A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Bảo tàng Đắk Lắk - nơi lưu giữ thời gian

09:09 | 01/09/2017

Từ khi thành lập vào năm 1977 đến nay, Bảo tàng Đắk Lắk đã góp phần không nhỏ vào việc sưu tầm, lưu giữ và giới thiệu đến công chúng những giá trị lịch sử, văn hóa... của vùng đất Tây Nguyên.

Một Tây Nguyên thu nhỏ

Có thể ví Bảo tàng Đắk Lắk là một Tây Nguyên thu nhỏ, với hơn 9.000 m2 tọa lạc tại một khuôn viên đầy cây xanh giữa lòng TP. Buôn Ma Thuột. Hiện nay, Bảo tàng đang lưu giữ gần 13.000.000 hiện vật quý hiếm, trong đó có hơn 2.000 hiện vật văn hóa dân tộc, 4.000 phim, ảnh tư liệu và trên 6.000 hiện vật thuộc lĩnh vực khảo cổ học và lịch sử như: bộ chiêng cổ, ché cổ, ghế Kpan, hình ảnh qua các thời kỳ...

Để có những bộ sưu tập tài liệu, hiện vật như trên, những người trực tiếp làm công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn của Bảo tàng Đắk Lắk đã trải qua nhiều vất vả. Do đặc thù công việc nên họ phải thường xuyên rong ruổi khắp các thôn, buôn, ngõ ngách để gặp các nhân chứng, tìm kiếm các hiện vật người dân đang cất giữ; khéo léo thuyết phục họ hiến tặng hoặc bán hiện vật cho Bảo tàng. Theo anh Trần Quang Năm, Trưởng Phòng Nghiên cứu, sưu tầm, những hiện vật mà để ở nhà dân sẽ nhanh bị hỏng vì không được bảo quản đúng cách. Nếu không cố gắng đưa về để bảo tồn sẽ bị mất dần đi, nhất là khi kinh phí cho công tác nghiên cứu, sưu tầm còn hạn hẹp.

Bảo tàng Đắk Lắk là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử... của vùng đất Tây Nguyên.

Với sự tâm huyết và lòng yêu nghề, bất kể giờ giấc, thời tiết, khoảng cách, khi nhận được tin ở đâu có hiện vật quý là các anh em lại phân công đến tận nơi tìm hiểu. Mỗi lần đi cơ sở chỉ có một người với phương tiện xe máy, vất vả là vậy nhưng khi tìm được những thông tin có giá trị, hoặc vận động được bà con hiến tặng hiện vật để phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày là bao mệt nhọc đều tan biến hết. Mỗi năm, Bảo tàng sưu tầm, lưu giữ được từ 200 – 300 hiện vật.

Trong dịp 2-9 năm nay, Bảo tàng Đắk Lắk trưng bày chuyên đề “Khảo cổ tiền sử Đắk Lắk” với 79 hiện vật, trong đó nổi bật là 4 trống đồng cổ mới được Bảo tàng phục dựng tại Thanh Hóa. Chuyên đề này có ý nghĩa đối với khảo cổ học tỉnh nhà nói chung và hoạt động chuyên môn của Bảo tàng nói riêng. Đồng thời giúp công chúng hiểu sâu hơn về vùng đất cổ xưa của tỉnh nhà.

Đổi mới để đáp ứng nhu cầu công chúng

Hiện nay, Bảo tàng Đắk Lắk mở cửa hằng ngày để công chúng tham quan, tìm hiểu tại 3 phòng trưng bày: Đa dạng sinh học, Văn hóa dân tộc, Lịch sử; ngoài ra còn thường xuyên tổ chức các cuộc triển lãm theo từng chủ đề trong năm. Từ năm 2011 đến nay, mỗi năm Bảo tàng đón tiếp trên 300.000 lượt khách.  Riêng 7 tháng đầu năm 2017, đã có hơn 400.000 lượt khách tham quan. Anh Nguyễn Hữu Nam (du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Bảo tàng Đắk Lắk có không gian rất thoáng đãng, các hiện vật được bố trí hợp lý, có chú thích rõ ràng, giúp khách tham quan hiểu được nguồn gốc của các hiện vật”. Nhiều du khách không chỉ ghé thăm một lần mà thường xuyên quay lại để tìm hiểu kỹ hơn về những hiện vật tại Bảo tàng.

Du khách nghe thuyết minh về các hiện vật trong Bảo tàng tỉnh.

 

Hiện nay Bảo tàng Đắk Lắk đang lưu giữ, trưng bày một số hiện vật độc đáo và chỉ có một phiên bản như: Ly cà phê và phin cà phê lớn nhất, ché mẹ bồng con…. Đây là những hiện vật đặc sắc, nổi bật, đặc trưng cho vùng đất, con người Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

Bảo tàng Đắk Lắk thực hiện phương pháp trưng bày tiên tiến theo quan niệm Bảo tàng học hiện đại; sử dụng phim, sách cứng trong trưng bày, đây là những dụng cụ trực quan giúp du khách có thể nắm bắt phần nào nội dung mà không cần phải thuyết minh. Bà Hoàng Thị Nhật, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: "Bảo tàng Đắk Lắk là một trong những bảo tàng tiên phong ở Việt Nam sử dụng 4 ngôn ngữ trong trưng bày, gồm: tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Êđê – ngôn ngữ của dân tộc thiểu số tại chỗ đông nhất trên địa bàn tỉnh”. Bên cạnh đó, Bảo tàng còn tổ chức các hoạt động như đan lát, dệt vải, chế tác nhạc cụ… trong những ngày lễ giúp du khách hòa mình vào không gian văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và có những trải nghiệm lý thú từ các hoạt động này.

Để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về văn hóa, lịch sử... ngày càng cao của công chúng và khẳng định chất lượng của một Bảo tàng hạng 1, Bảo tàng Đắk Lắk đã tăng cường hợp tác, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào các khâu công tác nhằm phát huy cao nhất giá trị di sản. Qua đó xây dựng hình ảnh một Bảo tàng hiện đại nhưng vẫn đậm chất truyền thống dân tộc.

 

Ánh Ngọc

 

    Nguồn:Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ