A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cây nêu trong tâm thức của người Cơ Tu

19:43 | 20/01/2018

Trong đời sống hằng ngày của tộc người Cơ Tu vùng núi Quảng Nam, cây nêu (x'nur), bàn lễ (sa nuôr) luôn chiếm vị trí quan trọng,...

...  thể hiện sự sinh sôi nẩy nở, là vật thiêng liêng kết nối với thần linh, ông bà, ma tốt và chuyển tải khát vọng vươn tới cuộc sống ấm no, an lành, hạnh phúc.

Cây nêu còn là một sản phẩm mỹ thuật thể hiện tài nghệ trang trí, điêu khắc của nghệ nhân dân gian Cơ Tu, một cư dân sinh sống lâu đời trên đại ngàn Trường Sơn.

Đối với người Cơ Tu, cây nêu gắn liền với hoạt động nghi lễ trong các lễ hội mừng lúa mới, cầu mưa, lập làng, đâm trâu hiến tế trong các lễ hội truyền thống, cưới hỏi... Cách lễ hội khoảng một tháng, những thanh niên Cơ Tu khỏe mạnh, khéo léo trong làng được hội đồng già làng tuyển chọn vào rừng tìm cây và lồ ô để làm cây nêu. Cây nêu cũng có thể làm từ cây chò mọc thẳng, không bị dây bò quấn hoặc bị kiến đục lỗ trên thân.

Trong các lễ hội lập làng, cầu mưa, mừng lúa mới, cây nêu được trang trí thành 3 phần: đế, thân và ngọn. Phần đế thường là một khúc gỗ to khoét rỗng ở đầu, hoặc một ống lồ ô to để nối phần thân và ngọn, thường không trang trí họa tiết. Thân cây nêu được trang trí khá tỉ mỉ, công phu, vì theo quan niệm của người Cơ Tu, đây là nơi các vị thần linh về ngự trị để dự lễ. Phần thân tô màu đỏ, trắng với những hoa văn hình răng cưa, tam giác... và trang trí tua rua kết từ thân các loại cây họ lau sậy, nối liền tạo thành hình lõng che từ 1-3 tầng xen kẽ, cùng nhiều dải tua rua khác thả dài, phủ xuống bên dưới. Ngọn nêu được làm bằng lồ ô nối liền với thân.     

Thông thường, cây nêu cao khoảng 5 m và được trang trí với họa tiết, hoa văn, màu sắc gần gũi thiên nhiên và con người. Cột nêu được trang trí hoa văn với ba màu chủ đạo là đen, trắng, đỏ thể hiện tính thẩm mỹ và nghệ thuật điêu khắc truyền thống. Theo quan niệm của người Cơ Tu, các phần đó thể hiện sự phân tầng thành ba không gian tương ứng với ba thế giới của thần linh, người và ma quỷ. Giương là bộ phận quan trọng nhất, là hai tấm gỗ dẹt, được gắn đối xứng qua phần giữa thân cột lễ, trên đó tập trung nhiều hoa văn, tô màu sặc sỡ và nổi bật là hình vẽ chim tring, gà trống hoặc một số con vật khác như trâu, heo, ếch, rồng... Giương vừa tạo nên yếu tố thẩm mỹ vừa làm cho cột tế có sự cân đối. Một số nơi, người Cơ Tu tạc tượng hai chim tring rồi gắn lên cột. Trong ý tưởng tạo hình, cột lễ là cách tái hiện dáng hình của Thần lúa (Yang ha ro) hay hình ảnh của người phụ nữ Cơ Tu trong điệu múa da dá và giương chính là đôi tay của họ đưa lên trời, cầu xin hạt lúa của thần linh.

Ngay giữa thân cột, người Cơ Tu thường khắc chạm hình cái cối nằm đối xứng trên dưới. Đây là hình ảnh vừa mang biểu tượng của no ấm vừa mang ý nghĩa phồn thực. Trên đỉnh cột lễ là một đoạn tre được chẻ nhỏ tạo thành cái phễu ngửa lên trời, nơi chứa cái đuôi trâu hay con gà sống mà già làng ném lên trên sau khi kết thúc nghi thức hiến sinh (đâm trâu). Người Cơ Tu xem đây như một cái bàn thờ, nơi đón nhận sinh khí của đất trời, nơi thần linh tụ về hưởng thụ lễ vật và chứng giám các nghi lễ hiến sinh. Ngoài ra, còn nhiều thứ dùng để trang trí phụ họa cho cây nêu là hai cây lồ ô cao vút, ngọn và lá ở hai phía đối xứng, võng cong xuống gần chiếc phễu. Cùng với đó là các chùm tua rua như hoa và bông lúa, biểu trưng cho sự sinh sôi và phát triển.

Trong nghi lễ đâm trâu và cúng hồn lúa, già làng cùng đội cồng chiêng, đội múa đi vòng quanh cây nêu, ngược chiều kim đồng hồ để tiễn biệt trâu (khóc trâu). Sau đó là lễ cúng hồn lúa. Thường sau tất cả lễ hội, người Cơ Tu không phân biệt gái trai, giàu nghèo, chủ hay khách... cùng nhau quây quần uống rượu cần, thưởng thức các món ăn truyền thống mà họ tự chế biến và nhảy múa tung tung, da dá trên nền nhạc cồng chiêng, trống và các loại nhạc cụ khác. Cuộc vui có thể kéo dài đến tận khuya rồi họ cùng chia tay ra về để chuẩn bị một ngày mới trên nương rẫy của mình và hẹn gặp lại mùa lễ hội năm sau.

Cây nêu, bàn lễ là một biểu tượng trung tâm của các hoạt động văn hóa cộng đồng của người Cơ Tu. Xét về phương diện tinh thần, đây là “chiếc cầu nối" giữa thế giới con người và thế giới thần linh thông qua các nghi lễ cầu cúng - hiến tế. Còn về phương diện nghệ thuật, đây là một sản phẩm điêu khắc dân gian đã đạt đến đỉnh cao cả về nội dung cũng như hình thức.

Nguyễn Văn Sơn

    Nguồn: "Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ