A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Phồn thực trong nghệ thuật tạo hình Cơ Tu

08:25 | 12/11/2015

Phồn thực là một hình thức tín ngưỡng khá phổ biến của nhiều tộc người nguyên thuỷ. Trong văn hoá của các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, phồn thực trở thành biểu tượng văn hoá thể hiện ước vọng sự sinh sôi, nảy nở cho đời sống con người và vạ

Dấu ấn phồn thực trong điêu khắc, trang trí

Biểu tượng phồn thực được các nghệ nhân dân gian thể hiện cô đọng, điển hình trong nghệ thuật điêu khắc, trang trí. Đây là những tác phẩm tạo hình vừa thoả mãn tâm linh, niềm tin của con người vào thế giới siêu nhiên vừa mang lại giá trị thẩm mỹ, điểm tô nét đẹp cho cuộc sống, buôn làng.

Trong nghệ thuật trang trí của dân tộc Cơ Tu, hình tượng người giã gạo và chiếc cối giã gạo có nét tạo hình khá tiêu biểu với thân lõm ở giữa, loe ở hai đầu... gợi tưởng đến cái eo lưng của người phụ nữ. Biểu tượng cối giã gạo, eo lưng và cách giã gạo chày đôi, chày ba, nhịp điệu diễn ra thường ngày cũng gợi tưởng đến biểu tượng người dùng chày đánh trống trên trống đồng của cư dân Đông Sơn thuở trước. Hoa văn chày (chapan), cối (tơpal) khá phổ biến trên trang phục Cơ Tu, nhất là trên váy của phụ nữ.

Chim triêng trên đầu hồi nhà gươl.

 

Theo quy luật tự nhiên, sinh vật, vũ trụ tồn tại nhờ kết hợp giữa các cặp âm dương, trống mái, nước lửa... Theo đó, một số nhà nghiên cứu cho rằng chày cối chính là hình ảnh của nguyên lý âm dương: chày (+), cối (-), biểu trưng của sinh tồn. Giống như các tộc người Tây Nguyên, đề tài người phụ nữ giã gạo khá nổi bật trong nghệ thuật tạo hình Cơ Tu. Đặc biệt, hoa văn cái cối trên trang phục, các mô típ điêu khắc chiếc cối trên cây cột lễ, cột cái nhà gươl là điểm nhấn miêu tả bộ ngực căng phồng đầy sức sống hay cái eo hông nhỏ thon đầy nữ tính, một phần cơ thể người phụ nữ. Cùng với hoa văn Da dắ, hoa văn cái cối tượng trưng cho hình ảnh phụ nữ, người mẹ, biểu tượng của sự phồn thực, sinh sôi nảy nở, liên quan đến giới tính, nữ giới.

Cũng đồng dạng với mô tip này, các hình tượng cối, nồi đồng, bầu vú mẹ trong nghệ thuật điêu khắc ở các dân tộc Tây Nguyên như Ê Đê, Gia Rai là “biểu tượng của lao động nữ, biểu tượng của xã hội trọng nữ, của chế độ gia đình mẫu hệ, của quan hệ mẫu quyền.

Phồn thực biểu trưng của sinh tồn

Tượng gỗ Tây Nguyên phản ánh nhiều thể tài, trong đó hình ảnh của người phụ nữ thường đậm đặc nhất. Trước tiên, ta có thể thấy loại hình biểu trưng của sinh tồn và phồn thực liên quan đến giới tính, nữ giới: phụ nữ mang bầu, cho con bú, các tượng đặc tả bầu vú, đề tài lao động sản xuất như làm nương, giã gạo. Trong tượng gỗ Tây Nguyên trong tư thế khỏa thân, ta thấy hình ảnh khoe sinh thực khí của nam, nữ có ý nghĩa tính giao, mang biểu tượng phồn thực rõ nét.

Mô típ chày cối trên cột lễ của người Cơ Tu Ảnh: Tấn Vịnh

 

Trang trí trên đầu hồi - “đhrượp” của nhà làng Cơ Tu là hình thức trang trí phức tạp nhất nhưng mang đậm biểu tượng phồn thực. Trên một tấm ván hình bầu dục (dày chừng 3cm, dài 80cm, rộng 50cm) đồng bào Cơ Tu khắc đẽo thành một bố cục tổng hợp rất đẹp mắt, tinh vi. Nếu lấy trục dọc giữa chiều dài tấm gỗ làm trung tâm thì các chi tiết hai bên đối xứng nhau gần như tuyệt đối. Dưới cùng, lượn vòng thành hình chữ U ngoạn mục là hình hai cặp chim triêng, con đực cưỡi trên lưng con cái, đầu hướng ra hai bên theo đường cong chữ S uyển chuyển, nhịp nhàng. Theo lời đồng bào, chim triêng tượng trưng cho sức mạnh đoàn kết và hình hai đôi chim đang giao cấu nhau đặc trưng cho tín ngưỡng phồn thực, thể hiện nguyện vọng sinh sôi nảy nở nhanh chóng không những đối với con người mà cả với các chủng loại cây trồng và vật nuôi.

Phồn thực là biểu tượng văn hoá sống động của người Tây Nguyên nói chung, người Cơ Tu nói riêng, đó là mạch nguồn của cảm hứng sáng tạo. Nếu như trong quá khứ, yếu tố phồn thực là linh hồn chi phối, ảnh hưởng đời sống tâm linh, văn hoá, ứng xử, làm nên thế giới quan hồn nhiên, mộc mạc của con người thì hiện tại và tương lai, biểu tượng phồn thực vẫn như là chất men, nhựa sống để các tộc người tiếp tục sáng tạo các giá trị văn hoá mới thấm đẫm chất nhân văn. Biểu tượng phồn thực là nét độc đáo trong kho tàng nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc của các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên.

Tấn Vịnh

 

    nguonlangvietonline.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ