A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cảnh giác với chiêu lừa bán đồ cổ giả

15:37 | 07/11/2019

Thời gian gần đây, trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa xuất hiện một số đối tượng dùng đồ cổ giả để lừa bán cho người dân. Có người do không am hiểu, nên đã bỏ ra một số tiền lớn mua về món hàng không có giá trị và phải chấp nhận "ngậm bồ hòn làm ngọt"...

Cách đây vài hôm, chúng tôi có ghé gia đình anh N.V.P, ở tổ 2, phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa). Vừa vào nhà, anh P đã kéo chúng tôi ra mé hiên thì thầm: “Tôi mới mua được mấy món đồ cổ này, ông xem thử thế nào. Trông nó hoen rỉ thế thì không nhầm đi đâu được, lại rẻ nữa”.

Bốn món đồ đồng giả cổ mà anh N.V.P, ở phường Nghĩa Tân mua cách đây chưa lâu

Nhìn các món đồ còn bám đầy bùn đất và nổi ten xanh, chúng tôi cũng nghĩ là đồ cổ thật, chẳng có nghi ngờ gì. Những món đồ mà anh P mua gồm: Một cái triện có khắc chữ Hán; một cái hồ lô chạm trổ hình tượng, hoa văn rất sắc sảo; một con cóc ngậm đồng tiền và một con sư tử với nhiều chi tiết, hoa văn tinh xảo. Một vài món đồ này có vẻ như đã bị phân hủy, mục rã do nằm trong lòng đất lâu ngày.

Anh P. kể, hôm trước anh đang ngồi ở quán giải khát của gia đình thì có một cậu thanh niên vào gọi nước uống. Trông dáng vẻ của người này giống như một người làm thợ hồ. Dưới chân để một chiếc vỏ bao xi măng cắt dở, bùn đất bám nhem nhuốc. Ngồi một lát, người thanh niên liên tục gọi điện như đang trao đổi, ngã giá cho một món đồ gì đó. Khi anh P. hỏi thăm thì người này giới thiệu đang mang theo mấy món đồ đồng vừa mới đào được khi làm móng nhà ở xã Quảng Khê (Đắk Glong). Sau đó, người này mở bao cho anh P. xem và cho biết, hiện có mấy người ở khu vực Bưu điện thị xã Gia Nghĩa và nhân viên ngân hàng đòi mua với giá 6 triệu đồng mà anh ta chưa bán. Chủ đích của anh ta là mang về Long An cho một người anh trai chơi, vì người này rất mê đồ cổ. Thấy mấy món đồ đồng lạ, lại nghe nói mới đào dưới đất lên, anh P. cũng không khỏi tò mò. Sau một hồi trao đổi, anh P. bảo với thanh niên kia nếu bán với giá 5,5 triệu thì anh mua. Sau một hồi đắn đo, người kia liền đồng ý bán và vội vàng đi khỏi quán.

Các đối tượng dùng hóa chất cho đồ đồng lên ten xanh để lừa mọi người là cổ vật

Sau khi nghe xong câu chuyện và xem kỹ các món đồ trên, chúng tôi cảm thấy có điều gì đó rất nghi ngờ. Chúng tôi liền gọi cho một số người am hiểu về đồ cổ thì được biết, các món đồ của anh P không phải đồ cổ. Giá trị các món đồ này không đến 1 triệu đồng. Thời gian qua có nhiều kẻ chuyên đi lừa đảo bán đồ cổ và anh P là nạn nhân của chúng.

 

Theo một số người sành về đồ cổ, những kẻ chuyên làm giả đồ cổ đã dùng một số thủ thuật như mang các món đồ chôn dưới ruộng chua phèn, sau đó mang lên đất vườn, rẫy chôn lại hai, ba năm để cho hoen rỉ. Sau đó khui lên rồi dùng a xít làm cho các món đồ bị mục và lên màu xanh… Tuy nhiên, nếu để ý kỹ sẽ thấy ten xanh ấy chỉ là bề nổi, chùi sơ dễ bong tróc. Trong khi đồ cổ thật đều lên ten tự nhiên theo phong hóa thời gian, có độ bóng, độ sâu. Ngoài ra, đối với các chi tiết hoa văn, vết khắc trên đồ giả thường rất mới, chỉ cần dùng kính lúp sẽ thấy ngay đường nét rất sắc và mảnh sâu vào cốt đồng. Đối với đồ cổ thật vết khắc nguyên bản sẽ bị ô xy hóa, đường nét mờ hơn và nét khắc bị mục ruỗng, không còn nguyên vẹn do năm tháng tác động...

 

Thời gian vừa qua, tình trạng lừa bán đồ cổ dỏm xảy ra rất thường xuyên ở các tỉnh như: Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng…Tuy nhiên, nhờ sự cảnh giác của người dân, chính quyền địa phương nên nhiều vụ việc đã được phát giác sớm. Những người chuyên lừa bán các món đồ này đã bị cơ quan chức năng truy bắt, xử lý. Qua sự việc mua nhầm “cổ vật" dỏm của anh N.V.P, người dân cần phải cảnh giác hơn để phát hiện và báo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý...

Bài, ảnh: Văn Tâm

    Nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ