A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nhận thức về hiến máu cứu người của mọi tầng lớp nhân dân từng bước được nâng lên

10:23 | 22/08/2015

Thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk được biết đến là một trong những điển hình của cả nước trong thực hiện phong trào hiến máu tình nguyện. Đặc biệt, phong trào hiến máu tình nguyện phát triển mạnh đã chấm dứt tình trạng người bán máu chuyên nghiệp tại các c

Cuộc trò chuyện giữa P.V Báo Đắk Lắk với Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh LÊ XUÂN HỒNG sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về phong trào hiến máu tình nguyện của địa phương.

* Ông có thể cho biết đôi nét về những hoạt động đưa Đắk Lắk trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về phong trào hiến máu tình nguyện?

Đắk Lắk là một tỉnh có phong trào hiến máu được khởi động từ khá sớm, tuy vậy phải đến năm 2003 khi Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh được thành lập thì phong trào mới thực sự có những bước đột phá và nằm trong tốp dẫn đầu các tỉnh trong cả nước về tiếp nhận máu. Nếu như năm 2003, toàn tỉnh tiếp nhận được 694 đơn vị máu từ những người bán máu chuyên nghiệp, đạt 27,8 % kế hoạch năm, 73% lượng máu cần để cấp cứu người bệnh, thì đến năm 2014 lượng máu tiếp nhận được là 15.207 đơn vị, đạt 140,4% so với kế hoạch, bảo đảm đủ máu cho nhu cầu cấp cứu và điều trị của các Bệnh viện và không còn người bán máu chuyên nghiệp. Như vậy, hơn 10 năm qua số lượng máu tiếp nhận được là 91.514 đơn vị tương đương 22.878 lít máu. Con số này không chỉ đáp ứng được máu cho cấp cứu và điều trị trong toàn tỉnh mà còn hỗ trợ từ 4 - 5 ngàn đơn vị máu cho Viện Huyết học truyền máu Trung ương. Bên cạnh những con số ấn tượng này, một kết quả tôi cho rằng rất quan trọng, mang tính bền vững và phát triển lâu dài đó là nhận thức về hiến máu cứu người của mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh từng bước được nâng lên một cách rõ rệt. Trước đây đối tượng tham gia hiến máu tình nguyện chủ yếu là lực lượng thanh niên, học sinh, sinh viên các trường, nhưng đến nay đã phát triển sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân từ thanh niên nông thôn, cán bộ công nhân viên, lực lượng vũ trang, đặc biệt là con em đồng bào dân tộc thiểu số cũng tích cực tham gia phong trào hiến máu.

Cán bộ, nhân viên các cơ quan trên địa bàn tỉnh tham gia hiến máu tình nguyện.

* Theo ông, công tác HMTN ở tỉnh ta còn gặp những khó khăn nào?

Đối với tỉnh ta, nhu cầu máu cho cấp cứu và điều trị ngày càng tăng vì hiện nay các bệnh viện được đầu tư phương tiện, kỹ thuật ngày càng hiện đại, nhiều kỹ thuật mới, khó được thực hiện ngay tại địa phương. Vì vậy, để đáp ứng đủ máu cho cấp cứu và điều trị thì phải tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động, đặc biệt là công tác tuyên truyền vận động hiến máu tình nguyện trong mọi tầng lớp nhân dân nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, trong quá trình chỉ đạo và triển khai công tác tuyên truyền vận động HMTN ở tỉnh ta gặp không ít khó khăn, đó là địa bàn dân cư rộng, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, việc truyền tải thông tin về hiến máu nhân đạo đến vùng sâu vùng xa chưa đầy đủ nên việc thu hút đoàn viên thanh niên và người tình nguyện tham gia đăng ký hiến máu chưa nhiều; việc bố trí cán bộ, điều kiện, phương tiện truyền thông của Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các cấp còn rất hạn chế.

* Để thúc đẩy phong trào hiến máu tình nguyện trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh có, giải pháp như thế nào, thưa ông?

Để phong trào hiến máu tình nguyện ngày càng phát triển sâu rộng, chúng tôi sẽ tiếp tục củng cố, kiện toàn và thành lập Ban chỉ đạo vận động HMTN cấp cơ sở và mạng lưới tuyên truyền viên, tình nguyện viên hiến máu tình nguyện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động hiến máu trong các cơ quan, doanh nghiệp đặc biệt trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, mở rộng tuyên truyền vận động đối tượng trong lực lượng vũ trang, cán bộ trong các cơ quan hành chính và mọi tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức để ngày càng có nhiều người tham gia HMTN; thành lập Câu lạc bộ nhóm máu hiếm RH- (hiện nay tỷ lệ người có nhóm máu RH- là 0,001%). Bên cạnh đó, chúng tôi cũng cần sự quan tâm phối hợp nhiều hơn nữa của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng nhằm kịp thời phản ánh, nhân rộng các kết quả hoạt động, các gương điển hình của tập thể, cá nhân và gia đình trong phong trào hiến máu tình nguyện. Hiến máu không chỉ giúp khắc phục tình trạng thiếu máu để cứu sống người bệnh mà còn giúp tạo dựng môi trường sống giàu lòng nhân ái, vì thế, tôi mong rằng cả cộng đồng hãy cùng nhau tham gia hiến máu cứu người, bởi hiến máu đúng quy định không có hại cho sức khỏe.

*Xin cảm ơn ông!

Kim Oanh (thực hiện)

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ