A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Vấn đề biển đảo lại vào đề thi đại học

12:14 | 09/07/2014

Kết thúc 180 phút làm bài thi môn Địa lý, nhiều thí sinh nhận định đề thi vừa sức. Thí sinh thích thú với câu hỏi về vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam…

Ghi nhận của phóng viên tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, quận Cầu Giấy, Hà Nội, nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi muộn. Nhận định chung của thí sinh là đề thi không khó. Thí sinh dễ dàng đạt điểm trên trung bình.

Thí sinh Lê Thị Quyên (quê ở Thanh Hóa, dự thi khối C, ngành Báo chí đa phương tiện, Học viện Báo chí Tuyên truyền) cho biết Quyên làm bài vẫn còn thừa 15 phút để soát lại. Nội dung trong đề thi môn Địa lý năm nay ra theo hướng mở nên nhiều thí sinh thấy thích thú.

Vấn đề biển đảo lại vào đề thi đại học - 1

Đề thi môn Địa lý

“Trước ngày thi em đã ôn luyện thêm những chủ đề liên quan như biển đảo. Em không ngờ sáng nay thi lại trúng vào phần đó. Khi làm bài câu hỏi trình bày vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, em đã nêu ý khẳng định Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam. Thêm nữa, là việc đánh bắt hải sản của ngư dân ở quanh khu vực này có ý nghĩa quan trọng. Đánh bắt hải sản vừa giúp ngư dân phát triển kinh tế, vừa tham gia vào việc bảo vệ lãnh thổ của đất nước”, Quyên chia sẻ.

Quyên cho biết thêm, ở câu hỏi chứng minh nước ta có nhiều thế mạnh về tự nhiên để phát triển công nghiệp điện lực. Kể tên 4 nhà máy thủy điện với công suất mỗi nhà máy từ 400 MW trở lên đang hoạt động ở Việt Nam? Câu hỏi dạng này Quyên đã được ôn luyện nên làm khá nhanh. Trong bài, Quyên đã nêu được điều kiện tự nhiên của Việt Nam có nhiều sông, kênh rạch chằng chịt. Điều này thuận lợi cho việc phát triển thủy điện. Đặc biệt, Quyên cũng kể được 4 nhà máy thủy điện của Việt Nam là thủy điện Sơn La, Hòa Bình…

Vấn đề biển đảo lại vào đề thi đại học - 2

Thí sinh dự thi tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Cùng dự thi khối C, thí sinh Trần Thị Hạnh, quê ở  huyện Lý Nhân, Hà Nam cho hay, đề thi môn Địa lý năm nay có điểm mới, câu hỏi theo hướng mở nhiều hơn. Đặc biệt, thí sinh thích thú ở câu hỏi trình bày vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Việc đánh bắt hải sản của ngư dân nước ta ở ngư trường quần đảo Hoàng sa, quần đảo Trường Sa có ý nghĩa như thế nào về an ninh quốc phòng?.

“Trước kỳ thi, thầy cô cũng đã lưu ý cho chúng em về chủ đề biển đảo, vấn đề thời sự nên khi gặp câu hỏi dạng này em làm khá nhanh. Trong bài thi, em cũng nêu hai ý nổi bật nhất đó là đưa ra những dẫn chứng, lý lẽ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Câu hỏi này phần lớn  thí sinh đều làm được”, Hạnh nói.

Theo Hạnh, câu hỏi (3 điểm) vẽ biểu đồ cũng khá dễ. Câu hỏi này, thí sinh đều được ôn luyện trên lớp. Từ bảng số liệu đề bài cho sẵn Hạnh đã chọn vẽ biểu đồ đường. Hạnh dự kiến mình được 8 điểm môn Địa lý.

Vấn đề biển đảo lại vào đề thi đại học - 3

Trời bất ngờ đổ cơn mưa lớn ngay trước thời điểm các thí sinh chuẩn bị kết thúc giờ thi khiến lực lượng sinh viên tình nguyện phải rất vất vả mới duy trì được giao thông ổn định tại khu vực cổng trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn

Vấn đề biển đảo lại vào đề thi đại học - 4

Người nhà đội mưa chờ đón thí sinh

Tại TP.HCM, ghi nhận tại hội đồng thi trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, ngay sau khi kết thúc 2/3 thời gian làm bài, đã có nhiều thí sinh dự thi ở các khối B, D rời khỏi phòng thi. Nhiều thí sinh cho rằng, đề thi môn Toán của hai khối B, D có cấu trúc khá giống với đề thi khối A, A1. Trong đó có những câu hỏi dễ, phù hợp với thí sinh có học lực trung bình khá, và những câu khó để phân loại thí sinh.

Thí sinh Đoàn Thị Thủy, dự thi khối D6 khoa Nhật Bản học trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn cho biết: “Đề thi lần này khá giống với đề khối A, A1 nên em cũng không quá bất ngờ. 5 câu hỏi đầu tiên khá dễ, em chỉ mất gần 1 tiếng để hoàn thành, nhưng những câu sau thì khá khó, lại không nằm trong nội dung kiến thức mà em ôn tập nên em không làm được, đành phải bỏ dở”.

Vấn đề biển đảo lại vào đề thi đại học - 5

Các thí sinh tại trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn sau khi kết thúc môn thi buổi sáng

Vấn đề biển đảo lại vào đề thi đại học - 6

Bữa ăn trưa ngay tại cổng trường của hai chị em thí sinh dự thi tại trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn

Tương tự, bạn Nguyễn Thị Hải Yến, dự thi khối B ngành Tâm lý học cũng cho biết: “Đề năm nay khó hơn năm ngoái, cấu trúc đề cũng mới nhưng không lạ vì bọn em đã xem qua đề thi của khối A và A1. Phòng thi của em khá nhiều bạn cũng ra sớm, nhưng chủ yếu là do không làm được mấy câu cuối cùng về giải hệ phương trình và tìm giá trị lớn nhất”.

Trong khi đó, môn Địa lý lại được khá nhiều thí sinh hào hứng bởi vấn đề biển đảo một lần nữa lại được đưa vào đề thi. So với những đề thi trước đây, đề thi năm nay có tới hai câu (câu 1 và câu 3) liên quan tới vấn đề này.

Thí sinh Lâm Bảo Anh, dự thi khối C ngành Địa lý học chia sẻ: “Em thấy đề thi năm nay dễ hơn đề thi năm ngoái. Mặc dù Bộ có nói là sẽ ra đề theo hướng mở, yêu cầu thí sinh phải áp dụng thực tế, nhưng kiến thức chủ yếu vẫn nằm trong sách giáo khoa và nội dung giảng dạy trên ghế nhà trường. Đặc biệt, câu hỏi về biển đảo là câu bọn em cũng có thể đoán trước, bởi đây đang là vấn đề thời sự của quốc gia. Với đề thi này, em tự tin mình có thể đạt được 7 – 8 điểm.

Nguyễn Đức – Thiện An

    Nguồn: khampha.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ