A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Khai thác khoáng sản trái phép, làm ảnh hưởng đến cảnh quan, địa mạo núi lửa Nam Kar

15:37 | 14/03/2019

Mặc dù UBND tỉnh Đắk Nông đã ra văn bản dừng tất cả mọi hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty Cổ phần đầu tư thương mại Đức Thành (TP. Hồ Chí Minh) tại khu vực mỏ đá thôn Phú Sơn, xã Quảng Phú (Krông Nô),...

 ...nhưng tới thời điểm hiện tại việc khai thác khoáng sản trái phép ở đây vẫn tiếp tục diễn ra, ảnh hưởng đến cảnh quan, địa mạo và có nguy cơ làm thay đổi hiện trạng điểm di sản địa chất của Công viên địa chất (CVĐC) Đắk Nông.

Nếu không dừng hoạt động khai thác thì nguy cơ “xóa sổ” điểm di sản địa chất núi lửa Nam Kar là điều không thể tránh khỏi. Ảnh: Ban quản lý CVĐC Đắk Nông

Năm 2015, UBND tỉnh cấp phép cho Công ty Đức Thành thăm dò khoáng sản tại mỏ đá Phú Sơn với diện tích 10 ha và được phép khai thác thử với khối lượng 3.000m3. Kết quả thăm dò cho thấy (trữ lượng tính đến hết ngày 11/11/2016) khoáng sản chính của mỏ đá này chính là đá bazan với tổng trữ lượng là 3.775.399m3. Trong đó, trữ lượng đá bazan làm vật liệu xây dựng là 1.935.860m3; trữ lượng đá bazan phong hóa làm vật liệu san lấp là 319.851m3; trữ lượng đá bazan lỗ hổng làm phụ gia xi măng là 519.688m3.

Điều đáng nói, sau khi khai thác hết khối lượng cho phép, chủ đầu tư vẫn tiếp tục khai thác nơi này, dẫn tới nguy cơ làm mất đi hình dạng của núi lửa, ảnh hưởng đến cảnh quan, địa mạo.

Ngày 27/6/2017, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn số 6667/VPCP yêu cầu “không cấp mới, không gia hạn khai thác đối với các khu vực khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường ở chân sườn đồi, núi, dọc các tuyến quốc lộ để bảo vệ cảnh quan môi trường”. Do đó, ngày 30/1/2018, UBND tỉnh có Công văn số 491/UBND-NN yêu cầu Công ty Đức Thành dừng mọi hoạt động có liên quan về khoáng sản tại mỏ đá thôn Phú Sơn; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương bảo vệ khoáng sản chưa khai thác và xử lý các vấn đề liên quan theo quy định.

Tiếp đó, trong Công văn số 41/UBND-KGVX ngày 31/1/2019 của UBND tỉnh cũng không cấp phép cho Công ty Đức Thành khai thác tận thu khối lượng đá bazan còn lại trong quá trình san ủi xây dựng nhà máy để tránh gây mất mát cảnh quan khu vực quần thể di sản núi lửa Nam Kar.

Điều đáng nói, các văn bản chỉ đạo đã được ban hành nhưng về phía Công ty Đức Thành vẫn tiếp tục ngang nhiên khai thác mỏ đá này. Theo ông Trần Đăng Ánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô, để chấn chỉnh tình trạng trên, UBND huyện cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành ngăn chặn, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Riêng các trường hợp vụ việc phức tạp, vượt thẩm quyền thì kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết.

Theo bà Lê Thị Hồng An, Phó Giám đốc Ban quản lý CVĐC Đắk Nông, mỏ đá Phú Sơn hay còn gọi là núi lửa Nam Kar là một trong 39 điểm di sản địa chất của CVĐC Đắk Nông và được các chuyên gia UNESCO đánh giá cao về các giá trị địa chất, địa mạo. Đây là một trong những núi lửa đẹp nhất trong khu vực CVĐC Đắk Nông, được hình thành do sự phun trào kết hợp phun nổ. Ngoài miệng núi lửa chính còn có 2 miệng núi lửa phụ được hình thành dưới dạng lỗ thoát dung nham. Bên cạnh đó còn có các khuôn cây hóa thạch được hình thành trong quá trình phun trào núi lửa. Miệng núi lửa nằm trên trục đường tham quan du lịch chính của CVĐC Đắk Nông. Núi lửa Nam Kar được xác định là một trong những điểm nhấn của du lịch CVĐC Đắk Nông nên Ban quản lý CVĐC Đắk Nông đã nhiều lần kiến nghị các cấp chính quyền, ngành chức năng quan tâm, có giải pháp bảo vệ chặt chẽ. Thế nhưng, với thực tế hiện nay, nếu không dừng hoạt động khai thác thì nguy cơ “xóa sổ” điểm di sản địa chất núi lửa Nam Kar là điều không thể tránh khỏi. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc thẩm định chính thức của UNESCO vào tháng 6/2019.

Mỹ Hằng

 

    "Trang thông tin điện tử tổng hợp Báo Đắk Nông"

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ