A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Di tích không chỉ để tôn vinh (Kỳ cuối)

09:45 | 23/12/2016

Kỳ cuối: Tiếng nói của cơ quan quản lý Nhà nước và nhà nghiên cứu khoa học

Di tích thật sự có ý nghĩa khi nhiều người biết đến và đón nhận ở đó những giá trị cụ thể như phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; gìn giữ và bảo tồn vốn văn hóa truyền thống; hay nâng cao ý thức, giáo dục truyền thống cho thế hệ kế tiếp...

Từ mục đích và ý nghĩa trên, PV Báo Đắk Lắk đã ghi nhận những ý kiến đóng góp của người đại diện cơ quan quản lý văn hóa và nhà nghiên cứu khoa học về các vấn đề liên quan đến việc xếp hạng gắn với đầu tư, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh hiện nay.

 Ông Lê Ngọc Quế - Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở VH-TT-DL):

Ưu tiên đầu tư, tôn tạo cho di tích cấp quốc gia

Đúng như báo chí đã phản ánh, việc công nhận và xếp hạng di tích (lịch sử, văn hóa, kiến trúc, danh thắng) mà không gắn liền với đầu tư, tôn tạo nhằm phát huy giá trị của vốn tài sản quý báu đó thì chỉ mới làm được một nửa. Tất nhiên, “nửa còn lại” phụ thuộc vào cơ chế, chính sách của chính quyền địa phương. Phải làm sao tạo được nguồn lực để đầu tư, tôn tạo di tích, kể cả chủ trương xã hội hóa là vấn đề bức thiết đặt ra.

Về phía ngành văn hóa, chúng tôi cố gắng, nỗ lực thực hiện Chương trình hành động số 41-CTr/TU ngày 26-8-2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” trên địa bàn Đắk Lắk, trong đó có mục tiêu, nhiệm vụ là lần lượt tôn vinh các di tích ở địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo quy hoạch phát triển văn hóa của UBND tỉnh. Trong số 24 di tích được công nhận và xếp hạng (cấp tỉnh, quốc gia) từ năm 2009 đến nay, dù chưa được phát huy tích cực phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa và nhất là du lịch, nhưng các di tích cũng đã được bảo vệ, gìn giữ tương đối nguyên vẹn, hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực từ bên ngoài. 37 di tích tiềm năng còn lại trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tôn vinh một khi cộng đồng, hay chủ thể sở hữu di tích đó có yêu cầu.

Di tích lịch sử số 4 Nguyễn Du (Biệt điện Bảo Đại).

Còn vấn đề đầu tư, tôn tạo để biến di tích được công nhận và xếp hạng trở thành thế mạnh, động lực phát triển đòi hỏi sự quan tâm, thu hút nguồn lực của toàn xã hội, chứ không riêng một cấp, một ngành nào. Là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực văn hóa, có nhiệm vụ tham mưu cho UBND tỉnh về vấn đề trên, Sở VH-TT-DL đã có văn bản (đề án) trình cấp thẩm quyền ưu tiên đầu tư, tôn tạo và phát huy giá trị của các di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia trong năm 2017 và những năm tiếp theo, trước mắt là Di tích lịch sử số 4 Nguyễn Du (Biệt điện Bảo Đại) và Nhà đày Buôn Ma Thuột thông qua Đề án “Bảo tồn, phát huy di tích gắn với phát triển du lịch Buôn Ma Thuột”. Và sự ưu tiên ấy là để phân bổ hợp lý nguồn lực vốn có hạn của địa phương. Theo đó, những di tích được tôn vinh còn lại, đặc biệt là các danh thắng, Sở VH-TT-DL cũng đã tham mưu, đề xuất cho UBND tỉnh ban hành cơ chế ưu đãi, hợp lý nhằm thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế trong xã hội để phục vụ cho mục tiêu tăng tốc ngành kinh tế du lịch trong thời gian tới.

• Tiến sĩ Lương Thy Cân (Viện phó Viện Khoa học-Xã hội vùng Tây Nguyên)

Cần sớm ban hành quy chế phân cấp quản lý, bảo vệ và tôn tạo di tích

Theo tôi, khi trình hồ sơ cho cấp thẩm quyền phê duyệt, công nhận và xếp hạng di tích thì phải kèm theo phương án bảo vệ, trùng tu và tôn tạo nhằm phục vụ cho mục đích đặt ra. Phương án đó chắc chắn phải có quy chế phân cấp quản lý, bảo vệ và tôn tạo di tích. Di tích cấp quốc gia thì do tỉnh quản lý và cấp tỉnh thì do huyện, thị xã, thành phố quản lý. Tất nhiên quy chế phân cấp quản lý là một trong những công cụ nhằm bảo vệ và tôn tạo di tích. Công cụ ấy luôn được vận dụng, chi phối xuyên suốt và toàn bộ trong quá trình khai thác, phát huy giá trị của di tích. Vì thế Đắk Lắk phải sớm ban hành quy chế này, chứ đến bây giờ mà chưa có thì hết sức lúng túng trong triển khai thực hiện.

Việc nỗ lực tôn vinh các di tích ở đây là điều nên làm - và tỉnh, thành phố nào cũng thế chứ không riêng gì Đắk Lắk. Bởi động thái này đem lại những yếu tố tích cực như khoanh vùng bảo vệ di tích khỏi bị xâm hại; còn đối với di tích đã được đầu tư, tôn tạo thì sẽ là lợi thế giúp cho địa phương phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa và giáo dục. Chẳng hạn, như tôi biết di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột, hay Biệt điện Bảo Đại… ngoài việc phục vụ du lịch, góp phần tăng nguồn thu cho địa phương còn là nơi giáo dục lý tưởng, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay. Và như vậy giá trị của di tích trên đã được phát huy, còn phát huy đến đâu là tùy thuộc vào cung cách tổ chức, khai thác của cộng đồng và chủ thể sở hữu.

Song, nên nhớ một điều rằng, cộng đồng và chủ thể sở hữu bất kỳ một di tích nào (lịch sử, văn hóa, kiến trúc hay danh thắng) đều phải tuân thủ quy chế quản lý, tôn tạo và phát huy cho từng loại di tích đặt ra. Quay lại vấn đề như tôi đã nói, quy chế ấy là công cụ và nếu như không có công cụ thì rất khó trong việc quản lý, giám sát và cả câu chuyện phát huy di tích. Tôi đặt ra giả thuyết, một di tích (là danh thắng nào đó) trên địa bàn Đắk Lắk được giao cho doanh nghiệp làm du lịch quản lý, khai thác - và nếu như không có quy chế (công cụ) quản lý, giám sát thì dễ xảy ra tình trạng biến nơi đó thành khu vui chơi, giải trí có yếu tố không lành mạnh nhằm thu hút du khách, tìm kiếm lợi nhuận thì sao (?). Hoặc một di tích lịch sử cũng vậy, khi giao cho cá nhân, hay tổ chức, đoàn thể đảm trách mà không có quy chế (công cụ) định rõ thì họ cũng sẽ dễ dàng “bóp méo” nội hàm giá trị di tích ấy như đưa vào thờ cúng, thực hành nghi lễ các tôn giáo trái phép…

Rõ ràng, việc ban hành quy chế phân cấp quản lý, bảo vệ và phát huy di tích trên địa bàn Đắk Lắk là hết sức cần thiết. Một khi có quy chế thì vấn đề trùng tu, tôn tạo di tích được tôn vinh cũng sẽ thuận lợi hơn. Các cấp chính quyền, ban, ngành dựa trên “khung pháp lý” đó để kêu gọi, thu hút đầu tư vào di tích nhằm phục vụ mục tiêu phát triển của địa phương. Bằng không, việc nỗ lực tôn vinh di tích mà không ai biết đến nó thì vô nghĩa.

Đình Đối

    Nguồn: "Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ