A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nhức nhối hình thức núp bóng khai thác đá xây dựng (kỳ 3): Bóng dáng thương lái nước ngoài

13:26 | 25/01/2019

Có những người nước ngoài làm việc trong doanh nghiệp thu mua, chế biến đá ở Đắk Nông.

Đá cây khi vào các nhà máy được chế biến thành đá xây dựng rồi đi tiêu thụ ra nước ngoài. Từ khai thác không có giấy phép, đá cây đã thành sản phẩm cao cấp phục vụ xây dựng. Quá trình này có sự "chung tay" của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Đắk Nông.

Người nước ngoài (trái) trong nhà máy của Công ty TNHH Xây dựng Lan Anh

Lời chào trong một doanh nghiệp

Chúng tôi trở lại công trường khai thác đá ở thôn 10A, xã Đắk Lao (Đắk Mil) để tìm hiểu về "quy trình" tiêu thụ đá cây. Khoảng 12 giờ trưa, xe tải biển số 48C 039.54 chở 12 cây đá cây xuất phát từ thôn 10A chạy ra quốc lộ 14 rồi tiến về hướng thị xã Gia Nghĩa.

Xe này có tải trọng quy định 15 tấn, nhưng với 12 cây đá đang chở thì ước tính cũng hơn 50 tấn. Dù chở quá tải trọng gấp nhiều lần, nhưng xe vẫn chạy với tốc độ khá cao. Chúng tôi phải “mướt mồ hôi” để vừa theo kịp vừa tránh bị phát hiện. Tuy vậy, khi về tới địa bàn huyện Đắk Song, dường như tài xế đã nhận thấy có sự theo dõi. Xe tải lập tức đi vào một cây xăng bên đường. Tài xế xuống xe dò la, quan sát. Tình huống bất ngờ, buộc chúng tôi phải vượt lên để tránh bị phát hiện.

Sau đó, chúng tôi lên một chiếc xe khác và phục sẵn bên đường. Khoảng 30 phút sau, xe 48C 039.54 chạy tới và chúng tôi tiếp tục bám theo. Tới địa phận thôn 10, xã Trường Xuân (Đắk Song), xe chở đá bật tín hiệu xi nhan và rẽ vào cổng Công ty TNHH Xây dựng Lan Anh. Khi xe lùi vào trong một bãi đất rộng rãi, lập tức một cần cẩu lớn xuất hiện và cẩu từng hòn đá cây từ trên xe xuống.

Ngày hôm sau, tiếp tục vào vai nhà thầu xây dựng đi mua đá, chúng tôi đã xâm nhập vào bên trong cơ sở của Công ty TNHH Xây dựng Lan Anh. Vào bên trong, chúng tôi thấy hàng ngàn cây đá cây được tập kết tại đây. Một cần cẩu lớn và nhiều xe tải cần cẩu đang chuyển đá từ điểm này qua điểm khác hoặc đưa lên giàn để chuẩn bị cưa, cắt. Phía sau bãi tập kết đá có một nhà xưởng tầm 1.000m3. Bên trong nhà xưởng có 8 cỗ máy rất to đang liên tục cắt, xẻ đá. Nhiều xe cẩu nhỏ, xe nâng cũng chạy qua chạy lại để cẩu, nâng đá.

Ngoài đá cây, một khối lượng rất lớn đá đã được xẻ thành dạng khối vuông vắn hoặc dạng gạch dùng để ốp, lát. Tất cả đều được xếp ngăn nắp hoặc đóng thành từng kiện. Những sản phẩm này được tập kết tại một khu nhà kho riêng biệt…

Điều khiến chúng tôi không thể không quan tâm là bên trong cơ sở của Công ty TNHH Xây dựng Lan Anh có một số người đàn ông, vóc dáng cao lớn, mắt một mí, làm việc bên các cỗ máy cưa xẻ đá. Khi chúng tôi xuất hiện trong xưởng, họ không hề nói bất kỳ một lời nào. Ánh mắt của họ luôn né tránh chúng tôi. Dường như có điều gì khiến họ e ngại và sợ hãi.

Chúng tôi vẫy tay một người đang điều khiển xe nâng, anh ta dừng xe và nói một câu bằng tiếng nước ngoài (không phải tiếng Anh). Sau đó, chúng tôi được biết đó là một lời chào. Ngay lúc đó, có một người đàn ông tên Lý xuất hiện. Anh ta giới thiệu là phụ trách quản lý nhà máy của Công ty. Lý cho biết, có một nhóm chuyên gia người nước ngoài giúp công ty lắp ráp một số máy móc, thiết bị phục vụ việc sản xuất đá. Khi được hỏi vì sao chuyên gia lại làm những việc như lái xe nâng, điều chỉnh máy cắt, xẻ đá… Lý giải thích rằng, họ chỉ tranh thủ làm giúp Công ty.

Tiếp tục quan sát, chúng tôi phát hiện có một tập hồ sơ chữ nước ngoài được viết tay để trên bàn làm việc tại khu vực nhà ở của công nhân. Thấy chúng tôi quan sát kỹ tập hồ sơ, Lý nhanh chóng cầm lấy và gập lại. Anh ta nói rằng, đó là những thông tin kỹ thuật về quy cách sản phẩm do nhóm người nước ngoài lập. Họ yêu cầu Công ty cưa, cắt đá theo những thông tin này để tạo ra sản phẩm.

Rời Công ty TNHH Xây dựng Lan Anh, chúng tôi đến UBND xã Trường Xuân để xác minh thông tin về nhóm người nước ngoài nói trên. Ông Đinh Cao Cường, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân cho biết, chưa nắm được thông tin về việc có người nước ngoài làm việc tại Công ty TNHH Xây dựng Lan Anh. Ngay sau đó, ông Cường đích thân đến Công ty TNHH Xây dựng Lan Anh để nắm bắt sự việc và xác nhận có một nhóm 6 người nước ngoài đang làm trong Công ty. Nhóm người này chưa đăng ký tạm trú tại địa phương và họ có quốc tịch nước nào thì chúng tôi chưa có thông tin chính thức.

Lâu nay, chúng tôi có thông tin một số doanh nghiệp “bắt tay” với các thương lái nước ngoài thu gom đá cây rồi chế biến thành đá xây dựng cao cấp để xuất khẩu. Những người nước ngoài đầu tư vốn, máy móc, thiết bị và trực tiếp đứng ra chế biến sản phẩm. Doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp trong nước chỉ là “bình phong”, bảo đảm mặt pháp lý rồi ăn chia phần trăm. Với những gì đã chứng kiến tại Công ty TNHH Xây dựng Lan Anh, có thể thấy rằng, việc khai thác, tiêu thụ đá cây trái phép trên địa bàn tỉnh có "bóng dáng" thương lái nước ngoài.

Đá cây được chế biến thành đá xây dựng cao cấp để bán ra thị trường

Đá cây... xuất ngoại

Trên địa bàn Đắk Nông hiện nay có khá nhiều doanh nghiệp thu gom, tiêu thụ đá cây từ nguồn khai thác tại địa phương. Có thể kể ra như Công ty TNHH Xây dựng Lan Anh, Công ty TNHH Khai thác và chế biến khoáng sản Quốc Sơn, Công ty TNHH Xây dựng Vượng Phát, Công ty TNHH Chính Trường… Các doanh nghiệp này đều có nhà máy chế biến đá cây thành đá xây dựng cao cấp.

Trong số này, nhà máy của Công ty TNHH Khai thác và chế biến khoáng sản Quốc Sơn đóng chân tại xã Đắk Wer (Đắk R’lấp) có công suất hoạt động lớn. Vào thời điểm chúng tôi có mặt tại nhà máy, có hàng ngàn cây đá Bazan đã được tập kết tại đây. Theo một công nhân đang làm việc trong nhà máy, nguồn đá cây chủ yếu được Công ty nhập từ mỏ đá thôn 10A, xã Đắk Lao (Đắk Mil); mỏ đá Vượng Phát, xã Quảng Trực (Tuy Đức); mỏ đá Phương Nam, xã Đắk Wer (Đắk R’lấp)…

Theo một số tài liệu mà chúng tôi thu thập được, hầu hết sản phẩm được chế biến từ đá cây, các doanh nghiệp đều bán cho một số đơn vị khác ở thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, các đơn vị này xuất khẩu sang các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore… Dĩ nhiên, những sản phẩm thuộc diện xuất khẩu đều có chất lượng rất cao.

Việc trên địa bàn xuất hiện nhiều doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ đá cây phần nào chứng tỏ lĩnh vực này đang có sức cuốn hút lớn. Đến nay chưa có cơ quan, đơn vị nào khẳng định các doanh nghiệp này hoạt động không đúng luật. Tuy nhiên, điều mà người ta dễ dàng nhận thấy là một khối lượng đá cây rất lớn được khai thác ở Đắk Nông đều do cách doanh nghiệp này tiêu thụ...

Phóng sự điều tra của Ngàn Sâu

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ