A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Xây dựng văn hóa đọc ở giới trẻ

10:02 | 16/04/2022

Văn hóa đọc không chỉ là thói quen đọc sách mà còn bao hàm cả sở thích và kỹ năng đọc. Xây dựng văn hóa đọc ở giới trẻ là một vấn đề khó, đòi hỏi lộ trình phù hợp

Nhà thơ Lê Minh Quốc cho rằng để giới trẻ có thể hiểu được sâu sắc ý nghĩa của văn hóa đọc, cần phải có lộ trình lâu dài, bài bản cùng sự phối hợp từ gia đình, trường học, các nhà xuất bản và cơ quan quản lý.

Để sách là người bạn đồng hành

Theo số liệu thống kê từ Cục Xuất bản, In và Phát hành - Bộ Thông tin và Truyền thông, giai đoạn 2014-2019, tỉ lệ đọc của người Việt tăng từ 4,1 đầu sách/người lên 4,6 đầu sách/người. Năm 2020, do ảnh hưởng dịch Covid-19, con số này còn 4,13 đầu sách/người.

"Mỗi năm có hơn 400 triệu đầu sách phát hành thì trong đó hơn 300 triệu bản sách giáo khoa và sách tham khảo, nếu lấy phần còn lại chia đều cho 90 triệu dân, phần sách phổ thông có lẽ chỉ xấp xỉ 1 đầu sách/người. Như vậy, sức đọc của người Việt còn khá thấp" - ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, nhận định tại tọa đàm trực tuyến "Văn hóa đọc và phát triển ngành xuất bản trong tương lai" vào cuối năm 2021.

Nhà thơ Lê Minh Quốc cho rằng phụ huynh cần hướng dẫn, chủ động mua sách cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ, thay vì đợi đến 14-15 tuổi mới đốc thúc con đọc sách. Trong mỗi gia đình phải có tủ sách. Cần có thêm nhiều buổi ra mắt sách tại các trường đại học, trung học với nội dung phù hợp cho học sinh, sinh viên. Các nhà xuất bản cần chọn lọc các đầu sách để giới thiệu đến độc giả trẻ thay vì chú trọng xuất bản sách thời thượng, ngôn tình sáo rỗng... Các cơ quan, đoàn thể có liên quan cần xây dựng việc đọc thường xuyên, thay vì đợi đến hội sách mới phát động phong trào.

"Không thể đổ lỗi cho người trẻ bị thiết bị điện tử chi phối, trong khi mỗi thứ có vai trò khác nhau. Những ai được định hướng thói quen đọc từ sớm, có "gốc rễ" vững vàng sẽ tự biết cân bằng nhu cầu của bản thân và sách trở thành người bạn đồng hành về lâu về dài. Giới trẻ cần đọc sách cho hợp lý, không để sách "rác" tạo nên những tư duy lệch lạc, tiêu cực" - nhà thơ Lê Minh Quốc đúc kết.

Các bạn trẻ tại TP HCM đang trải nghiệm loại hình sách nói. Ảnh: PHÙNG THUẬN TÙNG

Đọc sách không phải là nhiệm vụ

TS Lê Hồng Phước, Phó trưởng Khoa Ngữ văn Pháp Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP HCM, chỉ ra đọc sách không phải là nhiệm vụ mà là niềm vui, tức là đọc vì thích, vì thấy có ích. Đọc sách không phải là thú vui độc tôn mà cần cân bằng việc đọc với các thú vui khác như xem phim, nghe nhạc… Bên cạnh đó, trong thời buổi internet hiện nay, nếu việc làm cho người trẻ thích đọc là quan trọng thì hướng dẫn cách đọc cũng quan trọng không kém - tức là dạy các em kỹ năng lựa chọn thông tin trong vô số thông tin, hướng dẫn các em cách đọc có tư duy phản biện.

Đồng tình với quan điểm trên, TS Mai Mỹ Duyên - nguyên Trưởng Khoa Sau đại học Trường ĐH Văn hóa TP HCM - khẳng định văn hóa đọc phản ánh văn hóa cá nhân và văn hóa cá nhân đó xuất phát phải từ giáo dục. Cần tìm ra phương pháp giáo dục đúng đắn để khi tiếp xúc với văn hóa phẩm, sách báo "bẩn", giới trẻ vẫn đủ tỉnh táo để nhận biết, phân định đúng - sai, hay - dở. Hiện nay, việc đọc không nhất thiết giới hạn trên sách mà cần tận dụng các phương tiện công nghệ để phù hợp với cuộc sống hiện tại.

Phương pháp giáo dục cho từng trẻ phải được chính cha mẹ các em tìm tòi và áp dụng, không có công thức chung trong việc định hướng văn hóa đọc khi mỗi người có một cá tính và điều kiện phát triển khác nhau. "Tôi đọc tiểu thuyết tình yêu của Quỳnh Dao từ năm 8 tuổi nhưng dưới sự dạy dỗ chu toàn của cha mẹ mà tôi biết tiếp thu các tư tưởng phù hợp, loại bỏ những suy nghĩ không đúng đắn về tình yêu" - TS Mai Mỹ Duyên cho hay.

Theo ý kiến của giới chuyên môn, xu hướng đọc sách trên các thiết bị điện tử cũng là một cách tốt, có thể khuyến khích trẻ đọc ở bất cứ đâu. Hiện nay có nhiều ứng dụng cho phép đọc khi không cần kết nối mạng, tải về được hàng trăm đầu sách giúp tiết kiệm một khoản chi phí khi bỏ tiền ra mua sách bản giấy.

Phần còn lại thuộc về trách nhiệm của nhà trường, cơ quan quản lý, nhà xuất bản, truyền thông báo chí. Nếu chừng nào những cuốn sách miêu tả chi tiết cảnh giết người, ngôn ngữ thô tục, cổ xúy cho tình yêu phi đạo đức vẫn còn xuất hiện nhan nhản thì vấn đề xây dựng văn hóa đọc cho giới trẻ còn gặp nhiều khó khăn

Thầy Nguyễn Văn Hiệp, Hiệu trưởng Trường THPT Giồng Ông Tố (quận 2, TP HCM), cho biết trường chuẩn bị đưa vào hoạt động mô hình “Câu lạc bộ sách”, sẽ thường xuyên chọn lọc giới thiệu cho học sinh những đầu sách phù hợp như: kỹ năng sống, chủ quyền biển đảo, định hướng nghề nghiệp, lịch sử dân tộc... Khuyến khích giáo viên chú trọng việc đọc sách và giới thiệu các thông tin sách hay cho học sinh.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 15-4

Kỳ tới: Để sách và văn hóa đọc đi vào đời sống

HÀ GIANG

Bài viết gốc: https://nld.com.vn/van-nghe/xay-dung-van-hoa-doc-o-gioi-tre-20220415200421229.htm

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ