A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Di tích khảo cổ học Krông Nô: Góp phần sáng tỏ diễn trình lịch sử văn hóa của cư dân tiền sử trên đất Đắk Nông

10:09 | 15/03/2019

Tính tới năm 2016, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện trong khu vực Công viên Địa chất Núi lửa Krông Nô có tới 12 di chỉ khảo cổ, hầu hết phân bố trên các gò đồi,...

....hầu hết phân bố trên các gò đồi, nương rẫy hoặc ven sông suối nhưng chưa hề được phát hiện trong các hang động núi lửa.

Kết quả khai quật và nghiên cứu 12 di chỉ khảo cổ nêu trên được chứng minh là dấu tích văn hóa của cư dân tiền sử Thời đại Đá mới và Sơ kỳ Kim khí, có tuổi từ 6.000 đến 3.000 năm cách ngày nay.

Hang C6.1 tại khu vực hang động núi lửa Krông Nô được xác định có dấu tích người xưa cư trú lâu dài, tầng văn hóa dày (1,85m), phản ánh nhiều giai đoạn văn hóa khác nhau. Ảnh tư liệu

Sau đó, vào tháng 1/2017, đoàn khảo sát thực địa do Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì tiến hành khảo sát các hang động núi lửa ở khu vực Krông Nô đã phát hiện tại đây các di tích và di vật khảo cổ với mật độ khá dày đặc. Các di vật khảo cổ được phát hiện khá đa dạng gồm: Công cụ đá, mảnh tước, phiến tước; hòn ghè, hòn kê, chày nghiền, mảnh gốm, xương động vật... Kết quả này minh chứng cho vết tích cư trú, chế tác công cụ của người thời tiền sử trong các hang động núi lửa Krông Nô.

Hơn một năm sau, từ ngày 11/3/2018, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam đã tiến hành khai quật khảo cổ trong hang động núi lửa trên địa phận xã Nam Đà (Krông Nô). Tại hố khai quật, các nhà khoa học đã phát hiện ra 3 di cốt người, trong đó có một bộ xương người được chôn cất theo tư thế gập chân bó gối còn tương đối nguyên vẹn, một hộp sọ người lớn và một cái răng của người chưa trưởng thành… Trong hố khai quật, còn có các dấu tích phân khu nhà ở, khu mộ táng cùng nhiều di vật khảo cổ đã được phát hiện với mật độ khá dày đặc và đa dạng như vỏ ốc biển, một số di vật bằng đá, gốm, xương thú, răng hàm động vật đang hóa thạch, vỏ nhuyễn thể và cả mũi tên bằng đồng…

Những hang động nói trên đồng thời cũng là nơi mà các nhà khoa học đã phát hiện và thu được nhiều hiện vật khảo cổ hơn cả. Việc phát hiện ra các công cụ lao động (đồ đá), dụng cụ dùng sinh hoạt (đồ gốm) và xương động vật (còn lại sau khi lấy thịt thú rừng để ăn) trong các hang động núi lửa cũng là một bằng chứng nữa, chứng tỏ nơi đây là mái nhà thiên nhiên, là nơi cư trú của người tiền sử thời “ăn lông ở lỗ”... Những dấu tích văn hóa còn lại ở các hang động còn cho thấy sự đa dạng về tính chất cư trú, được người xưa lựa chọn vì các mục đích khác nhau. Có hang được người xưa cư trú lâu dài, có hang cư trú ngắn ngày hoặc cư trú theo mùa, có hang được sử dụng làm khu mộ táng, mộ kè đá…

Cư dân tiền sử ở đây đã chế tạo ra một số công cụ khá định hình rõ ràng như chiếc rìu hình bầu dục hoặc gần hình chữ nhật, những công cụ hình gần tròn, những công cụ mảnh tước, phiến tước; những hòn ghè, hòn kê, chày nghiền... Đây là những công cụ có thể sử dụng vào việc chặt cây, phát rừng, xẻ thịt thú rừng, cắt thái các loài thảo mộc, chế biến thực phẩm hoặc gia công tre gỗ làm công cụ và vũ khí săn bắt... So với đồ đá, đồ gốm phát hiện trong hang còn ít. Đó là gốm đất nung, làm từ đất sét pha cát, hạt nhỏ, nặn tay, loại hình đơn giản, chủ yếu là nồi và đồ đựng, xương gốm mỏng, một số có lớp áo phủ, một số trang trí văn đập, văn in ô vuông, văn khắc vạch, in chấm… Đồ gốm ở đây được làm tại chỗ với kỹ thuật cao, được sử dụng làm đồ đun nấu, đựng nước, thực phẩm, thức ăn...  

Cư dân ở hang động vùng Krông Nô chưa có dấu hiệu của phương thức sản xuất trồng trọt và chăn nuôi, mà chủ yếu là săn bắt, hái lượm. Ở giai đoạn sớm, con người nơi đây đã săn bắt được một số loài động vật nhỏ, một ít động vật lớn như hươu, nai, lợn, đồng thời đánh bắt cá và thu lượm các loài nhuyễn thể như ốc, hến, trai, trùng trục trong các sông suối, đầm lầy. Sang giai đoạn muộn, săn bắt động vật và thu lượm các loài nhuyễn thể như giai đoạn trước, song kích thước của chúng nhỏ hơn, số lượng loài không phong phú bằng giai đoạn sớm. Những vỏ ốc, và nhuyễn thể phát hiện được khá nhiều tại các hố khai quật trong hang động núi lửa đã chứng minh phương thức săn bắt, hái lượm của người tiền sử bấy giờ.

Những phát hiện khảo cổ học nói trên sẽ được bổ sung một loại hình cư trú mới, một hướng thích ứng mới của cư dân tiền sử ở vùng đất đỏ basalt Tây Nguyên từ 3.000 đến 7.000 năm về trước. Từ đó sẽ mở ra một hướng nghiên cứu mới về khảo cổ học hang động núi lửa ở Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những phát hiện ban đầu, các nhà địa chất và các nhà khảo cổ học sẽ tiếp tục tìm kiếm, phát hiện và nghiên cứu chuyên sâu có hệ thống các di tích này, góp phần nghiên cứu diễn trình lịch sử văn hóa các cộng đồng cư dân trên đất Đắk Nông nói riêng và Tây Nguyên nói chung, đồng thời bổ sung một giá trị nổi bật về văn hóa lịch sử cư dân tiền sử trong khu vực hang động núi lửa Krông Nô.

 

Điều đáng nói là, việc phát hiện ra bộ xương người là tín hiệu rất đặc biệt, khẳng định sự có mặt của cư dân tiền sử khu vực Krông Nô từ thời đại đá mới đến sơ kỳ kim khí với niên đại từ 6.000 đến 3.000 năm cách ngày nay. Cư dân tiền sử đã chọn lựa một số hang động núi lửa basalte để cư trú như “ngôi nhà” thiên nhiên lý tưởng của mình. Những hang động phát hiện ra các di vật khảo cổ có diện tích nền hang khá rộng và tương đối bằng phẳng, thông thoáng, đường lên xuống các hang dễ dàng, cửa hang quay về hướng đông, đông nam hoặc chính nam là nơi có nhiều ánh sáng, ra vào dễ dàng và ở gần nguồn nước... Đây là những hang động rất tiện lợi để làm nơi ở, sinh hoạt và chế tác đồ đá, đồ gốm của cư dân tiền sử thời hoang dã.


Vũ Hà

    "Trang thông tin điện tử tổng hợp Báo Đắk Nông"

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ