A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nhiều khuất tất trong việc đền bù tại công trình thủy lợi Đắk Rồ (bài 2): Bất bình vì cán bộ tắc trách

13:27 | 28/10/2019

Trong khi nhiều người bỗng dưng có tên trong danh sách đền bù thì vẫn còn hộ dân có đất bị ảnh hưởng lại bị “bỏ lọt” một cách khó hiểu

Người dân cho rằng, những sai sót lớn trong quá trình đền bù lòng hồ Đắk Rồ đã cho thấy sự tắc trách của chính những cán bộ có liên quan.

Công trình thủy lợi Đắk Rồ nằm địa bàn xã Đắk Drô có dung tích tưới cho 700 ha cây trồng địa phương

“Bỏ lọt” người bị ảnh hưởng

Tìm hiểu về câu chuyện đền bù lòng hồ Đắk Rồ, nhiều người cho rằng, mình có đất bị ảnh hưởng nhưng bị “bỏ lọt” một cách bất thường. Trường hợp của bà Trần Thị Thường, ở buôn K62, xã Đắk D'rô là một ví dụ. Bà Thường cho biết, trước đây gia đình bà có khoảng 0,2 ha đất nuôi cá, trồng mì bị ảnh hưởng bởi công trình thủy lợi Đắk Rồ. Trong quá trình xác minh, đền bù, gia đình bà đã nhiều lần kiến nghị nhưng đều bị “lơ”. Ngay tại các quyết định thu hồi đất của huyện (sau này điều chỉnh lại), gia đình bà Thường cũng không có tên trong danh sách.

Theo phản ánh của ông Nguyễn Văn Nhi, ở thôn 9, xã Đắk D'rô, gia đình ông có khoảng 15 ha đất ở khu vực công trình thủy lợi Đắk Rồ. Qua nhiều năm canh tác, ông đã sang nhượng cho một số người dân địa phương và người nơi khác đến. Đất ở quanh khu vực này ông Nhi đều biết rõ từng hộ. Ngay bản thân gia đình ông Nhi lúc đầu thì có trong danh sách các trường hợp được đền bù, nhưng sau đó bị loại ra vì cơ quan chuyên môn xác định là đất… sông suối.

Ông Nguyễn Văn Nhi, ở thôn 9, xã Đắk D'rô cầm trên tay một cây chết bị ngập úng và cho rằng đất của ông không phải là đất tre le, sông suối

Ông Nhi chia sẻ: Khi mình phát hiện có các trường hợp “ma”, tổ đền bù và những “người lạ” đến tận nhà thỏa thuận, hứa chia cho mình một ít. Thực sự, cái mình cần là sự công bằng. Đất của tôi nếu rà soát lại và được đền bù thì tôi cũng sẽ hiến cho Hội Chữ thập đỏ huyện chứ không cầm bất kỳ đồng tiền nào cả.

Theo Chủ tịch UBND xã Đắk D'rô Nguyễn Văn Rĩnh, thời gian qua, nhiều người dân địa phương liên tục có kiến nghị lên chính quyền về việc oan ức tại công trình thủy lợi Đắk Rồ. Nhiều trường hợp nêu ra được người dân địa phương xác nhận là có đất bị ảnh hưởng ngập úng bởi công trình thủy lợi Đắk Rồ. Tuy nhiên, UBND xã Đắk D'rô chỉ là đơn vị phối hợp nên không thể nắm bắt được sự việc. Xã cũng kiến nghị lên cấp trên có phương án kiểm tra, rà soát lại để kịp thời hỗ trợ cho những hộ dân bị ảnh hưởng, tránh gây nên tình trạng thiệt thòi, bức xúc trong Nhân dân.

Bà Trần Thị Thường, ở buôn K62, xã Đắk Drô cho rằng mình có 0,2 ha đất bị ngập nhưng không được đền bù

Cần xử lý nghiêm sai phạm

Để xảy ra nhiều sai sót, thế nhưng UBND huyện Krông Nô lại cho rằng, nguyên nhân là do… lỗi khách quan. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô Trần Đăng Ánh thì phần lớn các hộ dân có đất sản xuất trong khu vực lòng hồ nhưng không bị thiệt hại, ngập úng đã kê khai không trung thực. Trong quá trình làm việc với các thành phần phúc tra, những đối tượng này cố tình chỉ vào diện tích đất của người khác đang sử dụng để nhận là đất của mình. Bên cạnh đó, việc đo đạc, xác định diện tích đất bị thiệt hại của các hộ chưa chính xác do thời điểm đo đạc công trình đã đi vào vận hành, bị ngập nước không xác định được ranh giới cụ thể.

Nói về việc bất nhất, sai lệch quá lớn về khối lượng trong kết quả đo đạc giữa đơn vị độc lập và của huyện, ông Ánh giải thích: “Ban đầu, do nước ngập sâu nên cơ quan chức năng khó xác định diện tích bị ngập. Sau này, tổ xác minh cũng gặp bất lợi khi xác minh trong thời điểm mùa mưa, nước trong hồ Đắk Rồ ngập sâu. Mãi đến khi thuê đơn vị độc lập đo đạc, xác minh lại trong thời gian dài (từ cuối năm 2017 đến đầu năm 2019) thì kết quả mới chính xác được”.

Hỏi về vai trò của các phòng, ban chuyên môn liên quan, ông Trần Đăng Ánh thừa nhận có sự thiếu trách nhiệm. UBND huyện Krông Nô đã có văn bản giao cho Phòng Nội vụ chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

 

Trưởng buôn không biết việc đền bù của các hộ dân

Ông Hứa Văn Sơn, Trưởng buôn K62, xã Đắk D'rô cho biết: “Tôi làm trưởng buôn cả chục năm nay rồi nhưng có thấy họ trao đổi, phối hợp hay thông tin gì về việc giải phóng mặt bằng công trình này với buôn đâu. Mãi tới gần đây, tôi nghe ngóng thông tin mới biết được là có thu hồi đất và để xảy ra sai phạm mấy tỷ đồng. Không chỉ bất ngờ, bản thân tôi rất buồn vì ngay cả những người gần dân như mình cũng không biết sự việc”.

 

Đối với những kiến nghị của người dân, cũng theo ông Trần Đăng Ánh, UBND huyện đã tiến hành xác minh và đã có văn bản trả lời một số trường hợp cụ thể. Hiện vẫn còn một số trường hợp không thể xác minh được. “Qua nắm bắt dư luận, chúng tôi nhận thấy ý kiến của một số người dân cho rằng họ có đất bị ngập là có cơ sở. Do thời gian đền bù, giải phóng mặt bằng công trình này kéo dài, trải qua nhiều giai đoạn và hơn nữa, nước cũng đã ngập sâu nhiều năm nên không thể xác minh, lấy cơ sở để đền bù được. Đây thực sự là một bài học đắt giá trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc để người dân không phải chịu thiệt thòi”, ông Ánh chia sẻ.

Bài, ảnh: Lê Phước - Phan Tuấn

 

    Nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ