A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tiếp sức cho thanh niên khởi nghiệp

13:57 | 04/01/2019

Từ nguồn vốn 120 của Trung ương Đoàn và vốn vay ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều thanh niên trên địa bàn huyện Ea Súp đã lập thân, lập nghiệp thành công ngay trên mảnh đất quê hương mình...

Là kỹ sư xây dựng có mức lương ổn định tại TP. Đà Nẵng nhưng anh Hoàng Công Thành ở thôn 6, thị trấn Ea Súp (huyện Ea Súp) vẫn luôn ấp ủ giấc mơ sản xuất những sản phẩm nông nghiệp sạch ở quê hương Đắk Lắk. Năm 2017, anh nghỉ việc trở về quê hương phát triển kinh tế bằng mô hình VAC. Không có nhiều kiến thức trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian đầu, anh Thành phải tự tìm hiểu các tài liệu, tham gia lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh...

Với số vốn vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp cộng với số tiền tích góp được, anh Thành đã mạnh dạn đầu tư xây dựng ước mơ của mình... Hơn một năm sau, mô hình của anh đã có 200 con gà đẻ trứng, 800 con gà thịt, hơn 20 con heo rừng lai, 15 con bò, 400 gốc xoài cùng với 3 hồ thả cá. Năm vừa qua, sau khi trừ chi phí, anh Thành thu lãi hơn 200 triệu đồng.

Mô hình VAC của anh Hoàng Công Thành (thôn 6, thị trấn Ea Súp).

Tương tự, sau nhiều năm loay hoay tìm hướng phát triển kinh tế, năm 2016, chị Nguyễn Thị Thùy Linh ở thôn 7, xã Cư M’lan đã quyết định phá bỏ 6 sào đất trồng sắn kém hiệu quả để trồng thử nghiệm 100 cây bưởi da xanh. Để “lấy ngắn nuôi dài” trên diện tích đất trồng bưởi đang trong thời gian chờ thu hoạch, chị Linh đã kết hợp trồng các loại rau, củ có khả năng chịu hạn như: dưa leo, cà chua, cải ngọt... Cách làm này đã mang lại cho gia đình chị nguồn thu nhập gần 4 triệu đồng mỗi tháng. Năm 2018, chị Linh được Huyện Đoàn Ea Súp cho vay 20 triệu đồng không tính lãi 1 năm. Có thêm vốn, chị đầu tư mở rộng quy mô lên 2 ha cây ăn trái với 400 cây bưởi, 100 cây chanh, 20 cây mít và 15 cây dừa. Chị Linh tâm sự: “Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của Ban Thường vụ Huyện Đoàn mà hiện nay mô hình cây ăn trái của tôi đang phát triển tốt. Dự kiến cuối năm 2019, 100 cây bưởi sẽ bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu tiên”.

 

“Sự khích lệ, động viên và hỗ trợ về vốn của Huyện Đoàn Ea Súp đã tạo động lực để tôi vượt qua khó khăn, quyết tâm làm giàu cho gia đình, quê hương mình”.

 
Anh Hoàng Công Thành, chủ trang trại VAC ở thôn 6, thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp

Không chỉ anh Thành, chị Linh mà trên địa bàn huyện Ea Súp còn có nhiều mô hình sản xuất kinh doanh của thanh niên đem lại hiệu quả kinh tế cao như: mô hình chăn nuôi gà thả vườn của anh Đinh Xuân Hùng và Nguyễn Văn Tâm (thị trấn Ea Súp), hợp tác xã cây giống của anh Lê Văn Thanh (xã Ya Tờ Mốt), mô hình trồng cây ăn trái của anh Vũ Thế Bằng (xã Cư M’lan), anh Phan Hữu Nhân (xã Ia R'vê) …

Theo anh Lê Hồng Hạnh, Bí thư Huyện Đoàn Ea Súp, để phong trào “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” triển khai sâu rộng, các cán bộ Đoàn trên địa bàn huyện đã được tập huấn để hiểu rõ hơn về khởi nghiệp, cách hướng dẫn thanh niên lập kế hoạch, dự án kinh doanh khả thi; tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, liên kết đầu tư để mở rộng sản xuất, hướng dẫn thủ tục vay vốn... Chỉ tính riêng năm 2018, Ban Thường vụ Huyện Đoàn đã nhận được 25 ý tưởng khởi nghiệp, qua đó giải ngân 200 triệu đồng vốn giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn cho 4 thanh niên; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vay 100 triệu đồng cho các mô hình thanh niên phát triển kinh tế.

Anh Trần Văn Linh, Phó Bí thư Huyện Đoàn Ea Súp trao vốn khởi nghiệp cho chị Nguyễn Thị Thùy Linh ở thôn 7, xã Cư M’lan.

Đến nay, toàn huyện hiện có 54 tổ vay vốn do tổ chức Đoàn quản lý với tổng dư nợ trên 66 tỷ đồng. Cùng với hỗ trợ nguồn vốn vay, các cơ sở Đoàn trong huyện còn chủ động khảo sát, nắm bắt nhu cầu về nghề nghiệp và việc làm của thanh niên… từ đó phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, tư vấn giới thiệu việc làm. “Nhờ sự hỗ trợ của Huyện Đoàn, chính quyền địa phương cộng với tinh thần khởi nghiệp nghiêm túc, sáng tạo, nhiều thanh niên trên địa bàn huyện đã tiếp cận nhanh với thị trường để tìm ra phương thức sản xuất phù hợp với năng lực bản thân và điều kiện kinh tế của gia đình”, anh Lê Hồng Hạnh chia sẻ thêm.

Như Quỳnh

 

    nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ