A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Rằm tháng 7 - Tết quan trọng nhất của người Tày - Nùng

16:03 | 27/08/2018

Trong văn hóa của người Tày – Nùng, “Rằm tháng 7” là một trong 3 dịp lễ tết rất quan trọng, thậm chí với nhiều người nó còn quan trọng hơn cả dịp Tết Nguyên đán và Tết 3/3.

Con cháu tập trung làm cỗ

Gọi là dịp lễ tết vì ngay từ ngày 10 âm lịch thì nhiều gia đình đã tổ chức ăn uống linh đình đến hết ngày 15/7 âm lịch.

  Dịp này tất cả những người công tác hay sinh sống ở xa có điều kiện sẽ đều trở về quê hương để ăn lễ. Vợ chồng anh Ma Ngọc Quang quê ở Bắc Kạn, hiện đang làm công nhân ở Phổ Yên, Thái Nguyên. Làm việc ở xa, mỗi năm 2 vợ chồng về nhà chỉ được vài lần., nhưng dịp lễ rằm tháng 7 thì không thể không về. Năm nào cũng vậy, cứ ngày 12 hoặc 13 âm lịch là cả nhà lại lỉnh kỉnh chuẩn bị đồ đạc, đặc biệt là không thể thiếu một đôi vịt để cả nhà về quê vợ ở huyện vùng cao Ba Bể, Bắc Kạn. Đây là tục lệ của người Tày – Nùng gọi là “Pây tái” (theo tiếng Tày), hay còn gọi là tục thăm và tặng quà cho bố mẹ vợ. Anh Quang cho biết với bản thân mình hay bất cứ người đàn ông nào khác, hoặc người đã lấy vợ là người Tày – Nùng đều cho rằng đây là dịp lễ các anh phải thực hiện đầy đủ, chu đáo.

 Để tìm hiểu rõ hơn vì sao “Rằm tháng 7” là dịp lễ tết rất quan trọng với người Tày – Nùng, phóng viên đến gặp Nhà nghiên cứu văn hóa Văn Lợi – người có nhiều năm nghiên cứu về phong tục, tập quán của người dân tộc vùng cao, trong đo có người Tày – Nùng. Ông cho biết lễ vu lan là một dịp lễ truyền thống lâu đời của người Việt nói chung. Nhưng với riêng người Tày – Nùng thì nó đặc biệt quan trọng bởi theo quan niệm của họ thì đây là dịp để con cái báo hiếu với bố mẹ, với tổ tiên, với những người đã mất. Nhất là tục lệ “Pây tái” là không thể thiếu, để con rể thể hiện lòng tôn kính, lòng biết ơn công sức sinh thành, nuôi dạy người con gái của bố mẹ vợ giờ là vợ của mình. Dịp lễ cũng là dịp, là cơ hội để thắt chặt tình cảm giữa những người trong gia đình, trong dòng tộc, họ hàng và tình đoàn kết giữa mọi người với nhau.

Tục “Pây tái” là dịp con rể, con gái báo hiếu và thể hiện tình cảm với bố mẹ vợ. (Ảnh ST)

Thịt vịt là món ăn chủ đạo trong dịp lễ tết Rằm tháng 7

Còn tại sao dịp lễ này người Tày – Nùng không thể thiếu món ăn từ thịt vịt, rồi lễ là một đôi vịt đã được Nhà nghiên cứu Văn Lợi giải thích rất chi tiết. Từ ngàn xưa văn hóa người Việt là văn hóa lúa nước, tháng 7 âm lịch chính là thời gian người dân thu hoạch xong mùa vụ như là: lúa, ngô, đậu tương và nhiều loại lương thực hoa quả khác. Con vịt cũng vậy, từ khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4 âm lịch khi thời tiết ấm lên thì người dân bắt đầu nuôi gà, vịt và các loại gia cầm khác. Đến tháng 7 âm lịch, chỉ có vịt mới trưởng thành, tức chéo cánh là thời điểm thịt vịt ăn ngon nhất. Vì vậy từ ngàn xưa vịt trở thành món ăn truyền thống, thành con vật làm lễ của người dân. Trong đó người Tày – Nùng vẫn luôn duy trì đến ngày hôm nay.

Tất cả những điều đó đã giải thích tại sao rằm tháng 7 trở thành dịp lễ quan trọng nhất của người dân tộc Tày – Nùng, một nét đẹp văn hóa truyền thống đáng quý đang được cộng đồng 2 dân tộc này giữ gìn và phát huy.

Qua đây cũng giải thích vì sao con vật quan trọng nhất trong vật phẩm lễ và món ăn không phải là gà hay lợn như thông thường mà lại là con vịt. “Pây tái” giờ đã trở thành văn hóa, bản sắc với không chỉ với người dân tộc Tày – Nùng mà còn là ngày tết chung của nhân dân các tỉnh vùng cao như Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, và Hà Giang.

TOÁN NGUYỄN

    Nguồn: nongnghiep.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ