A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Khi cồng chiêng làm… du lịch

14:34 | 12/07/2017

Ý tưởng tổ chức biểu diễn văn hóa cồng chiêng 2 đêm/tháng nhằm phục vụ công chúng và thu hút du khách của Sở VH-TT-DL Đắk Lắk đang nhận được sự quan tâm của nhiều người.

Trong đó nổi lên các vấn đề: Một khi tách ra khỏi “môi trường thiêng”, cồng chiêng có còn giữ được tính đa nghĩa, nguyên dạng đặc trưng của nó nữa hay không? Hoạt động biểu diễn loại hình âm nhạc độc đáo này được khai thác, phát huy như thế nào để không trùng lặp và nhàm chán?

Đơn giản là một sản phẩm du lịch

Trả lời những câu hỏi trên, ông Phạm Tâm Thanh – Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL cho rằng: Đơn giản, đó là một sản phẩm du lịch nhằm thu hút mọi người, góp phần nâng cao thời gian lưu trú của du khách khi đến Đắk Lắk. Hơn thế, đó còn là giải pháp nhằm thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy giá trị Văn hóa Cồng chiêng giai đoạn 2016 - 2020 đã được cấp thẩm quyền thông qua. Ông Thanh còn nhấn mạnh: Không phải đến bây giờ, cồng chiêng mới được đưa vào phục vụ du lịch, mà nhiều năm trước các đơn vị kinh doanh “ngành công nghiệp không khói” trên địa bàn đã từng thực hiện. Có điều, việc làm này chưa được cơ quan chuyên môn quản lý và thẩm định, nên không biết giá trị di sản này được phát huy theo chiều hướng nào, tiêu cực, hay tích cực? Hiện nay, ngành Văn hóa đã có kế hoạch, lộ trình bài bản và được UBND tỉnh đồng ý cho phép triển khai thí điểm trong vòng 6 tháng (từ tháng 7 đến tháng 12-2017), sau đó có tổng kết, đánh giá để nhân rộng hay không hoạt động biểu diễn cồng chiêng nói trên.

Hoạt động diễn xướng cồng chiêng đã được các đơn vị du lịch đưa vào khai thác.

Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu – Trưởng Phòng Quản lý Du lịch (Sở VH-TT-DL) cho biết thêm: Kinh phí hỗ trợ cho mỗi kỳ biểu diễn được ngân sách chi khoảng 12 triệu đồng, bao gồm các khoản (bồi dưỡng cho nghệ nhân, nghệ sĩ biểu diễn; vệ sinh môi trường; bảo đảm an ninh trật tự; hậu cần). Đặc biệt là việc xây dựng kịch bản, nội dung chương trình cho từng kỳ sẽ được Phòng Quản lý Văn hóa thẩm định và thông qua. 6 kỳ biểu diễn  trước mắt được giao cho Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk đảm trách, Sở chủ quản sẽ phối hợp, kết nối với các tổ chức, đơn vị làm văn hóa – du lịch trên địa bàn tỉnh để duy trì, phát triển hoạt động này nhằm phục vụ người dân và khách du lịch với phương châm “lấy cồng chiêng nuôi cồng chiêng”.

Hoạt động diễn xướng cồng chiêng.

Ông Y Kô Niê – Phó Phòng Quản lý Văn hóa (Sở VH-TT-DL) lưu ý: Đây là hoạt động văn hóa - nghệ thuật lấy cồng chiêng làm chủ đạo, nên có thể gạt đi yếu tố “văn hóa” chứa đựng trong đó như không gian “thiêng” là gắn với lễ hội, tâm linh, tín ngưỡng, sự cố kết cộng đồng của các dân tộc bản địa… mà nên xem và tiếp nhận nó dưới góc độ cảm nhận âm nhạc và kỹ năng diễn xướng cồng chiêng mà thôi. Tuy nhiên, theo ông Y Kô, trong mỗi chương trình biểu diễn nhất thiết phải có cây nêu, cột lễ, chóe rượu được bày biện theo đúng phong tục truyền thống để cho cồng chiêng cất tiếng. Cho dù tiếng chiêng ở đó không thông đạt với Yàng và các thần linh (như nội hàm Văn hóa cồng chiêng vốn có), nhưng cũng để mọi người cảm thụ được tính “thiêng” của nó.       

Liệu có “đầu voi đuôi chuột”?

Ý kiến trên của ông Y Kô được nhiều đại biểu chia sẻ, đồng thuận tại cuộc họp “Bàn về công tác tổ chức biểu diễn Văn hóa cồng chiêng phục vụ nhân dân và du khách năm 2017” được Sở VH-TT-DL tổ chức vào ngày 30-6 vừa qua. Song, không ít người băn khoăn rằng, liệu trong quá trình thực hiện có rơi vào tình trạng “đầu voi đuôi chuột”?

Ông Đoàn Văn Thống – Trưởng Phòng VH-TT TP. Buôn Ma Thuột nêu vấn đề: Mỗi chương trình biểu diễn phải có điều mới lạ, chứ cứ lặp đi, lặp lại một cách đơn điệu thì sẽ không hấp dẫn người xem, thậm chí là thất bại. Điều quan trọng nữa là đơn vị đứng ra tổ chức (xây dựng kịch bản, nội dung chương trình) đòi hỏi phải có nghề, có kiến thức về Văn hóa cồng chiêng. Nếu không thì dễ dẫn tới tình trạng làm cho giá trị di sản quý báu kia bị biến dạng, méo mó trong nhận thức của công chúng lẫn du khách thưởng lãm. Nhiều ý kiến khác cho rằng, để không xảy ra điều “lợi bất cập hại” ấy, vấn đề quan trọng và cần lưu tâm trước mắt cũng như lâu dài là ngành Văn hóa cần có kế hoạch cấp bách, cụ thể về việc điều tra, đánh giá một cách toàn diện các yếu tố liên quan đến Văn hóa cồng chiêng – từ nghệ nhân diễn tấu, đến số lượng, bài bản âm nhạc cồng chiêng hiện có, cũng như cách thức phục dựng, tái hiện và phát triển vốn văn hóa này như thế nào cho hiệu quả, nhằm phục vụ cho ý tưởng đặt ra. Bởi nói gì thì nói, muốn có sản phẩm du lịch chất lượng và hấp dẫn phục vụ du khách thì nhất định phải có nguồn “nguyên liệu” dồi dào, bền vững để đem lại sự hài lòng cho mọi người.

Từ tháng 7 đến tháng 12-2017, hoạt động biểu diễn văn hóa cồng chiêng Đắk Lắk sẽ được tổ chức định kỳ 2 lần/tháng (vào tối thứ Bảy tuần thứ hai và thứ Bảy tuần thứ tư trong tháng) tại khuôn viên Biệt điện Bảo Đại – số 4 Nguyễn Du, TP. Buôn Ma Thuột. Đêm biểu diễn văn hóa cồng chiêng đầu tiên sẽ diễn ra vào tối 15-7 tới.   


       Đình Đối

    Nguồn: "Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ