A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Quyết liệt kiểm soát hàng tiêu dùng cấm nhập khẩu

13:37 | 23/05/2019

Thời gian gần đây nổi lên tình trạng hàng đã qua sử dụng nhập lậu từ nước ngoài tuồn về thị trường tỉnh để tiêu thụ. Dù đây là những hàng hóa nằm trong danh mục cấm nhập khẩu, nhưng bằng nhiều thủ đoạn, gian thương vẫn bất chấp để buôn bán.

Nghị định 187/2013/NĐ-CP, ngày 20-11-2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài nêu rõ: các mặt hàng điện tử, điện máy, điện gia dụng, quần áo đã qua sử dụng... nằm trong danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam. Song đây lại là những mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao do giá rẻ, phù hợp với những đối tượng tiêu dùng có thu nhập thấp.

Gần đây, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh liên tục phát hiện và xử phạt nhiều vụ vận chuyển, kinh doanh hàng điện tử, quần áo cũ nhập lậu. Cách đây không lâu, ngày 1-4,  Đội QTT số 1 (thuộc Cục QLTT tỉnh) đã kiểm tra và phát hiện cửa hàng kinh doanh điện thoại Phan Đình Thắng (thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’leo) có hành vi kinh doanh điện thoại nhập lậu đã qua sử dụng, thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu. Qua kiểm đếm, có tổng cộng 8 chiếc điện thoại di động hiệu Iphone các loại, xuất xứ Mỹ (trị giá gần 35 triệu đồng). Ông Thắng khai nhận, số điện thoại trên được mua của người lạ mặt về để bán kiếm lời.

Phương tiện và hàng hóa cấm nhập khẩu vi phạm bị lực lượng quản lý phát hiện, tạm giữ.

Tìm hiểu được biết, phần lớn các cửa hàng bày bán điện thoại di động đều có “liên kết” với những đầu mối nhập lậu để duy trì nguồn cung. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này vẫn còn cao, điện thoại nhập lậu đã qua sử dụng vẫn được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Có cầu thì ắt có cung, một số đối tượng bất chấp pháp luật, vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam để buôn bán kiếm lời. Trong trường hợp nếu đưa vào thị trường nội tỉnh tiêu thụ trót lọt, số hàng này sẽ được gắn mác “hàng xách tay” và bán với giá rẻ hơn hàng chính hãng từ 1 - 2,5 triệu đồng, tùy dòng sản phẩm.

Tương tự, tình trạng nhập lậu quần áo cũ đã qua sử dụng cũng diễn ra với chiều hướng gia tăng trên địa bàn tỉnh gây ảnh hưởng đến ngành dệt may trong nước. Chỉ tính từ cuối năm 2018 đến nay, Cục QLTT tỉnh đã phát hiện và tịch thu 24 tấn quần áo nhập lậu đã qua sử dụng nằm trong danh mục hàng cấm nhập khẩu.

Theo thống kê, trong 3 tháng đầu năm 2019, Đoàn kiểm tra liên ngành 389 của tỉnh đã phát hiện 1.438 vụ vi phạm về hàng lậu, hàng giả, nhái và gian lận thương mại, qua đó xử lý hình sự 6 vụ, tổng số tiền thu qua xử lý trên 35,2 tỷ đồng. Hàng hóa tịch thu chủ yếu là thuốc tân dược, thuốc lá điếu ngoại nhập, thuốc bảo vệ thực vật, giày dép, quần áo cũ, điện thoại di động đã qua sử dụng... Riêng về hàng nhập lậu, quý I-2019, Cục QLTT tỉnh đã kiểm tra 269 cơ sở và phát hiện 211 vụ vi phạm, tiến hành xử phạt hành chính trên 2,2 tỷ đồng, tịch thu hàng hóa hơn 1 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đào Chí, cán bộ Cục QLTT tỉnh cho hay, việc sử dụng các mặt hàng đồ điện tử, điện gia dụng, quần áo đã qua sử dụng nhập lậu… ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và an toàn của người tiêu dùng. Tuy nhiên, một bộ phận người tiêu dùng địa phương lại chưa nhận thức được điều này, trong khi hàng nhập lậu vẫn tuồn vào thị trường tỉnh tiêu thụ với thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Do đó, để giải quyết vấn nạn hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại, ngoài sự kiểm tra, kiểm soát quyết liệt của cơ quan chức năng thì rất cần sự chung tay của người tiêu dùng như: chủ động đấu tranh, tố giác khi phát hiện các cửa hàng, cửa hiệu, kho, bến bãi tập kết, buôn bán hàng lậu, không rõ nguồn gốc; kiên quyết nói không với việc sử dụng những sản phẩm hàng lậu trôi nổi, giá rẻ trên thị trường...

Để công tác chống hàng nhập lậu và các hành vi gian lận thương mại đạt hiệu quả cao hơn nữa, tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh, ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk cần tăng cường nắm bắt địa bàn, kiểm soát chặt chẽ những tuyến đường mòn, lối mở, kho, bãi tập kết... để chủ động tổ chức triển khai các giải pháp nhằm kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm trước khi lưu thông trên thị trường. Mặt khác, với đặc thù địa bàn rộng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân tán, nhỏ lẻ, ngành chức năng của tỉnh cần xác định các đối tượng, địa bàn trọng điểm, tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin liên ngành, liên vùng để nâng cao hiệu quả đấu tranh...

Đỗ Lan

    nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ