A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Xử lý phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ: Lúng túng vì thiếu quy định

08:19 | 19/02/2019

Phản ánh từ nhiều địa phương cho biết, hiện nay khó khăn, vướng mắc trong công tác xử lý phương tiện giao thông đường bộ vi phạm hành chính là việc xác minh phương tiện tồn đọng mất rất nhiều thời gian.

Trong khi đó, một số hành vi vi phạm có mức xử phạt cao, phương tiện cũ có giá trị thấp nên người vi phạm không đến xử lý… Từ đó dẫn đến thực trạng quá tải của các bãi trông giữ phương tiện vi phạm, gây lãng phí lớn đối với tài sản của xã hội. 

Bãi trông giữ phương tiện vi phạm quá tải.

Gần 75 nghìn phương tiện vi phạm tồn đọng

Đây là con số được nêu trong báo cáo của Bộ Tư pháp về tình hình và kết quả thực hiện thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình về xử lý phương tiện giao thông đường bộ vi phạm hành chính.

Trước thực trạng quá tải, ngày 25/6/2018, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 5967/VPCP-PL thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, trong đó giao Bộ Tư pháp thành lập Đoàn công tác liên ngành, bao gồm lãnh đạo các đơn vị chức năng có liên quan của Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ để trực tiếp đôn đốc, kiểm tra, nắm tình hình và kết quả thực hiện cụ thể tại các địa phương.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã thành lập Đoàn công tác liên ngành tiến hành việc kiểm tra, nắm bắt tình hình và kết quả thực hiện công tác xử lý phương tiện giao thông đường bộ vi phạm hành chính tại một số địa phương là TP Hà Nội, Đà Nẵng và tỉnh Đồng Nai. Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và kết quả kiểm tra trực tiếp tại một số địa phương, Bộ Tư pháp đã có Báo cáo số 267/BC-BTP gửi Thủ tướng Chính phủ. 

Theo báo cáo, tổng số phương tiện đang được quản lý tại các điểm trông giữ phương tiện vi phạm trong cả nước là 252.671 phương tiện. Trong đó, có 212.242 phương tiện đã quá thời hạn tạm giữ; số phương tiện quá thời hạn tạm giữ đủ điều kiện để trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý và sử dụng hợp pháp là: 44.072 phương tiện; số phương tiện quá thời hạn tạm giữ bị tịch thu sung công là: 91.447 phương tiện.

Hiện còn gần 75 nghìn phương tiện quá thời hạn tạm giữ bị tồn đọng tại các điểm trông giữ, chưa được xử lý. Đồng thời, Báo cáo cũng phân tích những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện, đưa ra đề xuất, kiến nghị liên quan đến công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện và đặc biệt là việc hoàn thiện nhiều quy định có liên quan của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC), Nghị định số 115/2013/NĐ-CP, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, Thông tư số 02/2016/TT-BCA của Bộ Công an...

Cần có những sửa đổi phù hợp

Theo Bộ Tư pháp, việc gia tăng số lượng và tình trạng quá tải các phương tiện giao thông đường bộ bị tạm giữ tại các bãi trông giữ phương tiện vi phạm xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt là các quy định liên quan đến xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Bước đầu, Bộ Tư pháp đã rà soát và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến trình tự, thủ tục tạm giữ, tịch thu, bán đấu giá, thanh lý tài sản nhà nước theo hướng đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian xử lý các tang vật, phương tiện bị tạm giữ. Trong đó, rút ngắn thời gian và số lần thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng trong trường hợp phương tiện vi phạm hành chính đã quá thời hạn tạm giữ mà người vi phạm không đến nhận (không có lý do chính đáng), hoặc trường hợp không xác định được người vi phạm (quy định tại Khoản 4, Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính) để cơ quan có thẩm quyền có thể nhanh chóng tiến hành các thủ tục bán đấu giá, thanh lý tang vật, phương tiện vi phạm.

Đối với các tang vật, phương tiện vi phạm có giá trị thấp, hoặc không còn giá trị sử dụng mà chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp phương tiện không đến nhận lại thì có thể tiến hành ngay các thủ tục để bán đấu giá, thanh lý tài sản, tránh trường hợp tang vật, phương tiện để lâu ngày, bị tồn đọng tại các điểm trông giữ tang vật, phương tiện vi phạm.

Xung quanh việc xử lý phương tiện vi phạm, hiện có hai luồng ý kiến trái ngược nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng, phải trả lại phương tiện bị tạm giữ, tịch thu do hành vi vi phạm hành chính để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu phương tiện đối với tổ chức tín dụng. Quan điểm thứ hai khẳng định, việc tạm giữ, tịch thu phương tiện được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, không phụ thuộc vào tình trạng đang được thế chấp để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của phương tiện. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, để xử lý những bất cập trên cần có sự đánh giá từ thực tiễn áp dụng, những khó khăn vướng mắc của các địa phương, để từ đó có những giải pháp tháo gỡ phù hợp.    

Khanh Lê

    nguồn daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ