A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cảnh giác thủ đoạn vờ đi xe ôm để lừa đảo, cướp tài sản

16:28 | 31/10/2018

Những năm gần đây, trước sự phát triển mạnh của các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, taxi, nghề xe ôm đang hoạt động ngày một khó khăn.

Tuy nhiên, vì cuộc sống mưu sinh, nhiều người vẫn bám trụ với nghề. Công việc vất vả, nắng mưa ngoài đường, thu nhập không là bao, nhưng nếu không đề cao cảnh giác, những người chạy xe ôm còn bị lừa đảo mất tiền bạc, tài sản.

Tài xế xe ôm thường bảo ban nhau đề cao cảnh giác các đối tượng giả danh hành khách để lừa đảo, cướp giật tài sản

Hành nghề chạy xe ôm đã 7 năm nay, anh Nguyễn Văn Toản, trú tại phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) cũng đôi lần bị các đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo. Có lần chở khách đến khu vực phường Nghĩa Trung, khi đến nơi, khách yêu cầu anh Toản đợi để vào nhà người quen rồi sẽ quay ra về luôn. Đồng thời, anh ta cũng đưa tờ 500.000 đồng nhờ anh Toản đổi ra tiền lẻ giùm. Lục ví, thấy không có đủ tiền để đổi nên anh Toản từ chối. Vị khách liền hỏi vay anh Toản 300.000 đồng để vào trả tiền cho người quen và nói lúc đi về ngang tiệm tạp hóa sẽ đổi tiền để trả cho anh Toản cũng như trả tiền xe. Thấy khách ăn mặc cũng lịch sự, lại nói năng đàng hoàng nên anh đã cả tin, đưa tiền cho vay. Sau khi lấy tiền, anh ta liền vào trong khu nhà và mất tích.

“Quỵt tiền xe hay vay những khoản tiền nhỏ, mượn điện thoại rồi biến mất là những “chiêu thức” mà các đối tượng thường sử dụng để lừa cánh xem ôm chúng tôi. Nếu không đề cao cảnh giác, cả ngày công đi làm vất vả coi như mất không vì bị lừa”, anh Toản ngậm ngùi cho biết.

Không chỉ bị lừa tiền, nếu không cẩn thận, những người chạy xe ôm còn có thể bị cướp xe máy, tài sản cũng như nguy hiểm đến tính mạng. Trường hợp của ông Đào Đức Liễu (SN 1966), phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa) bị đối tượng giả vờ làm khách đi xe để cướp tài sản vào tháng 2/2018 là một ví dụ.

Do cần tiền để mua ma túy sử dụng, nên Hoàng Văn Đức (SN 1991), quê Yên Bái đã nảy sinh ý định cướp tài sản. Đức thuê ông Liễu chở mình từ ngã ba hồ Thiên Nga vào thôn Tân Lợi, xã Đắk R’moan nhằm mục đích cướp tài sản của ông Liễu. Khi đến đoạn đường vắng không có người qua lại, Đức bất ngờ rút con dao Thái Lan đã thủ sẵn dí vào cổ, đe dọa, khống chế yêu cầu ông Liễu dừng xe, đưa điện thoại di động và xe máy cho hắn.

Bị cướp, ông Liễu dừng xe, vừa tri hô vừa giằng co, chống trả. Trong quá trình giằng co, ông Liễu bị Đức chém một nhát làm bị thương ở bàn tay phải. Thấy bị chống cự quyết liệt, Đức định lấy xe máy bỏ chạy nhưng ông Liễu đã nhanh tay giật được chìa khóa. Nghe tri hô, người dân làm rẫy xung quanh chạy đến hỗ trợ. Thất thế, Đức liền bỏ chạy bộ vào rẫy cà phê rồi bỏ trốn về TP. Buôn Ma Thuột ẩn náu và sau đó bị cơ quan chức năng bắt giữ.

Đa phần, những tài xế xe ôm thường chỉ có thể dựa vào linh cảm, kinh nghiệm làm nghề cũng như truyền tai nhau những “chiêu thức” lừa đảo của các đối tượng để phòng tránh. Những đối tượng có chủ định lừa đảo, cướp giật thường lên kế hoạch sẵn để thực hiện hành vi nên tài xế xe ôm thường trong thế bị động, khó lòng tránh khỏi. Tuy nhiên, để hạn chế rủi ro, cánh tài xế luôn bảo ban nhau đề cao cảnh giác đối với những trường hợp khách đi xe vào buổi trưa, đêm khuya hay sáng sớm, nhất là đi đến những khu vực vắng vẻ, đường xa…

Bài, ảnh: Đặng Hiền

    "Trang thông tin điện tử tổng hợp Báo Đắk Nông"

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ