A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chống hàng lậu: Khó xử lý hàng hóa vô chủ

13:48 | 28/03/2019

Do không xác định được chủ sở hữu của tang vật nên công tác chống hàng lậu khó diệt được “tận gốc”.

Cuối năm 2018, tại km 1756+500, Quốc lộ 14, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 4 (thuộc Cục QLTT tỉnh) phối hợp với Trạm Cảnh sát giao thông Krông Búk (thuộc Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh) tiến hành khám xét xe tải mang BKS 81B - 011.73, đi theo hướng TP. Hồ Chí Minh - Gia Lai và đã phát hiện trên xe đang vận chuyển 3.500 gói bột ngọt hiệu A-One, xuất xứ Việt Nam. Tại thời điểm kiểm tra, tài xế Nguyễn Thận (sinh năm 1978, trú tại huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của số hàng trên và khai nhận, số hàng này được nhận chở thuê từ TP. Hồ Chí Minh và giao hàng tại tỉnh Gia Lai.

Quá trình điều tra thu thập chứng cứ, cơ quan chức năng xác minh, toàn bộ số hàng hóa trên là hàng giả mạo nhãn hiệu bột ngọt A-One của Công ty TNHH SAIGON VE WONG (ở TP. Hồ Chí Minh). Theo đó, UBND tỉnh đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 55 triệu đồng đối với tài xế Nguyễn Thận về hành vi vận chuyển hàng hóa giả nhãn hiệu (trị giá hơn 80 triệu đồng). Do chưa xác định được chủ sở hữu của tang vật, cơ quan chức năng đã thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan theo quy định nhưng quá 30 ngày, chủ sở hữu vẫn không đến nhận.

Một lô bột ngọt giả mạo nhãn hiệu bột ngọt A-One bị Cục Quản lý thị trường tỉnh phát hiện trong tình trạng vô chủ.

Cho đến nay vẫn chưa xác định được chủ sở hữu của lô hàng này, dù cơ quan chức năng cũng đã sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ để xác minh. Mới đây, UBND tỉnh đã ra quyết định tịch thu lô hàng, chứ không xử lý được hành vi kinh doanh hàng lậu.

Tương tự, UBND tỉnh cũng xử phạt vi phạm hành chính 90 triệu đồng đối với tài xế xe tải Nguyễn Tấn Hải (trú tại tỉnh Gia Lai) về hành vi cố ý vận chuyển hàng hóa là quần áo cũ đã qua sử dụng ngoại nhập thuộc danh mục cấm nhập khẩu. Số hàng trên gồm 160 kiện hàng, tương đương 14 tấn, có giá trị 406 triệu đồng, nhưng đến nay cũng vẫn chưa xác định được chủ sở hữu. Điều này đồng nghĩa với lô hàng lên đến trên chục tấn kia rơi vào tình trạng… vô chủ. Phía cơ quan quản lý cũng chỉ có thể xử lý hành vi vi phạm ở khâu vận chuyển hàng hóa đối với tài xế Hải.

Việc bắt hàng lậu chỉ mới là phần “ngọn”, còn “phần gốc” của hoạt động này lại vô cùng tinh vi và phức tạp. Do đó, đòi hỏi sự phối hợp giữa các ngành liên quan, các địa phương để  xử lý triệt để các hành vi vi phạm ngay từ khâu sản xuất, vận chuyển.

Theo Cục QLTT tỉnh, thời gian qua có không ít vụ vi phạm nghiêm trọng với số lượng hàng hóa lớn nhưng không đủ căn cứ để xử lý do không tìm ra chủ sở hữu. Trong trường hợp không xác định được chủ thì dĩ nhiên lô hàng sẽ rơi vào tình trạng vô chủ. Hướng xử lý chỉ là tịch thu và có thể sẽ tiêu hủy.

Trên thực tế, việc xác định tìm ra chủ nhân của hàng hóa vi phạm trên khâu vận chuyển không hề dễ dàng. Bởi lâu  nay, cánh tài xế vẫn giao - nhận hàng theo hình thức: nhận chuyển hàng về đến nơi và giao lại cho người nhận theo số điện thoại ghi trên thùng hàng chứ không biết đó là hàng của ai, có gì trong đó... Đây cũng là thủ đoạn của gian thương hòng qua mặt cơ quan chức năng. Để tránh bị lộ và bị ngăn chặn hàng lậu trong khâu lưu thông, gian thương thường thuê vận chuyển dưới hình thức gửi hàng theo từng thùng. Chính sự dễ dãi trong việc nhận vận chuyển hàng hóa theo xe mà không cần bất cứ một điều khoản nào giữa tài xế và người gửi hàng khiến hàng lậu càng có cơ hội “tung hoành”. Khi không may bị bắt, vì là hàng không có hóa đơn chứng từ nên chủ thật sự của lô hàng cố tình không đến nhận, bởi nếu nhận thì không những bị tịch thu lô hàng ấy mà còn bị truy thêm hành vi buôn lậu. Điều này lý giải vì sao số hàng vô chủ ngày càng có xu hướng gia tăng.

Lô quần áo cũ đã qua sử dụng được cơ quan chức năng phát hiện hiện vẫn đang trong tình trạng "vô chủ"

Đây là một khó khăn, cản trở đối với cơ quan chức năng trong việc xử lý triệt để các đầu nậu, các hành vi gian lận thương mại. Hiện nay Cục QLTT tỉnh chỉ mới dừng lại ở việc ngăn chặn hàng vi phạm tuồn ra thị trường chứ khó chặn đứng được do không tìm ra chủ sở hữu vi phạm.

Trâm Anh

    nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ