.     

Nguyễn Tuấn Anh

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ