A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

“Kỳ án” chín năm đi kiện của một lão nông: Hồ sơ đất của ông bí thư xã là giả mạo!

08:50 | 22/05/2013

Suốt một thời gian dài, vụ tranh chấp đất của ông Nguyễn Văn Chanh – Bí thư xã Mê Linh (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) vẫn chưa có hồi kết. Mấu chốt vấn đề là ông Chanh đã có một bộ hồ sơ hoàn hảo để dựng lên một “vở kịch” mua bán giấy tay. Thế nhưng, các n

Ông Bùi Xuân Hiền ở Mê Linh, huyện Lâm Hà

Sai lầm về tố tụng

Trong hồ sơ của vợ chồng ông Nguyễn Văn Chanh – bà Hoàng Thị Kim Bình thì nguồn gốc miếng đất vô cùng rắc rối. Đầu tiên, theo ông Chanh, ông Trần Xuân Đê, hai vợ chồng ông Trần Văn Đức – bà Nguyễn Thị Nhàn có đơn xin cấp đất vào năm 1991. Năm 1995, ông Đê và vợ chồng ông Đức – bà Hiền chuyển nhượng lại diện tích đất nói trên và tài sản trên đất cho ông Bùi Văn Hiền với giá 16 triệu đồng. Vì còn nợ ông Chanh – bà Bình 16 triệu đồng nên ông Đê đề nghị ông Hiền giao thẳng số tiền này cho vợ chồng ông Chanh. Do không có tiền thanh toán nên ông Hiền đã thỏa thuận giao cho vợ chồng ông Chanh diện tích đất đã nhận chuyển nhượng nói trên.

Phần trình bày của lão nông đi kiện đòi đất hoàn toàn khác. Năm 1992, ông Chắt mua của bà Nguyễn Thị Chỉ (chồng bà Chỉ là ông Phạm Ngọc Ngà, khi đó là Chủ tịch xã Mê Linh) mảnh đất khoảng 4.000 mét vuông (nay thuộc thửa 205, tờ bản đồ số 6, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà), tiền chuyển nhượng là 1,5 triệu đồng, có xác nhận của chính quyền xã Mê Linh, ông Chắt đã đóng phí chuyển nhượng 5% cho UBND xã. Một thời gian sau, con ông Chắt bán một phần đất cho ông Vui – bà Hà, còn lại 1.780 mét vuông. Năm 1994, ông Chắt đến UBND xã Mê Linh xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nhưng không được, vì UBND xã chưa xem xét trình lên cấp huyện. Năm 1995, ông Chắt bị tai biến mạch máu não, phải đi cấp cứu tại TPHCM nên mảnh đất hầu như bỏ hoang. Lợi dụng điều này, ông Nguyễn Văn Chanh (khi đó là Chủ tịch xã, nay là Bí thư xã Mê Linh) cùng vợ là bà Bình đã chiếm đoạt mảnh đất. Bỗng nhiên bị mất đất, gia đình ông Chắt dò hỏi thì mới tá hỏa khi biết UBND huyện Lâm Hà đã cấp GCNQSDĐ cho vợ chồng ông Chanh – bà Bình. Năm 2004, vì sức khỏe yếu, ông Chắt ủy quyền cho em là Phạm Ngọc Động kiện ông Chanh – bà Bình ra TAND huyện Lâm Hà. Ông Động cho biết, việc tìm ra bệnh án của ông Chắt đã thuyết phục được tòa án, vì năm 1995 khi ông Chắt đi chữa bệnh, xã tiến hành đo đạc, xin huyện cấp sổ đỏ thì không có mặt ông tại địa phương nên ông Chanh mới có cơ hội “nhảy” vào chiếm.

Theo bản án ngày 7-9-2005 của Tòa án nhân dân (TAND) huyện Lâm Hà thụ lý vụ án kiện “Tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là ông Trần Hữu Chắt (SN 1950, ngụ thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, ủy quyền cho người em họ là ông Phạm Ngọc Động, SN 1950, ngụ cùng thị trấn) với bị đơn Nguyễn Văn Chanh (SN 1954, bí thư xã Mê Linh) và vợ là Hoàng Thị Kim Bình (SN 1955, ngụ xã Mê Linh, huyện Lâm Hà) thì tòa sơ thẩm đã “bỏ quên” các nhân chứng quan trọng trong vụ việc là: ông Nguyễn Xuân Đê, ông Trần Văn Đức – bà Nguyễn Thị Nhàn và ông Bùi Văn Hiền. Đây là bốn người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong bộ hồ sơ mà ông Chanh cung cấp cho tòa. Phát hiện ra điều này, ngày 19-9-2005, Viện kiểm sát (VKS) cùng cấp đã kháng nghị lên cấp tòa cao hơn. Ngày 24-4-2006, TAND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định hủy án sơ thẩm, giao vụ việc cho TAND huyện Lâm Hà giải quyết lại.

Đi tìm nhân chứng

Tại sao xung quanh miếng đất 1.780 mét vuông lại có tới hai bộ hồ sơ khác nhau, mâu thuẫn nhau. Các nhân chứng là “nút thắt” của vụ việc hiện đang ở đâu?

Ngày 14-5-2013, chúng tôi tìm gặp ông Trần Xuân Đức (chồng bà Nhàn) tại nhà riêng ở đường Hà Giang (P. Lộc Sơn, TP. Bảo Lộc, Lâm Đồng). Hiện giờ ông phải bán chậu cây cảnh để kiếm sống qua ngày. Về việc tên ông xuất hiện trong hồ sơ đất của ông Chanh, ông Đức nói: “Ông Chanh còn làm bí thư thì dân Mê Linh điêu đứng. Năm 1992, tôi từ TP.Hồ Chí Minh lên Mê Linh để sinh sống. Một năm sau (năm 1993), tôi làm giấy xin cấp đất gởi ông Lưu Minh Thư – Phó Chủ tịch xã kiêm Trưởng Công an xã lúc đó, và được giải quyết một miếng đất khác. Đến ngày 9-8-1994, tôi bán miếng đất gồm một gian nhà gỗ (làm rạp chiếu phim video) cho bà Vũ Thị Luyến giá 1.250.000 đồng (có bút tích để lại) cách lô đất tranh chấp của ông Chanh 150 mét, nằm phía bên kia đường. Sau khi bán miếng đất, tôi lấy tiền làm thủy điện và ở nhờ trên miếng đất của ông Chắt với diện tích 1.780 mét vuông. Đây là nơi xảy ra tranh chấp sau này của ông Chắt và ông Chanh”.

Ông Đức nói rằng, chỉ ở nhờ trên đất của ông Chắt, không liên quan gì đến việc mua bán đất với ông Chanh. Việc có tên của ông trong giấy tờ, hồ sơ của ông Chanh là do ông ấy tạo dựng nên, ông Đức không hề biết. Qua ý kiến khẳng định của ông Đức, chúng tôi khẳng định ông Đức không liên quan đến vụ mua bán đất của ông Chanh.

Rời TP.Bảo Lộc, chúng tôi vượt hơn 100 km về xã Mê Linh, huyện Lâm Hà tìm gặp ông Bùi Văn Hiền, đang sống tại thôn 3 – một nhân chứng rất quan trọng trong hồ sơ đất của ông Chanh. Ông Hiền một lần nữa khẳng định giống như trong đơn trình bày với TAND và Viện Kiểm sát tỉnh Lâm Đồng (ngày 27-12-2005). Tháng 10-1995, ông Hiền sang nhượng của bà Nguyễn Thị Nhàn một căn nhà ba gian, một máy phát điện và hơn hai km dây điện, không có đất đai, trị giá 16 triệu đồng. Sau đó vì không chạy ra tiền, ông Hiền đã làm giấy trả lại nhà và công trình (ngày 20-10-1995) do ông viết cho ông Chanh vì bà Nhàn nợ ông Chanh 16 triệu đồng. Ông Hiền khẳng định, ông không mua đất của bà Nhàn và khi bàn giao cũng không có đất. Nếu trong hồ sơ của ông Chanh đề cập việc ông Đức mua đất của bà Nhàn và bàn giao cho ông Chanh thì đó là tài liệu giả mạo. Vì là vô can, ông Hiền đã đề nghị TAND, VKS giám định chữ kí trong các tài liệu đó không phải là chữ ký của ông. Ông Hiền cho biết thêm, tháng 8-2005, bà Bình (vợ ông Chanh) tới nhà ông nhờ kí vào một tờ giấy nội dung là sang nhượng đất và công trình điện của bà Nhàn đã được viết sẵn nhưng ông Hiền không ký vì tờ giấy viết không đúng thực tế. Bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Lâm Đồng năm 2006 đã cho rằng: “Ý kiến của ông Hiền đã không được tòa sơ thẩm xem xét một cách đầy đủ để có cơ sở đánh giá là chỉ bàn giao công trình điện chứ không có diện tích đất”.

Qua lời kể của các nhân chứng: ông Đức – bà Nhàn, ông Hiền thì chắc chắn họ không tham gia vào việc mua bán miếng đất của ông Chanh – bà Bình. Trên cơ sở thu thập thông tin của chúng tôi, ông Đê, vợ chồng ông Đức – bà Nhàn cùng làm thủy điện nhờ trên đất của ông Chắt vào năm 1993 (có bút tích để lại ngày 17-6-1993, được huyện chấp thuận vào tháng 9-1993) thì làm sao xuất hiện trong đơn của ông Chanh vào năm 1991? Việc xuất hiện các nhân vật này trong giấy tờ mua bán của ông bí thư là do hai vợ chồng ông Chanh ngụy tạo, tự “đạo diễn” mà có.

Viện kiểm sát tối cao nên vào cuộc

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hồ Chí Minh, hành vi của ông Chanh về việc giả mạo giấy tờ, ra tên sổ đỏ cho vợ ông là bà Bình đã vi phạm điều 280 Bộ luật hình sự (BLHS) năm 1995 “tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Ông Chanh còn phạm tội khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật theo điều 307.

Hồ sơ của cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng kết luận (ngày 22-5-2009, do thượng tá Phạm Văn Lộc kí), ông Chanh đã có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn vì với cương vị chủ tịch xã Mê Linh (trước khi lên làm bí thư), ông Chanh đã chỉ đạo ông Nguyễn Đình Lộc – cán bộ địa chính lập danh sách cấp sổ đỏ, trong đó có miếng đất tranh chấp với ông Chắt đứng tên vợ ông là bà Bình.

Ông Động cho biết, sau khi Báo CATP có loạt bài phanh phui sai phạm của ông Chanh, đã có vài lượt người tìm gặp ông để thương thuyết, đòi chia đôi mảnh đất nhưng ông nhất quyết không chịu. Sau khi UBND huyện Lâm Hà ra quyết định tịch thu sổ đỏ của bà Bình (vợ ông Chanh) năm 2011 vì làm sai trình tự thì lô đất vẫn vô chủ mà lẽ ra phải cấp cho ông Chắt (ông Động được ủy quyền). Như vậy, ông Chanh – bà Bình không còn quyền sở hữu miếng đất vì không còn sổ đỏ nên UBND huyện Lâm Hà chỉ còn cách cấp sổ đỏ cho chủ nhân đích thực của nó. Một vụ việc đơn giản mà chín năm qua, hết cấp sơ thẩm đến phúc thẩm cũng không giải quyết dứt điểm với nhiều lí do về tố tụng, đó là chuyện lạ (?!). Dựa trên những bằng chứng mà chúng tôi điều tra được, hy vọng rằng UBND huyện Lâm Hà và đích thân ông phó chủ tịch huyện Đinh Tấn Bái sẽ tham khảo cùng các cơ quan hữu trách để sớm cấp sổ đỏ cho ông Chắt.

Dư luận tại xã Mê Linh, huyện Lâm Hà cho rằng, ông Chanh có “mối quan hệ” nào đó nên mới “thoát” khỏi việc truy tố của cơ quan chức năng là Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng trong việc tạo lập sổ đỏ gian dối (?!). Tiếp theo đó, bộ hồ sơ đất của ông Chanh cũng tiếp tục có dấu hiệu của việc làm giả, hòng qua mặt cơ quan chức năng. Vụ việc này cần được Cục Điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vào cuộc làm rõ.

Ngày 25-4-2011, UBND huyện Lâm Hà có thông báo tới ông Động là vụ việc đã được lãnh đạo huyện giao cho Phòng Tài nguyên môi trường, Phòng Tư pháp làm việc với VKS huyện để có văn bản kiến nghị với cấp có thẩm quyền xem xét vụ việc.

 

    Báo Công An

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ