A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nỏ - biểu tượng sức mạnh của người Ja Rai

15:01 | 30/12/2018

Bao đời nay, cây nỏ luôn hiện hữu trong đời sống các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung và người Ja Rai nói riêng. Khi xưa, nỏ là vũ khí xua đuổi thú dữ, công cụ săn bắt chim thú. Ngày nay, nỏ trở thành môn thể thao truyền thống…

Tìm về xã Ea Rốk (huyện Ea Súp) – nơi có nhiều nỏ thủ tài ba trong đội tuyển bắn nỏ của tỉnh, chúng tôi được ông Y Sum Êban (SN 1962, buôn Thal) kể nhiều câu chuyện lý thú xung quanh chiếc nỏ. Ngồi bên ngôi nhà dài truyền thống, ông Y Sum kể: Ngày trước nơi đây toàn là rừng. Đêm đêm, thú dữ như hổ, báo, voi rừng… hay về buôn làng quấy phá, dân làng phải dùng nỏ bắn xua đuổi. Ban ngày, người dân lại mang nỏ vào rừng săn nai, heo, nhím, chồn… về làm thức ăn. Ngay từ nhỏ, ông đã được dạy cách làm nỏ, bắn nỏ thuần thục.

Ông Y Sum chia sẻ bí quyết “bắn đâu trúng đó”: Người bắn nỏ phải có con mắt tinh anh, bình tĩnh, đôi tay khỏe, chân không run để làm chủ được cái nỏ. Khi kéo dây nỏ, phải kéo từ từ để cánh cung cân bằng. Đặt nỏ phải nhẹ nhàng và bắn tên theo nguyên tắc “súng ăn lên, tên ăn xuống” thì kết quả mới cao.

Nỏ của người Ja Rai làm bằng gỗ, hình cánh cung, có dây căng ngang. Cánh nỏ được chuốt nhỏ dần về hai đầu, mỗi đầu đều có mấu để cột dây. Phần đầu cán nỏ có khoét lỗ để ráp cánh nỏ vào. Trên cán có khoét một rãnh nhỏ để đặt mũi tên. Cánh nỏ dài từ 0,6-1,2 m, tùy thuộc vào sức khỏe, độ tuổi của người dùng. Phần lợi hại nhất của nỏ là mũi tên. Tên được làm từ cây lồ ô, có chiều dài 40-50 cm. Thân tên nhỏ bằng đầu chiếc đũa, đuôi có cánh bằng lá để giữ cho tên thăng bằng, bay đi đúng hướng. Sau này, đầu mũi tên được bọc thêm đồng, hoặc sắt nhọn để gia tăng độ sát thương. Theo ông Y Sum, người Ja Rai còn biết điều chế thuốc độc từ mủ, nhựa ở vỏ, lá, rễ của một số loại cây rừng và mủ con nhện nước để tẩm vào đầu mũi tên. Chỉ cần một vết xước nhỏ cũng đủ khiến con mồi ngã gục. Thuốc độc chỉ làm cho con thú mau chết, còn người ăn thịt nó không bị gì. Nỏ được coi là vũ khí lợi hại bất ly thân của người Ja Rai.

Ông Y Sum luyện bắn nỏ

Là thợ săn có tiếng trong buôn, ông Y Sum không nhớ mình săn được bao nhiêu con chim, con thú, chỉ biết rằng chính chiến tích săn bắn đã giúp ông có được người vợ xinh đẹp. Bởi ngày trước, người nào trong buôn bắn nỏ giỏi sẽ được dân làng coi trọng, kính nể, thanh niên chưa vợ sẽ được nhiều cô gái để ý, bắt về làm chồng.

Về sau, việc săn bắn bị hạn chế, ông Y Sum vẫn không buông nỏ mà duy trì luyện tập, rồi trở thành vận động viên bắn nỏ kỳ cựu của tỉnh. Ông nhớ lại: Năm 2005, ông đưa con gái đi thi bắn nỏ tại Đại hội Thể dục - Thể thao tỉnh thì đội tuyển Ea Súp bị thiếu một thành viên nam nên ông thế chân vào và bất ngờ giành được Huy chương Bạc. Kể từ đó, ông tiếp tục góp mặt tại các kỳ đại hội thể dục thể thao, ngày hội đại đoàn kết các dân tộc từ cấp tỉnh đến Quốc gia. Hơn 13 năm qua, ông giành được khoảng 40 huy chương các loại. Ông Y Sum còn truyền lửa đam mê bắn nỏ cho các con của mình và những đứa trẻ trong buôn. Trong số 6 người con của ông thì có tới 5 người đều là cây nỏ cừ khôi của huyện, tỉnh.

Huỳnh Thủy

    nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ