A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Thực trạng, nguyên nhân của tệ nạn, tội phạm về ma túy trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và giải pháp phòng

08:52 | 28/12/2013

Diễn biến của các tệ nạn và tội phạm về ma túy trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ngày càng phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Để giải quyết tốt vấn đề này thì các cơ quan chức năng cần có những giải pháp cụ thể, thiết thực để giảm thiểu và tiến tới loại bỏ

Đắk Lắk là một tỉnh trọng điểm của khu vực Tây Nguyên và cả nước, trong những năm gần đây, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm trên địa bàn tỉnh luôn diễn biến phức tạp, năm 2012 đã khởi tố, điều tra 1.924 vụ, 3.552 bị can; năm 2013 là 1922 vụ, 3.512 bị can; trong đó các vụ trọng án như Giết người, Hiếp dâm trẻ em, Cướp tài sản, Cố ý gây thương tích v.v… xảy ra ngày càng nhiều.

Bên cạnh đó, các tệ nạn và tội phạm về ma túy cũng diễn biến phức tạp và tăng dần qua các năm. Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, đến ngày 30/11/2013, toàn tỉnh Đắk Lắk có khoảng 1.322 người nghiện ma túy (tăng 277 người so với cùng kỳ năm 2012). Tuy nhiên, thực tế số người nghiện ma túy có thể lớn hơn so với con số thống kê được. Tình hình tội phạm về ma túy, năm 2011 đã khởi tố điều tra 99 vụ, 130 bị can; năm 2012 là 145 vụ, 189 bị can và năm 2013 là 156 vụ, 198 bị can v.v... Về chủng loại các chất ma túy, ngoài những chất ma túy tiêu thụ trên địa bàn trong những năm trước như: Thuốc phiện, Hêrôin, Cần sa… thì trong những năm gần đây đã xuất hiện một số chất ma túy mới như: Kentamine, Para - Methoxe – Methamphetamine; riêng trong năm 2013, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã thu giữ được 592,28 gam hêrôin, 198,42 gam Methamphetamine, 0,4884 gam Kentamine, 5,32 kg cần sa khô, 0,3 kg hạt giống cần sa, hàng chục ngàn cây cần sa tươi… Một số địa phương được coi là “điểm nóng” về tệ nạn ma túy như thành phố Buôn Ma Thuột, huyện Ea Hleo, Krông Năng, Krông Búk... Hoạt động của các đối tượng phạm tội ngày càng tinh vi, manh động hơn, thường xuyên thay đổi các địa điểm phạm tội, hình thành một số đường dây vận chuyển, mua bán ma túy liên tỉnh (từ các tỉnh phía Bắc và thành phố Hồ Chí Minh vào Đắk Lắk...).

 Image

Xét xử lưu động vụ án mua bán trái phép chất ma túy ở huyện Cư Mgar

Về nguyên nhân của thực trạng nêu trên thì có nhiều, nhưng chủ yếu là do các nguyên nhân sau đây:

Thứ nhất, do lợi nhuận mang lại từ các vụ mua bán trái phép chất ma túy là rất cao, nên nhiều đối tượng vì hám lợi mà cố tình vi phạm phạm luật hoặc phạm tội. Điển hình như, vụ án ngày 08/01/2012, Lưu Văn Hồng, trú tại huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, vì hám lợi mà Hồng đã nhận vận chuyển thuê 120,8406 gam hêrôin cho một đối tượng (không rõ nhân thân lại lịch) từ tỉnh Nghệ An vào tỉnh Đắk Lắk; thậm chí, có vụ án cả gia đình (vợ, chồng, con) đều tham gia mua bán trái phép chất ma túy.

Thứ hai, một số đối tượng đã lợi dụng chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta trong việc xử lý tội phạm là phụ nữ có thai, phụ nữa đang nuôi con nhỏ; người bị bệnh hiểm nghèo… để tiếp tục phạm tội. Điển hình như, vụ án Nguyễn Thị Tùy Phương, trú tại thành phố Buôn Ma Thuột, Phương đã có 02 tiền án, bị phạt 09 năm 06 tù giam về tội Mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, chưa chấp hành hình phạt do bị nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối và được hoãn thi hành án để chữa bệnh. Tuy nhiên, trong thời gian được hoãn thi hành án, ngày 26/2/2013, Phương tiếp tục phạm tội mua bán trái phép 8,2063g hêrôin và 8,2845g Methamphetamine.  

 Thứ ba, công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn, quán bar, vũ trường… còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy trong các khách sạn, vũ trường. Điển hình như, vụ án ngày 24/4/2013, tại khách sạn Tuấn Thanh, thành phố Buôn Ma Thuột, Cơ quan Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy Công an tỉnh Đắk Lắk, phát hiện bắt quả tang Trần Minh Phương, trú tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, cùng một số đối tượng khác đang tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Thu giữ 116g Methamphetamine và 3,95g hêrôin.

Thứ tư, việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng ở các địa phương để phát hiện, xử lý kịp thời các vụ án, các đường dây vận chuyển ma túy liên tỉnh chưa được kịp thời, chặt chẽ, nên trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy từ các tỉnh khác vào tỉnh Đắk Lắk để tiêu thu, làm cho tình hình các tệ nạn và tội phạm về ma túy trên địa bàn tỉnh càng thêm phức tạp. Điển hình như, vụ ngày 26/12/2012, Lê Việt Hùng, trú tại phường Tân Hòa, thành phố Buôn Ma Thuột, mua 107,658 gam hêrôin từ tỉnh Thái Bình, rồi mang vào Đắk Lắk để tiêu thụ; vụ án Hoàng Văn Đấy cùng đồng bọn, mua 78,2526 gam hêrôin từ tỉnh Thanh Hóa, rồi mang vào tỉnh Đắk Lắk để tiêu thụ v.v…

Thứ năm, việc quản lý các đối tượng phạm tội về ma túy trong các nhà tạm giữ, trại tạm giam và Trại giam trên địa bàn tỉnh của các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ, nên còn để xảy ra tình trạng người bị giam, giữ, thi hành án vẫn có điều kiện để sử dụng ma túy, thậm chí là mua bán trái phép chất ma túy khi đang thi hành án trong trại. Điển hình như, phạm nhân Phạm Văn Long, đang chấp hành án tại Trại giam Đăk Trung - Bộ Công an, ngày 21/4/2013, Long dùng điện thoại di động gọi cho đối tượng tên Thành để nhờ mua 3,8798 gam ma túy và mang vào cho Long thì bị phát hiện bắt giữ; hoặc vụ án ngày 19/12/2012, Nguyễn Việt Hưng cùng đồng bọn, mua 0,8298g hêrôin để chuyển vào Trại giam Đắk Trung, thì bị phát hiện bắt quả tang v.v…

Thứ sáu, các đối tượng nghiên ma túy thường rất dễ trở thành tội phạm, chủ yếu là do các đối tượng này mua đi, bán lại để vừa có tiền tiêu xài và có ma túy để sử dụng. Trong khi đó, công tác quản lý nhân hộ khẩu; việc quản lý đối tượng nghiện ma túy của các cơ quan chức năng có lúc, có nơi còn lỏng lẻo, chưa đầy đủ, kịp thời, nên để các đối tượng này phạm tội ngày càng nhiều. Điển hình như, ngày 19/12/2013 tại khu vực bảo tàng Biệt Điện, tỉnh Đắk Lắk, Công an tỉnh Đắk Lắk bắt quả tang Trinh Tuấn Anh trú tại thành phố Buôn Ma Thuột, thu giữ 02 gói Hêrôin được gói bằng giấy bạc, Anh khai nhận mua hêrôin về để sử dụng và bán lại cho các con nghiện để kiếm lời; vụ án Đào Văn Thông, trú tại thành phố Buôn Ma Thuột, là một con nghiện nên Thông thường mua hêrôin về chia nhỏ vừa để dùng và bán lại cho các con nghiện kiếm lời v.v…

Thứ bảy, chính sách hình sự của Nhà nước ta có sự thay đổi theo hướng không xử lý hình sự đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy nên số người sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng gia tăng, vì vậy mà các hành vi mua bán trái phép các chất ma túy cũng tăng theo, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.

Thứ tám, công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về ma túy, tác hại của ma túy có lúc, có nơi còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao; một bộ phận nhân dân, nhất là tầng lớp thanh, thiếu niên, nhận thức chưa đầy đủ về tác hại của ma túy; công tác quản lý và tổ chức cai nghiện tại cộng đồng, gia đình còn hạn chế, kém hiệu quả; tình trạng phân biệt đối xử, xa lánh người nghiện ma túy vẫn còn xảy ra khá phổ biến, khiến họ mặc cảm, tự ty nên rất khó khăn trong việc tái hòa nhập cộng đồng v.v…

Thứ chín, công tác phối hợp giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật với chính quyền ở một số địa phương trong đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy có lúc, có nơi chưa thực sự gắn kết, thiếu chặt chẽ, đồng bộ; phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc, tấn công trấn áp tội phạm ở một số xã, phường còn yếu, chưa chủ động và tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của một bộ phận quần chúng nhân dân.

Từ thực trạng, nguyên nhân của tình hình nêu trên, để góp phần phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các tệ nạn và tội phạm về ma túy trong thời gian tới, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan chức năng, các cấp, các ngành, các địa phương cần thực hiện nhất quán, đồng bộ các giải pháp sau đây:

Một là, chính quyền địa phương các cấp tăng cường quản lý, giáo dục người nghiện ma túy chặt chẽ hơn, việc cai nghiện bắt buộc phải được thực hiện triệt để. Biểu dương kịp thời và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy.

Hai là, các cơ quan có thẩm quyền cần thường xuyên chỉ đạo công tác phòng, chống ma túy; tăng cường lồng ghép các nhiệm vụ phòng chống ma túy với các chương trình, nhiệm vụ của địa phương để đạt hiệu quả thiết thực, góp phần đấu tranh phòng, chống ma túy. Cần cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp công tác phòng, chống ma túy vào chương trình hoạt động thường xuyên của địa phương. Tăng cường sự giám sát của nhân dân, phát động nhiều hơn nữa phong trào toàn dân phát hiện và tố giác tệ nạn, tội phạm ma túy, không để phát sinh, tái phát các tụ điểm về ma túy.

Ba là, cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện, dạy nghề, hỗ trợ, tạo việc làm cho người sau cai nghiện. Có biện pháp giáo dục, đào tạo nghề có hiệu quả với người nghiện, kết hợp giữa điều trị, giáo dục và lao động để sau khi cai nghiện có việc làm ổn định. Đồng thời quy định điều kiện cụ thể và thuận lợi hơn trong việc đưa người nghiện đến các Trung tâm cai nghiện.

Bốn là, cần tăng cường chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để xóa bỏ việc trồng, tái trồng cây có chứa chất ma túy. Thường xuyên phối hợp với với các ngành và chính quyền địa phương phát hiện, ngăn chặn, quản lý chặt chẽ số người nghiện ma túy, kiềm chế sự gia tăng và giảm tỷ lệ người tái nghiện, áp dụng biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn người nghiện mới.

Năm là, ngành Công an cần phối hợp tốt với các cơ quan hữu quan để làm tốt công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm về ma túy, đảm bảo việc phát hiện, khởi tố điều tra, khám phá các vụ án ma túy được kịp thời, trong đó cần tập trung đấu tranh, bắt giữ các đối tượng chỉ huy, cầm đầu trong các vụ án mua bán, vận chuyển ma túy; tăng cường phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về an ninh trật tự để làm tốt công tác quản lý kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự mà đối tượng phạm tội về ma túy thường chú ý lợi dụng hoạt đồng hoặc lôi kéo người sử dụng trái phép chất ma túy và thực hiện tội phạm như: Nhà hàng, Khách sạn, quán Bar, Vũ trường. Quản lý chặt chẽ người phạm tội trong các nhà tạm giữ, trại tạm giam và Trại giam để ngăn chặn việc mua bán, vận chuyển ma túy từ bên ngoài vào.

Sáu là, cần tăng cường mối quan hệ phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan chức năng, nhà trường và gia đình để quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên vi phạm hoặc có biểu hiện vi phạm pháp luật về ma túy. Đối với ngành giáo dục và đào tạo, cần đưa Luật phòng, chống ma túy và các văn bản có liên quan để lồng ghép vào chương trình học cho học sinh, sinh viên (nhất là các buổi học ngoại khóa) để các em nắm và hiểu rõ chính sách pháp luật của Nhà nước trong việc xử lý những hành vi vi phạm và tội phạm về ma túy, từ đó nâng cao hiệu quả phòng ngừa.

Bảy là, các cấp chính quyền ở địa phương cần có sự phối hợp tốt với Mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể vận động đoàn viên, hội viên tham gia và tích cực vận động mọi người tham gia công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và các tệ nạn về ma túy.

Tám là, cần quan tâm hỗ trợ về kinh phí cho công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn và tội phạm về ma túy. Tăng cường kinh phí đầu tư mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác giám định, có chế độ đãi ngộ xứng đáng, đặc thù cho cán bộ trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy, khen thưởng kịp thời những cán bộ có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống các tệ nạn và tội phạm ma túy v.v…

PVT Lê Quang Tiến

    Nguồn: vksdaklak.gov.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ