A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Báo động tình trạng suy giảm rừng và đất rừng

09:46 | 17/10/2019

Mặc dù tỉnh Đắk Nông đã triển khai nhiều giải pháp quản lý bảo vệ rừng, nhưng những năm qua, nhiều diện tích rừng, đất rừng vẫn bị xâm lấn, phá hoại. Ngược lại với sự suy giảm tài nguyên rừng là công tác trồng mới

Bài 1: Giật mình “điểm nóng” phá rừng Quảng Sơn

Qua đi thực địa ở các địa phương, chúng tôi chứng kiến không hiếm tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Rừng ở các địa phương đều có chủ, thế nhưng người vào phá hoại giống như chốn không người. Câu hỏi đặt ra là vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng, chủ rừng ở đâu?

Tan hoang rừng của Hợp tác xã Hợp Tiến

Đầu tháng 10, theo chân những người khai thác lâm sản phụ vào rừng (do Hợp tác xã Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Hợp Tiến, ở xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong-PV) quản lý, chúng tôi không khỏi bàng hoàng về khung cảnh phá rừng ở nơi đây. Tại tiểu khu 1644, nhiều cây rừng bị đốn hạ.

Nhìn bằng mắt thường, những cây gỗ lớn có đường kính từ 40 – 60 cm được cắt khúc với chiều dài từ 2 - 3m nằm la liệt. Từ đường mòn, đi sâu vào bên trong, liên tiếp hàng loạt cây rừng khác cũng chịu cảnh bị cắt khúc. Theo người dẫn đường, khu rừng này mới bị đốn hạ. Vì vậy, nhiều gốc cây lớn vẫn còn chảy nhựa. Bằng nhẩm tính của những người đi rừng, cứ mỗi khoảnh nhỏ rừng bị phá sẽ có diện tích khoảng 1 ha.

Mở đường vào điểm phá rừng do Hợp tác xã Hợp Tiến quản lý

Tiếp tục dẫn phóng viên đi tìm hiểu những nơi khác, chúng tôi chứng kiến nhiều đám rừng đã được “lâm tặc” cắt tỉa hết các cây gỗ lớn. Dấu vết sót lại ở những đám rừng này giờ chỉ còn những cây bụi và cành lá bị băm nát. Chưa hết bàng hoàng về mức độ phá rừng nơi đây, khi chúng tôi tiếp cận các điểm khác (cách những điểm trước 500 m-1.000 m) thì mức độ cũng không kém. Rừng ở đây đã bị “cạo trọc” dần.

Theo những người dẫn đường, cách thức phá rừng đều giống nhau. Trước hết “lâm tặc” đốn hạ những cây gỗ lớn, đến khi rừng thưa dần thì cắt nốt những cây gỗ nhỏ và cuối cùng là gom cành, lá đốt… Cũng theo những người dẫn đường này, mỗi một phi vụ phá rừng “thành công” là từ rừng xanh chuyển thành đất trống.

Cây rừng sau khi đốn hạ được cắt thành từng khúc để thuận lợi việc vận chuyển

Có bảo kê, tiếp tay phá rừng?

Nhiều người dân đang canh tác gần khu vực rừng bị phá cho rằng, các vụ phá rừng diễn ra hàng ngày nên ai mà không biết? Nói thẳng ra là chỉ có sự bảo kê, móc nối, buôn bán gỗ, đất rừng của đơn vị được giao quản lý bảo vệ mới xảy ra thực trạng này.

Hỏi về câu chuyện quản lý bảo vệ rừng ở Hợp tác xã Hợp Tiến, ông Lê Đình Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn cho biết: “Riêng rừng tại Hợp Tiến, xã đã giao cho một kiểm lâm viên phụ trách và thường xuyên phối hợp với lực lượng bảo vệ rừng của đơn vị”. Tuy nhiên, khi chúng tôi nói về tình trạng phá rừng tại tiểu khu 1644, ông Tuấn giải thích: “Tôi chỉ nắm thông tin qua báo cáo của đồng chí phụ trách địa bàn. Tôi chưa được báo cáo sự việc này”.

Một điểm tập kết gỗ trong khu rừng được giao cho Hợp tác xã Hợp Tiến quản lý

Không riêng gì lâm phần quản lý của Hợp tác xã Hợp Tiến, tính trong 9 tháng đầu năm 2019, tại xã Quảng Sơn xảy ra 136 vụ phá rừng với diện tích thiệt hại 51,1 ha rừng. Riêng Hợp tác xã Hợp Tiến để xảy ra 27 vụ phá rừng, diện tích rừng bị thiệt hại 8,5 ha. Nếu tính riêng huyện Đắk Glong, trong 9 tháng qua được xem là địa phương để xảy ra mất rừng nhiều nhất tỉnh với 230 vụ, thiệt hại 72,3 ha rừng.

Gom đốt các cây gỗ nhỏ, cành lá để lấy đất

Tiếp tục trao đổi những con số phá rừng ở Quảng Sơn, ông Lê Đình Tuấn cho rằng, tình hình vi phạm luật Quản lý và Bảo vệ rừng tuy đã giảm về diện tích nhưng số vụ vẫn tăng. Nguyên nhân là do người dân nơi khác đến mua đất trong khu vực đất lâm nghiệp rồi lấn đất rừng. Cũng theo ông Tuấn, do các hộ dân từ nơi khác đến mua đất rừng tại địa phương không có hộ khẩu, nên khó cho địa phương trong quản lý nhân khẩu, bảo vệ rừng. “Thời gian tới, phá rừng ở địa phương không thể giảm được”, ông Tuấn chia sẻ.

Rừng ở xã Quảng Sơn mất từ ngoài quốc lộ, cho tới vùng sâu. Điều mà dư luận đặt ra là phải chăng đang có tình trạng bảo kê, xem nhẹ công tác quản lý bảo vệ rừng nơi đây?

 

Năm 2017-2019, Đắk Nông mất hơn 500 ha rừng tự nhiên

Thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ năm 2017 đến tháng 9/2019, các đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 2.532 vụ vi phạm liên quan đến quản lý, bảo vệ rừng. Cụ thể, phá rừng trái pháp luật 1.274 vụ, thiệt hại gần 500 ha rừng; 140 vụ lấn chiếm đất rừng trái phép, với diện tích 63 ha; 203 vụ khai thác lâm sản trái quy định…

 

Bài, ảnh: Đức Hùng

    Nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ