A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nhận diện du lịch Đắk Lắk (Kỳ cuối)

09:38 | 28/08/2017

Kỳ cuối: Nan giải trong thu hút đầu tư

Mặc dù UBND tỉnh đã có chủ trương, chính sách ưu tiên cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch, nhưng lâu nay vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp tầm cỡ đầu tư vào đây nhằm tạo động lực mạnh mẽ cho ngành kinh tế quan trọng này phát triển. Và cũng chính vì thế, câu chuyện thu hút đầu tư đang trở thành vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay. 

Lực cản từ quy hoạch

Theo Sở VH-TT-DL, thời gian qua cũng có một số dự án du lịch được các nhà đầu tư “có máu mặt” tìm đến và đặt vấn đề như: Khu Du lịch Đèo Hà Lan (của Công ty Du lịch Suối Cát - Bình Thuận), Khu Du lịch cụm thác Gia Long - Dray Nur (Công ty Du lịch Đặng Lê), Khu Du lịch Hồ Ea Kao, Suối Xanh - Buôn Ma Thuột, Đồi Cư H’lâm - Cư M’gar (Tập đoàn Trung Nguyên), Khu nghỉ dưỡng Hồ Lắk (Công ty Đường mòn Châu Á)… với tổng mức đầu tư lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Nhưng đến nay, có dự án đã qua gần 10 năm vẫn không thực hiện theo đúng cam kết, buộc cấp thẩm quyền phải thu hồi, hoặc phải gia hạn nhiều lần khiến tiến độ chậm lại so với dự kiến. 

Tìm hiểu về vấn đề này, được biết sở dĩ các nhà đầu tư không mặn mà  là do ngoài năng lực tài chính, họ còn gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng. Nhiều doanh nghiệp phản ánh mặt bằng được giao để thực hiện dự án “không sạch”, đặc biệt là công tác quy hoạch còn chồng chéo, mang tính chất đánh đổi mà quên đi sự phân chia lợi ích tài nguyên một cách hài hòa, bền vững giữa các ngành nghề với nhau. Điều đó đã được Ban chỉ đạo Phát triển du lịch Đắk Lắk nhìn nhận tại kỳ họp đánh giá hoạt động du lịch 6 tháng đầu năm 2017. Qua đánh giá của các ban, ngành liên quan cho thấy, công tác quy hoạch một mặt chưa thật sự gắn chặt với nỗ lực thu hút nguồn lực đầu tư để biến những dự án du lịch trên địa bàn tỉnh thành hiện thực, nhất là những dự án lớn, đóng vai trò động lực cho sự phát triển du lịch ở địa phương; mặt khác còn dàn trải, thiếu trọng tâm nên không mang lại hiệu quả cao.

Thác Đray Nur. Ảnh: N. Gia

Sở VH-TT-DL cho hay địa phương nào cũng có “Đề án quy hoạch, phát triển du lịch” - và điều đáng nói là quy hoạch xong rồi để đó, không quan tâm đến việc xúc tiến, kêu gọi đầu tư (!?). Ví như từ năm 2013 đến nay, hầu hết các huyện, thị xã và thành phố đều làm quy hoạch trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên trong số 15 dự án được quy hoạch, đến nay chỉ có Khu du lịch văn hóa - sinh thái cộng đồng Kô Tam (TP. Buôn Ma Thuột) và Khu nghỉ dưỡng sinh thái Hồ Lắk (huyện Lắk) đã hoàn thành, đưa vào khai thác, còn lại đều rơi vào tình trạng nhà đầu tư đến xem, tìm hiểu rồ bỏ đi, hoặc dây dưa, kéo dài… vì chính quyền địa phương không chịu đầu tư kết cấu hạ tầng ban đầu.

Đầu tư hạ tầng không đáng kể

Vấn đề đáng nói nữa là việc đầu tư cho kết cấu hạ tầng tại các vùng đã được quy hoạch phát triển du lịch trong thời gian qua không đáng kể, nếu như không nói là còn quá yếu kém.

Số liệu của Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy giai đoạn 2012 - 2016, có 5 dự án nằm trong danh mục đầu tư kết cấu hạ tầng theo kế hoạch, nhưng chỉ có 1 dự án là Đường giao thông từ trung tâm xã Ea Sol vào thác Bảy Tầng (huyện Ea H’leo) được triển khai. 4 dự án còn lại là Bờ kè chắn đất kết hợp giao thông cho người đi bộ quanh Hồ Lắk; Bờ kè chống sạt lở trong Khu du lịch Hồ Lắk; Đường giao thông bao quanh Khu du lịch hồ Ea Súp Thượng (huyện Ea Súp) và Đường du lịch quanh đồi Cư H’lâm (huyện Cư M’gar) không thực hiện được do không bố trí được nguồn vốn. Theo kế hoạch, giai đoạn đoạn 2016 – 2020 cũng có hàng chục dự án đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch được đặt ra, nhưng đến nay mới có 2 công trình hạ tầng được ngân sách địa phương và Trung ương đầu tư khoảng 146 tỷ đồng để khởi động là Bờ kè chống sạt lở bờ sông Sêrêpốk (Khu du lịch Buôn Đôn) và Đường giao thông vào Khu du lịch sinh thái Hồ Ea Kao (xã Ea Kao - TP. Buôn Ma Thuột). Ngoài ra, các dự án phát triển du lịch được coi là trọng điểm như mở rộng Trung tâm Du lịch Buôn Trí A (xã Krông Na - huyện Buôn Đôn); Khu du lịch cụm thác Gia Long - Dray Nur (huyện Krông Ana); Khu du lịch Đồi Cư H’lâm (huyện Cư M’gar); Mô hình du lịch cộng đồng - sinh thái buôn Akô D’hông (TP. Buôn Ma Thuột); Khu Di tích lịch sử hang đá Đắk Tuar (huyện Krông Bông) vẫn còn nằm trên giấy do “vướng” thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng và quan trọng nhất là thiếu nguồn lực tài chính.

Rõ ràng, một khi kết cấu hạ tầng tại các khu, điểm du lịch chưa được chính quyền địa phương quan tâm xây dựng đúng mức sẽ khiến các nhà đầu tư chần chừ và e ngại. Điều đó đồng nghĩa với việc đánh mất cơ hội, động lực để giúp du lịch Đắk Lắk thật sự phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030 theo như mục tiêu của tỉnh đề ra. 

       Đình Đối

    Nguồn: "Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ