A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Điện lạnh Tuấn Tài - M01

Cảnh giác với tội phạm mua bán trẻ em

14:41 | 23/09/2022

Tội phạm mua bán người dưới 16 tuổi hoạt động với thủ đoạn tinh vi, lợi dụng vào sự lơ là của phụ huynh các nạn nhân để dụ dỗ rồi đưa vào quán karaoke, massage phục vụ, bóc lột sức lao động và cả tình dục.

Bị can Lê Thị Bích Phượng và Nguyễn Hoàng Phong bị khởi tố về hành vi mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi.

Tiếp cận, dụ dỗ nạn nhân qua mạng xã hội

Ngày 20/9, Công an TP Cần Thơ đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Lê Thị Bích Phượng (41 tuổi, trú ở tỉnh Kiên Giang), Nguyễn Hoàng Phong (18 tuổi, trú tỉnh Đồng Nai) để điều tra về hành vi “mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi”.

Trước đó, ông P.P.L.T. (54 tuổi, trú tỉnh Long An) tố giác về việc cháu gái N.T.M.L. (14 tuổi) đang bị bắt giữ, làm việc tại quán karaoke Thu Ngân 2 (thuộc ấp Thới Trung, thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, tỉnh Cần Thơ).

Sau đó, Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an huyện Cờ Đỏ kiểm tra quán karaoke Thu Ngân 2. Qua đó phát hiện có 5 cô gái (từ 14 đến 22 tuổi, trú tại các tỉnh Ninh Thuận, Gia Lai, Đắk Lắk, Long An) đang ở tại các phòng trọ trong quán do Lê Thị Bích Phượng và 2 nhân viên khác quản lý.

Qua làm việc, các nạn nhân cho biết, giữa tháng 2 đã lên mạng xã hội Facebook tìm việc làm và đọc được tin quảng cáo tuyển nhân viên nữ với mức lương cao nên chủ động liên hệ với các đối tượng qua mạng xã hội.

Qua liên lạc, các đối tượng dụ dỗ rằng chỉ làm nhân viên phục vụ quán cà phê trên địa bàn TPHCM với mức lương cao. Các đối tượng yêu cầu nạn nhân đi xe khách hoặc taxi đến để gặp mặt tại địa bàn tỉnh Đồng Nai và Bình Dương. Tuy nhiên sau khi gặp mặt, chúng đưa các nạn nhân về phòng trọ, buộc họ phải chọn lựa làm việc tại quán karaoke hoặc massage. Nạn nhân không chịu thì chúng đe dọa, yêu cầu nếu muốn về thì phải trả tiền chuộc. Các em còn nhỏ tuổi và đa số là người dân tộc miền núi, ít hiểu biết nên đã sợ và nghe theo lời các đối tượng, chấp nhận đi làm nhân viên phục vụ karaoke. Các đối tượng buộc nạn nhân ghi giấy nhận nợ với số tiền từ 15 - 20 triệu đồng/người.

Các đối tượng sau đó bán nạn nhân cho các đối tượng khác có nhu cầu tuyển làm nhân viên phục vụ quán karaoke hoặc massage. Các em sau đó phải làm việc để trừ nợ.

Nguyễn Hoàng Phong có mối quan hệ quen biết với Lê Thị Bích Phượng, do từng làm chung quán karaoke với nhau trên địa bàn TP Cần Thơ. Phong biết Phượng đang là quản lý tiếp viên phục vụ của quán karaoke Thu Ngân 2 nên đã liên lạc và gửi hình ảnh, thông tin của các nạn nhân.

Phong cũng đưa ra thông tin nạn nhân thiếu nợ chủ quán karaoke và chủ muốn bán để trừ nợ. Sau khi xem thông tin từng người, Phượng đồng ý trả tiền để nhận nạn nhân về làm nhân viên phục vụ quán karaoke để trừ nợ. Phượng đã bỏ ra tổng số tiền hơn 250 triệu đồng để “mua” các thiếu nữ này. Khi về quán, Phượng tiếp tục bắt nạn nhân viết giấy nhận nợ với số tiền tăng lên từ 41 triệu đồng đến 70 triệu đồng/người.

Trong quá trình sinh sống tại quán, các nạn nhân bị giữ điện thoại, đi đâu cũng phải có sự giám sát. Do hoang mang và bức xúc, cháu gái của ông T. đã mượn được điện thoại để liên lạc về gia đình và nhờ giải cứu.

Đầu tháng 9 năm 2022, Công an huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) cũng đã triệt phá đường dây mua bán người. Theo đó, Công an huyện này đã khởi tố, bắt tạm giam các bị can Kiều Công Cảnh (70 tuổi) và Kiều Hoài Phước Anh (con trai ông Cảnh) về hành vi “mua bán người dưới 16 tuổi” và “bắt giữ người trái pháp luật”. Ông Cảnh là chủ hệ thống cơ sở massage Mi Mi Ngọc (cơ sở chính tại khu Phước Hải, TT Long Thành, huyện Long Thành). Nạn nhân trong vụ án là 2 thiếu nữ 15 tuổi, quê Sóc Trăng.

Cần đề cao cảnh giác

Thông tin từ Bộ Công an cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình tội phạm mua bán người tiếp tục diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng hơn.

Thủ đoạn dụ dỗ, mua bán người trên của các đối tượng cũng được Bộ Công an nhận định trong sơ kết 6 tháng đầu năm. Qua đó cho thấy, tình hình tội phạm mua bán người tiếp tục diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng hơn.

Các đối tượng triệt để lợi dụng mạng xã hội (qua Zalo, Facebook); cấu kết với đối tượng là người Việt Nam cư trú ở nước ngoài và người nước ngoài hình thành các đường dây khép kín nhằm dụ dỗ, lừa gạt, mua bán nạn nhân trong nước để đưa ra nước ngoài, đưa vào cơ sở kinh doanh dịch vụ massage, karaoke trá hình…

Bộ Công an khuyến cáo, các gia đình cần hết sức cảnh giác, đồng thời tăng cường công tác giáo dục với trẻ em về những thủ đoạn tinh vi của loại tội phạm này. Cung cấp thông tin cho thành viên trong gia đình về thủ đoạn mua bán người và các biện pháp phòng, chống mua bán người. Phối hợp với nhà trường, cơ quan, tổ chức và các đoàn thể xã hội trong phòng, chống mua bán người…

Nhà trường và các cơ sở giáo dục, đào tạo quản lý chặt chẽ việc học tập và các hoạt động khác của học sinh, sinh viên, học viên. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục ngoại khóa về phòng, chống mua bán người phù hợp với từng cấp học, ngành học.

HOÀNG VIỆT

Bài viết gốc: http://daidoanket.vn/canh-giac-voi-toi-pham-mua-ban-tre-em-5697350.html

 

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ