A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Âm vang nhịp chiêng tre

15:49 | 24/05/2018

Từ xưa đến nay, cồng chiêng giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa của đồng bào Êđê. Bên cạnh bộ cồng chiêng được chế tác bằng đồng,...

...người Êđê còn có một loại chiêng được làm từ thân cây tre mà họ vẫn thường gọi là chiêng tre hay “ching kram”.

Từ những vật liệu sẵn có của núi rừng, người Êđê đã sáng tạo ra bộ chiêng tre độc đáo. Cây tre khi chặt về sẽ được đem phơi khô chừng 2 tháng, sau đó cắt thành từng ống có kích thước dài ngắn khác nhau tùy thuộc vào độ trầm, bổng của mỗi âm thanh mà nghệ nhân muốn tạo (thường độ dài sẽ dao động từ 30 cm đến 45 cm, đường kính từ 8 cm đến 10 cm). Các ống tre được bịt kín 1 đầu, giữ nguyên mắt, đầu còn lại gọt giũa để tạo âm thanh, đi theo mỗi ống tre là một thanh tre già, được gọt đẽo cẩn thận. Một bộ chiêng tre thường có 5, 7 hoặc 9 chiếc, cũng có khi lên tới 19 chiếc hợp lại thành một dàn chiêng. Khi diễn tấu, người đánh kẹp ống tre vào 2 đùi, đặt thanh tre già nằm ngang phía trên miệng ống, một đầu kê trên đùi, một đầu đỡ bằng lòng bàn tay trái. Tay phải cầm khúc cây làm dùi, gõ vào giữa thanh tre cho âm thanh cộng hưởng ống tre. Hầu hết những người đánh chiêng đồng giỏi đều biết đánh và biểu diễn thuần thục chiêng tre.

Một bộ chiêng tre thường có 5, 7 hoặc 9 chiếc, cũng có khi lên tới 19 chiếc hợp lại thành một dàn chiêng.

Trong dàn chiêng tre, mỗi chiêng có một âm sắc khác nhau, khi tất cả cùng ngân lên thì tạo thành một giàn hợp xướng giống như chiêng đồng. Tuy vậy, nếu âm thanh của chiêng đồng trầm bổng, chậm rãi, ngân vang thì chiêng tre lại có phần mộc mạc, rền chắc và rộn ràng. Theo năm tháng, âm thanh của chiêng tre cũng bị biến đổi, bởi vậy cần có bàn tay của người chỉnh chiêng như đối với việc chỉnh cồng chiêng bằng đồng. Theo nghệ nhân Y Hiu Niê Kdăm (buôn M’duk, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột), để chỉnh chiêng tre đòi hỏi người nghệ nhân phải có một đôi tai thẩm âm thật tốt và một đôi bàn tay khéo léo. Tùy theo độ lệch của âm mà nghệ nhân sẽ cắt ngắn ống hay gọt bớt miệng ống đi để  điều chỉnh âm thanh trở nên cao hơn hoặc thấp hơn, lúc đó những chiếc chiêng tre lạc nhịp sẽ trở nên đồng bộ với âm thanh của cả dàn chiêng.

Tại Ngày hội Văn hóa – Thể thao đồng bào các dân tộc thiểu số vừa diễn ra vào hồi tháng 3 tại TP. Buôn Ma Thuột, rất đông du khách đã bị cuốn hút khi thanh âm của chiêng tre được ngân vang qua đôi bàn tay khéo léo, tài tình của các “đội chiêng nhí”. Ông Y Siu Bya (Trưởng buôn M’duk, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) tâm sự, mặc dù hằng ngày vẫn được nghe các cháu nhỏ trong đội chiêng trẻ của buôn M’duk tập chiêng tre, thế nhưng khi nghe thứ âm thanh gần gũi, linh thiêng của người Êđê được vang lên tại ngày hội, ông vẫn không kìm được cảm xúc, có một điều gì đó rất đỗi tự hào.

Diễn tấu chiêng tre của đội chiêng trẻ buôn M'Duk, phường Ea Tam.

Có thể nói, chiêng tre là món quà mà núi rừng Tây Nguyên đã ban tặng cho đồng bào các dân tộc tại chỗ nơi đây. Với đồng bào Êđê,  nhịp điệu vui tươi rộn ràng của tiếng ching kram không chỉ đơn thuần để thư giãn, giải trí sau những giờ lao động mệt mỏi, mà đó còn là âm thanh kỳ diệu, linh thiêng kết nối tâm hồn của con người với thần linh. Âm thanh của chiêng tre tuy gần gũi, mộc mạc nhưng lại khiến người ta dễ bị mê hoặc, muốn đắm mình vào những giai điệu của nứa tre, để quên đi những bộn bề của cuộc sống.

Diệu Huyền

    Nguồn: "Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ