A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Lừa đảo qua công nghệ nở rộ

13:25 | 20/08/2020

Cùng với sự phát triển của công nghệ, các hình thức lừa đảo qua mạng có xu hướng gia tăng, thủ đoạn ngày càng tinh vi, đánh vào lòng tham cũng như lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người bị hại

Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Phi Hùng (SN 1997, Đô Lương, Nghệ An) cùng 3 người khác về tội "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản".

Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin

Theo đó, Hùng cùng các đối tượng cho quảng cáo trên mạng xã hội với nội dung trao tặng nhẫn vàng 1 chỉ 24K hoàn toàn miễn phí. Để nhận được món quà này, khách hàng phải bỏ ra 300.000-400.000 đồng "đóng thuế thu nhập cá nhân" tương đương 10% giá trị quà tặng. Trên thực tế, đây là những nhẫn vàng giả, có giá từ 15.000 - 20.000 đồng. Chỉ trong một thời gian ngắn, đã có tới 18.000 người trên cả nước bị sập bẫy, số tiền nhóm Hùng chiếm đoạt lên tới hàng tỉ đồng. Khi khám xét, công an thu được khoảng 40.000 chiếc nhẫn kim loại có màu vàng.

Trung tá Đoàn Văn Đông, Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Bắc Từ Liêm, cho biết đây là vụ án chiếm đoạt tài sản qua mạng máy tính, mạng viễn thông có quy mô và tổ chức lớn. Các đối tượng hoạt động tinh vi, chuyên nghiệp, bàn bạc chặt chẽ, thống nhất phân công vai trò quản lý của từng đối tượng.

Trước đó, tháng 6-2020, Công an tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố bị can đối với Phạm Xuân Thái (18 tuổi, học sinh lớp 12, trú tỉnh Quảng Trị) và 6 bị can khác cùng về hành vi sử dụng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Thái đã lập trình, tạo ra các website giả mạo rồi gửi đường link đến các tài khoản Facebook của những người Việt đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài. Khi chủ tài khoản Facebook đăng nhập vào các website này, các đối tượng sẽ chiếm quyền sử dụng. Tiếp đó, chúng gửi các đường link giả mạo ngân hàng để nạn nhân truy cập, khai báo thông tin tài khoản ngân hàng. Sau khi thu thập đầy đủ mật khẩu, mã OTP, các đối tượng lập tức chiếm đoạt tiền trong tài khoản của nạn nhân. Số tiền chiếm đoạt được Thái chuyển vào các tài khoản ngân hàng của đồng bọn rồi chia nhỏ sang các tài khoản khác nhau để rút về. Công an xác định từ đầu năm 2020 đến nay, nhóm đối tượng trên đã sử dụng 14 tài khoản ngân hàng ảo, chiếm đoạt hơn 10 tỉ đồng của hơn 100 bị hại trên cả nước, trong đó có một số người ở tỉnh Bắc Ninh.

Ngoài ra, Công an TP Hà Nội cho biết các đối tượng lừa đảo còn gọi điện thoại xưng là nhân viên bưu điện, thông báo nạn nhân nợ tiền cước điện thoại hoặc có bưu phẩm gửi ở bưu điện lâu ngày không đến nhận; thiếu nợ tiền ngân hàng do người khác lấy CMND, thẻ căn cước công dân đăng ký mở tài khoản ngân hàng hoặc liên quan đến các vụ án đang điều tra như buôn bán ma túy, rửa tiền xuyên quốc gia…, yêu cầu nạn nhân kê khai tài sản, số tiền hiện có trong các tài khoản ngân hàng. Tiếp đó, chúng buộc nạn nhân phải nghe điện thoại, liên tục nói chuyện với nhiều người tự xưng là điều tra viên, cán bộ công an… và không được kể cho người khác việc đó. Thậm chí, chúng còn sử dụng phần mềm công nghệ để giả mạo số gọi đến là số điện thoại của Công an TP Hà Nội hoặc các cơ quan của nhà nước.

Bán xe giá siêu rẻ, mua hàng online giá trị cao

Mới đây, anh N.V.L (SN 1985) đã đến Công an quận 12, TP HCM trình báo về việc bị lừa tiền. Theo đó, anh L. thấy trên Facebook rao bán chiếc xe SH còn mới giá chỉ 50 triệu đồng nên nhắn tin hỏi thì được đối tượng gửi hình ảnh, thông tin, cà vẹt… xe SH để kiểm chứng; yêu cầu anh L. chuyển tiền cọc 50% qua tài khoản và hẹn đến địa chỉ thuộc quận 12 để nhận xe. Sau khi chuyển tiền rồi nhờ bạn chở đến điểm hẹn và không thể liên lạc được với người bán, anh L. mới biết bị lừa.

Còn chị Huỳnh K.H (SN 1995, ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) bị dính "quả lừa" sau khi đọc Facebook của mẹ ruột với tin nhắn: "Con gửi cho mẹ 5 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng này gấp". Sau khi chuyển tiền, chị H. gọi điện thông báo cho mẹ mới hay tài khoản Facebook của bà bị hack. Cùng cảnh ngộ, chị Trần T.M (SN 1985, ngụ quận 5, TP HCM) đã chuyển 10 triệu đồng cho chị ruột sau khi nhận tin nhắn qua Facebook, cuối cùng phát hiện bị lừa.

Theo Công an TP HCM, ngoài những thủ đoạn trên, thời gian gần đây còn nổi lên thủ đoạn các đối tượng đóng giả người Việt Nam tại nước ngoài mua hàng online với giá trị tài sản rất cao rồi gợi ý chuyển tiền trả trước cho người bán hàng online thông qua dịch vụ chuyển tiền quốc tế Western Union. Để tạo niềm tin, các đối tượng sẽ giả lập hóa đơn, chứng từ tiếp nhận tiền của dịch vụ chuyển tiền quốc tế Western Union; chụp ảnh hóa đơn, chứng từ này rồi gửi tin nhắn hình ảnh cho bị hại. Thông qua mạng xã hội, các đối tượng sẽ gửi một tin nhắn đường link giả mạo website của dịch vụ chuyển tiền quốc tế Western Union, yêu cầu bị hại tiến hành các bước đăng nhập vào đường link này, khai báo tên, tuổi, địa chỉ, mã số thẻ ngân hàng... trên website giả mạo để làm thủ tục rút tiền. Ngay sau đó, các đối tượng sẽ lấy mã OTP, thực hiện giao dịch chuyển tiền từ tài khoản của bị hại vào tài khoản của chúng.

Công an TP HCM khuyến cáo người bán hàng xác minh kỹ thông tin khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền. Chỉ thực hiện giao dịch trên các website chính thức, công khai của các tổ chức tài chính, ngân hàng. Tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho người khác. Hạn chế công khai ngày sinh, số căn cước công dân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng trên không gian mạng. Đối với các tài khoản công khai, dùng để giao dịch online, cần hạn chế số tiền dư quá lớn.

Ngoài ra, theo Công an TP HCM, các doanh nghiệp có quan hệ mua bán với công ty nước ngoài, thường liên lạc giao dịch qua hộp thư điện tử (e-mail) dễ rơi vào tầm ngắm của hacker. Sau khi xác định mục tiêu tấn công, các đối tượng lừa đảo xâm nhập e-mail của doanh nghiệp, biết được thông tin về các hợp đồng mua bán hàng hóa, thanh toán tiền, chúng sẽ tạo email giả mạo (giống với e-mail thật của hai bên hoặc chỉ sai khác một ký tự) của đối tác thanh toán tiền hàng và gửi email yêu cầu thanh toán tiền vào một số tài khoản khác với lý do tài khoản thường giao dịch đang gặp trục trặc.

Theo Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an TP HCM, để tránh rơi vào những chiếc bẫy này, doanh nghiệp phải kiểm tra địa chỉ email của đối tác bảo đảm chính xác 100%. Nếu nhận được email yêu cầu thay đổi số tài khoản thụ hưởng, tuyệt đối không được chuyển tiền mà phải trực tiếp liên lạc ngay với đối tác bằng điện thoại để xác minh. Nếu đã chuyển tiền thì phải lập tức báo ngân hàng phong tỏa. Gặp các thủ đoạn nêu trên hoặc phát hiện bất cứ thủ đoạn nào khác nghi ngờ lợi dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân phải thông báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để xử lý, tránh bị thiệt hại về tài sản.

Lừa đảo gia tăng tại Mỹ trong dịch Covid-19

Theo Tạp chí PC Magazine, để thực hiện chiêu trò lừa đảo, các đối tượng đã đăng ký hàng trăm trang web sử dụng đơn vị đăng ký tên miền GoDaddy. Mỗi trang web sau đó có thể được sử dụng như một cửa hàng trực tuyến để bán các sản phẩm khan hiếm trong đại dịch Covid-19, bao gồm nước rửa tay khô và khăn ướt diệt khuẩn. Để nhận tiền từ khách hàng, các đối tượng sử dụng cổng thanh toán điện tử PayPal và tạo hàng trăm tài khoản bằng nhiều địa chỉ e-mail khác nhau. Khi khách hàng than phiền với PayPal về việc không nhận được hàng, các đối tượng đối phó bằng cách cung cấp mã theo dõi đơn hàng ảo cho công ty này. Đôi khi các đối tượng sử dụng tên giả để tạo tài khoản PayPal và lập cửa hàng trực tuyến. Trong những trường hợp khác, chúng sử dụng địa chỉ và số điện thoại thật của những cá nhân và doanh nghiệp ở Mỹ.

Thủ đoạn trên bị lật tẩy trong khuôn khổ của chiến dịch "Operation Stolen Promise" do Cục Điều tra An ninh Nội địa Mỹ (HSI) thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ khởi xướng nhằm bảo vệ người dân Mỹ. Theo thống kê mới nhất của tổ chức phi lợi nhuận Social Catfish (Mỹ), kể từ khi Covid-19 xuất hiện tại Mỹ vào tháng 3, quốc gia này chịu tổn thất gần 100 triệu USD từ các chiêu trò lừa đảo liên quan đến đại dịch. Các bang California, Florida, New York, Texas và Pennsylvania là những điểm nóng khi chiếm gần 35% trong tổng số hơn 150.000 vụ lừa đảo trên toàn quốc.

Theo khuyến cáo của Bộ Tư pháp Mỹ, người dân cần xác minh độc lập danh tính của mọi công ty, tổ chức thiện nguyện và cá nhân liên hệ; không mở link hay tập tin đính kèm trong e-mail từ các nguồn lạ hoặc chưa được xác minh...

Cao Lực

Nguyễn Hưởng - Sỹ Hưng - Phạm Dũng

Bài viết gốc: https://nld.com.vn/phap-luat/lua-dao-qua-cong-nghe-no-ro-20200819213925015.htm

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ