A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cảnh giác với những “chiêu” lừa đảo để bán sách

09:42 | 31/05/2019

Mạo danh cơ quan, tổ chức, đoàn thể, nhiều đối tượng đã gọi điện thoại đến các tổ chức, cá nhân chào bán sách nghiệp vụ, gia phả dòng họ, gây phiền hà, bức xúc trong dư luận.

Người dân nên tìm hiểu, mua sách tại các cơ sở, tổ chức uy tín, minh bạch

Điển hình, mới đây, các đối tượng mạo danh cán bộ Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Đắk Nông để gọi điện thoại cho người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thông báo có kế hoạch tổ chức kiểm tra, tập huấn nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy (PCCC). Đồng thời, đối tượng còn yêu cầu các cơ sở mua tài liệu, phương tiện PCCC rồi tiến hành giao dịch, gửi hàng hóa bằng đường bưu điện.

Nhận được cuộc điện thoại từ số điện thoại lạ, tự xưng là cán bộ cảnh sát PCCC của tỉnh thông báo sắp mở lớp phổ biến các quy định mới về luật PCCC và yêu cầu mua tài liệu có liên quan, anh Ng.V.D, chủ một cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện Đắk Glong đã chi 850.000 đồng để mua tài liệu được chào bán. Thế nhưng, sau khi mua tài liệu, anh D chờ mãi vẫn không thấy có lớp học nào được mở, gọi lại cho đối tượng thì số điện thoại không liên lạc được.

Biết mình đã bị lừa, anh D cho biết: “Số tài liệu kia không độc hại hay sai sót gì, nhưng cũng không có ý nghĩa, tác dụng với tôi. Mất gần cả triệu đồng mua sách không để làm gì cũng tiếc lắm nhưng xem như đây cũng là bài học kinh nghiệm cho bản thân để không còn cả tin quá như vậy nữa”.

Không những vậy, các đối tượng còn mạo danh tổ chức, đoàn thể để chào mời bán sách, tài liệu quyên góp cho các hoạt động từ thiện, tình nguyện. Mới đây, chị Tô Thùy Trang, Bí thư Đoàn xã Quảng Phú (Krông Nô) nhận được cuộc điện thoại của một người tự xưng là Hương, đang công tác tại Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Đắk Nông. Người này yêu cầu Đoàn xã mua sách theo chương trình bán sách gây quỹ và trang bị kỹ năng, kiến thức cho cán bộ đoàn cơ sở. Sau cuộc gọi điện thoại, chị Trang đã xác nhận lại thông tin thì được biết Tỉnh đoàn không triển khai chương trình này và cũng không có cán bộ nào tên Hương làm ở Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn. Nhờ đề cao cảnh giác, xác nhận lại thông tin cụ thể nên chị Trang đã không bị đối tượng bán sách lừa gạt.

Tương tự như chị Trang, thời gian qua, một số tổ chức đoàn cơ sở trên địa bàn tỉnh cũng nhận được những cuộc điện thoại mời chào mua sách để thực hiện các chương trình quyên góp, gây quỹ cho các phong trào của Đoàn. Trên thực tế, đây đều là chiêu thức mạo danh để lừa đảo của các đối tượng. Bởi lẽ, việc triển khai các hoạt động phong trào, quyên góp của Tỉnh đoàn đều được thực hiện thống nhất theo các nội dung do Trung ương Đoàn triển khai và đều có văn bản gửi đến các cấp đoàn cơ sở, chứ không có chuyện tự ý triển khai qua điện thoại hay cử cán bộ đến địa phương khi chưa ban hành văn bản.

Không chỉ bán sách nghiệp vụ, những cuốn gia phả dòng họ cũng là công cụ đắc lực để các đối tượng lợi dụng lừa đảo. Chị Nguyễn Thanh Như, ở phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) từng nhận được cuộc điện thoại mời chào mua cuốn sách dày hơn 600 trang về gia phả của dòng họ Nguyễn. Lời mời chào nhận người cùng họ hết sức thân mật cũng như quảng bá cuốn sách đã nghiên cứu 20 năm trời, rất bổ ích và nên mua để biết về lịch sử của dòng họ mình. Nghe quảng cáo thấy hay, chị Như đã đồng ý mua cuốn sách với giá 350.000 đồng để đem về cho gia đình cùng tìm hiểu.

Thế nhưng, sau khi nhận được cuốn sách qua đường bưu điện, chị Như mới nhận ra mình bị lừa và cuốn sách không đúng như những gì đã quảng cáo trước đó. Nội dung cuốn sách giới thiệu cách lập dựng gia phả và chỉ viết chung chung về các dòng họ của Việt Nam chứ không viết riêng về một dòng họ của chị như đối tượng đã nói.

Sau một thời gian tạm lắng, gần đây, tình trạng mạo danh cơ quan chức năng để lừa đảo chủ các doanh nghiệp, cửa hàng mua bán sách, tài liệu, hồ sơ lại tái diễn trên địa bàn tỉnh. Có thể thấy, các đối tượng đã lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, tò mò của người mua để đem bán những cuốn sách với giá cao hơn giá thị trường và hầu như không có tác dụng thiết thực với người đọc. Vì vậy, mỗi người nên đề cao cảnh giác, xác nhận lại thông tin trước những lời mời chào mua sách của người lạ cũng như trình báo với cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn tình trạng lừa bán sách qua điện thoại và có biện pháp xử lý các đối tượng lừa đảo này.

Bài, ảnh: Đặng Hiền

 

    nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ