A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đã đến lúc tính đến hợp đồng hôn nhân

08:37 | 23/04/2019

Dù xa lạ với truyền thống Việt Nam nhưng nếu có hợp đồng hôn nhân, khi vợ chồng ly hôn, việc phân chia tài sản, quyền nuôi con... sẽ thuận lợi, không mất thời gian, không bị tổn thương, mệt mỏi

Vụ ly hôn của vợ chồng "vua Cà phê Trung Nguyên" kéo dài nhiều năm tháng với không ít tổn thương, mệt mỏi cho đôi bên nhưng đến nay vẫn chưa có hồi kết đã đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến hợp đồng hợp nhân (HĐHN) - khái niệm xa lạ và thực sự chưa được luật hóa một cách rõ ràng ở nước ta.

Bước tiến trong Luật Hôn nhân và Gia đình

Thực tế trong các vụ ly hôn, việc phân định các quyền lợi về tài sản, quyền nuôi con luôn là những vấn đề đau đầu, khiến tòa án mất nhiều thời gian, công sức.

Ở một số quốc gia phương Tây, từ lâu pháp luật cho phép và công nhận các cặp đôi có quyền lập hôn ước hay HĐHN. Nghĩa là các bên có quyền tự thỏa thuận về việc phân định quyền nuôi con, cách phân chia tài sản khi ly hôn cùng các vấn đề khác về quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tại thời điểm trước khi kết hôn, trong thời kỳ hôn nhân và cả sau khi ly hôn... Chính hợp đồng này đã giúp cho việc giải quyết mọi vấn đề liên quan khi ly hôn được tối giản về nhiều mặt.

Trở lại Việt Nam, HĐHN không được công nhận một cách rõ ràng, chính thức theo luật định. Các cặp đôi nhiều thế hệ trước đây cũng như hiện nay chưa có khái niệm về việc xác lập hôn ước - HĐHN khi đăng ký kết hôn vì "việc này thấy kỳ kỳ, mới cưới ai lại nghĩ đến chuyện ly hôn?" hay "hôn nhân là kết quả của tình yêu, ai lại bàn đến chuyện chia tài sản?".

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 ở Việt Nam có nhiều điểm tiến bộ. Điều 47 của luật này quy định: "Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn". Mặc dù đến nay, luật pháp nước ta chưa có quy định hay khái niệm về thuật ngữ hôn ước hay HĐHN nhưng việc công nhận "chế độ tài sản theo thỏa thuận" như trên là một bước tiến đáng ghi nhận.

Vụ ly hôn, phân chia tài sản của vợ chồng “vua Cà phê Trung Nguyên” gây mệt mỏi, tổn thương cho đôi bên với nhiều tranh cãi và cả nước mắt. Ảnh: PHẠM DŨNG

Cần thiết có thỏa thuận

Thực tế ở nước ta tuy chưa phổ biến nhưng đã có những cặp đôi thực hiện việc xác lập văn bản thỏa thuận về tài sản chung và riêng của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Việc này đã phát huy hiệu quả thiết thực, vợ chồng đều dễ dàng chứng minh và định đoạt tài sản "riêng và chung" một cách phân minh rõ ràng.

Hôn nhân là vấn đề nhân văn, cần bảo tồn, phát huy và tôn vinh những giá trị văn hóa đạo đức truyền thống mà chế định của Luật Hôn nhân và Gia đình đề ra. Tuy nhiên, với xu thế phát triển và quy luật vận động của xã hội, cần nhìn nhận tính thiết thực, hiệu quả của việc xác lập hôn ước hay HĐHN từ thực tiễn của các quốc gia khác.

Điều đó cũng có nghĩa chế định HĐHN cần được luật hóa cụ thể vào Luật Hôn nhân và Gia đình; cùng với việc ghi nhận các nội dung của HĐHN về tài sản thì các vấn đề liên quan khác về quyền lợi và trách nhiệm của mỗi bên cũng phải được cụ thể như việc nuôi dạy, chăm lo gia đình... Đây là điều vô cùng cần thiết mà các nhà làm luật không thể bỏ qua. Chính nội dung của HĐHN sẽ là cơ sở để các bên dễ dàng đi đến thỏa thuận khi hôn nhân chẳng may đổ vỡ. Đồng thời là căn cứ pháp lý để tòa án cấp thẩm quyền giải quyết vụ việc một cách hiệu quả, nhanh chóng.

40% người được khảo sát phản đối ly hôn

Kết quả nghiên cứu được thực hiện năm 2018 của Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong (Hà Nội) với 1.400 người từ 18 tuổi trở lên ở khắp các tỉnh, thành trong nước cho thấy có khoảng 21% số người được khảo sát cho rằng ly hôn là không sai trái, trong khi có đến 40% nói ngược lại. Nhóm phản đối ly hôn nằm ở những người cao tuổi (từ 50 tuổi trở lên), người có trình độ văn hóa thấp và người có thu nhập thấp (dưới 5 triệu đồng/tháng). Người thành thị nhìn nhận chuyện vợ chồng chia tay nhẹ nhàng hơn so với người nông thôn. Những người càng có trình độ học vấn cao thì càng coi chuyện ly hôn là bình thường, không sai trái.

Một kết quả đáng chú ý khác là trên 90% người được phỏng vấn cho rằng mình hạnh phúc, trong đó gần 1/2 đánh giá là mình rất hạnh phúc. Người có học vấn càng cao thì càng thấy hạnh phúc.

Luật sư NGUYỄN TRI ĐỨC (Đoàn Luật sư TP HCM)

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ