A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Du lịch cà phê: Bao giờ trở thành "đặc sản" ? (Kỳ 1)

08:00 | 31/12/2018

Đưa tour du lịch trải nghiệm với cà phê vào phục vụ du khách đến Đắk Lắk đã được các đơn vị làm du lịch ở đây theo đuổi từ những năm 2008, nhưng đến nay vẫn chưa hình thành rõ nét và chưa được du khách thường xuyên lựa chọn.

Kỳ 1: Khi cà phê làm du lịch

Từ năm 2007, khi Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ nhất mở ra, du khách bắt đầu hào hứng với các hoạt động có liên quan đến cà phê, trong đó có nhu cầu tìm hiểu, trải nghiệm với đặc sản này trên vùng đất được mệnh danh là “Thủ phủ cà phê” của Việt Nam.

Ông Lê Hoàng Cơ, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch - Thương mại Dam San chia sẻ: Nắm bắt nhu cầu ấy, Dam San là đơn vị tiên phong tổ chức tour du lịch trên và lập tức thu hút sự chú ý của du khách trong nước cũng như quốc tế. Vào những năm 2008 - 2015, sản phẩm du lịch trải nghiệm với  cà phê của Dam San được du khách tìm đến đặt tour ngày càng nhiều. Một số vùng cà phê trọng điểm trên địa bàn Đắk Lắk như các Nông trường Cà phê Thắng Lợi (huyện Krông Pắc), Ea Tul (huyện Cư M’gar), Việt Đức (huyện Cư Kuin)… là những địa chỉ mà Dam San liên kết để đưa du khách đến tham quan. Ở đó, hầu hết du khách tỏ ra hài lòng vì sự mới mẻ và khác biệt từ sản phẩm du lịch này mang lại. Chỉ cần một ngày trải nghiệm, mọi người được sống và cảm nhận trọn vẹn hết “đời sống cà phê” - từ bón phân, cắt cỏ, tỉa cành… đến thu hái, chế biến và thưởng thức.

Vườn cà phê sinh thái ở Khu Du lịch Văn hóa - Sinh thái cộng đồng Kô Tam (TP. Buôn Ma Thuột) là địa chỉ hấp dẫn du khách

Sau đó, một số đơn vị làm du lịch, hãng lữ hành ở Đắk Lắk và các tỉnh, thành phố trong cả nước như Công ty Cổ phần Du lịch Đắk Lắk, Công ty Cổ phần Du lịch Cộng đồng Kô Tam, Công ty TNHH Du lịch Vạn Phát, Đặng Lê, Cao Nguyên, Ngày Mới, Vietravel… cũng tham gia thực hiện và mở rộng tour trải nghiệm với cà phê đến đông đảo mọi người, nhất là khách quốc tế. Những doanh nghiệp này cho đây là hướng đi mới, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch ở địa phương - và hơn thế là tạo công ăn, việc làm cho hàng trăm nông hộ sản xuất cà phê trên địa bàn, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển, thúc đẩy chuỗi giá trị gia tăng kinh tế cho mặt hàng chiến lược này.

Điều đó thể hiện rất rõ trong đời sống của người làm cà phê một khi họ hợp tác và liên kết với doanh nghiệp để làm du lịch trên địa bàn Đắk Lắk. Anh Võ Hữu Định (khối 9, phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, vào thời điểm  năm 2011-2013, giá cà phê có xu hướng giảm khiến người sản xuất gặp không ít khó khăn. Vì thế, khi được các đơn vị làm du lịch đặt vấn đề hợp tác, liên kết thì nhiều gia đình đồng ý thử sức trong lĩnh vực khá mới mẻ này, bởi họ nghĩ đây là cách thoát khỏi tình trạng độc canh và phụ thuộc vào cây cà phê để vượt qua khó khăn, cải thiện đời sống trước mắt. 

 

“Người sản xuất cà phê tham gia làm du lịch đã có hơn 10 năm nay, nhưng không phát triển và mang lại hiệu quả như mong muốn là do đời sống của người dân gắn bó với loại cây trồng này quá bấp bênh, vẫn còn chịu sự tác động bất lợi từ thị trường, nhận thức sinh kế và cả chính sách quy hoạch, phát triển cà phê”.

 
 
Anh Võ Hữu Định, người trồng cà phê ở khối 9, phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột

Khi liên kết với Dam San, gia đình anh Định sửa sang lại ngôi nhà cho tươm tất, sắm sanh một vài tiện nghi sinh hoạt để phục vụ du khách. Và vườn cây cà phê hơn 1,3 ha của gia đình trở thành điểm đến trải nghiệm thú vị cho “thượng đế” bơm tưới, cắt cành, hái quả, rang xay và pha uống cà phê tùy thích. Đổi lại, anh Định được phía doanh nghiệp trả khoản tiền dựa trên số lượng du khách tham gia (khoảng 100 – 120 nghìn đồng/khách). Theo anh Định, một tháng chỉ cần đón 4 - 5 đoàn là có thu nhập thêm 5 - 7 triệu đồng. Những hộ gia đình sẵn có trang trại heo, gà, rau quả… thì mở thêm dịch vụ ăn uống tại chỗ phục vụ du khách càng có thu nhập cao hơn.        

Có thể nói đây là mô hình du lịch cộng đồng - sinh thái nông nghiệp có tiềm năng, thế mạnh của Đắk Lắk. Nếu biết tổ chức, khai thác bài bản chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao và bền vững, không thua kém gì du lịch làng nghề ở các tỉnh, thành vùng đồng bằng Bắc Bộ hay đặc sản cây trái miệt vườn Nam Bộ. Đặc biệt là ở Hội An - Quảng Nam, mô hình du lịch này đang trở nên phổ biến và đã khá thành công trong gần một thập niên qua nhờ sự tham gia, đồng hành của cộng đồng cư dân tại chỗ. Trong hành trình ấy, theo ông Trần Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng Cục Du lịch), vấn đề quan trọng nhất là phải xây dựng được mối hợp tác, liên kết bền chặt và có trách nhiệm giữa các bên: Nhà nước - doanh nghiệp - nông dân. Mối dây này phải được nhìn nhận, vận hành xuyên suốt và khoa học trong hành lang pháp lý về đầu tư, kích cầu lẫn tìm kiếm, phát triển thị trường và phân bổ lợi nhuận từ ngành “công nghiệp không khói” này.

Đại sứ Thụy Sĩ Beatrice Maser Mallor thăm vườn cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn 4C tại huyện Cư Kuin

Tiếc là ở Đắk Lắk, loại hình du lịch trải nghiệm với cà phê, đến nay vẫn chưa đi vào quỹ đạo trên nên đã xảy ra tình trạng tự phát, mạnh ai nấy làm - và một khi mối dây liên kết ấy trở nên lỏng lẻo, không thường xuyên thì dẫn đến đổ vỡ và phá sản là điều khó tránh khỏi.

  (Còn nữa)

  Phương Đình

 

    nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ