A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Hành trình chinh phục danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu

09:42 | 28/03/2019

Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu là một danh hiệu cao quý do UNESCO công nhận với những bộ tiêu chí khắt khe về cảnh quan môi trường, văn hóa và tiềm năng phát triển du lịch…

 Nếu chinh phục được danh hiệu này, tỉnh Đắk Nông sẽ có cơ hội rất lớn trong việc phát triển kinh tế-xã hội, vừa bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đồng thời sẽ xây dựng, phát triển và phát huy hiệu quả các tiềm năng thế mạnh của tỉnh trong lĩnh vực du lịch.

Tham quan tại buôn truyền thống của người Ê đê

Mảnh đất giàu tiềm năng

Với diện tích đề cử hơn  2.000 km2, CVĐC Đắk Nông trải dài qua 6 huyện, thị xã gồm Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và Gia Nghĩa. Đây là vùng đất có sự đa dạng về di sản địa chất, đa dạng sinh học, đa dạng xã hội và hội tụ những tiêu chí của một CVĐC toàn cầu. Điểm nổi bật nhất trong CVĐC Đắk Nông là hệ thống hang động trong đá bazan, phân bố ở khu vực Đray Sáp-Chư R’lúh được phát hiện từ năm 2007 và được Hiệp hội Hang động núi lửa Nhật Bản xác lập kỷ lục Đông Nam Á về cả quy mô, độ dài cũng như tính độc đáo. Trong các hang động còn ẩn chứa nhiều bí mật về sự thành tạo, các tổ hợp khoáng vật, da dạng sinh học và di chỉ khảo cổ. Đặc biệt, trong các hang động núi lửa ở khu vực huyện Krông Nô, các nhà khoa học đã phát hiện các dấu tích cư trú của các bộ lạc thời tiền sử cách đây khoảng 6.000-7.000 năm.

Bên cạnh đó, CVĐC Đắk Nông còn đa dạng và phong phú các mỏ, quặng, điểm khoáng sản bauxit, antimon, thiếc sa khoáng, puzơlan, đá bán quý opal - chalcedon kích thước lớn… Ngoài ra, khu vực này còn có bề dày văn hóa lịch sử với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như cồng chiêng Tây Nguyên, Ót N’drong, cùng hệ thống các di tích, danh thắng cấp quốc gia, cấp tỉnh… Khu Bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung, Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng, Rừng đặc dụng - cảnh quan Đray Sáp và một phần phía Nam Vườn Quốc gia Yôk Đôn (Đắk Lắk) là nơi lưu giữ các giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học của khu vực CVĐC Đắk Nông.

Với những tiềm năng sẵn có, CVĐC Đắk Nông có thể khai thác một số sản phẩm du lịch văn hóa bao gồm các sản phẩm gắn với di sản văn hóa, lễ hội, làng nghề, ẩm thực, tìm hiểu cuộc sống cộng đồng; du lịch sinh thái bao gồm du lịch mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái nông nghiệp; du lịch địa chất gắn với hệ thống hang động núi lửa…

Các chuyên gia UNESCO đánh giá cao các giá trị di sản của CVĐC Đắk Nông

Tiến tới danh hiệu CVĐC toàn cầu

Ngay sau khi hệ thống hang động núi lửa được phát hiện, UBND tỉnh Đắk Nông cũng đã mời các chuyên gia của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam thực hiện Đề tài “Nghiên cứu, điều tra, đánh giá di sản địa chất, xây dựng Công viên địa chất khu vực núi lửa Krông Nô của tỉnh Đắk Nông”. Đồng thời, Ban Quản lý CVĐC tỉnh Đắk Nông đã được kiện toàn và đi vào hoạt động với chức năng, nhiệm vụ cụ thể. Trên cơ sở cứ liệu khoa học, tỉnh Đắk Nông cũng đã cử nhiều đoàn công tác đi tham dự Hội nghị về mạng lưới CVĐC Châu Á Thái Bình Dương lần thứ 4 tại Nhật Bản; tham dự Hội nghị Quốc tế lần thứ 7 về Công viên địa chất toàn cầu UNESCO tại Vương quốc Anh với mục đích giới thiệu, tuyên truyền quảng bá về CVĐC Đắk Nông, kêu gọi sự ủng hộ của UNESCO, Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (GGN), các chuyên gia CVĐC quốc tế ủng hộ tỉnh Đắk Nông trong lộ trình xây dựng CVĐC Đắk Nông.

Ngày 17/11/2017, Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU về việc xây dựng CVĐC khu vực Krông Nô thành CVĐC toàn cầu. Trong đó, Chỉ thị đề ra nhiệm vụ cụ thể cần làm trước mắt đối với các cấp ủy đảng, chính quyền cũng như các tổ chức chính trị xã hội của tỉnh cùng vào cuộc. Riêng UBND tỉnh Đắk Nông đã có văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị bổ sung CVĐC Đắk Nông vào danh mục khu du lịch quốc gia, trong định hướng phát triển khu du lịch quốc gia của vùng Tây Nguyên.

Hang C3- nơi phát hiện di cốt người tiền sử

Bà Lê Thị Hồng An, Phó Giám đốc chuyên trách Ban Quản lý CVĐC Đắk Nông cho biết: “Hành trình chinh phục danh hiệu CVĐC toàn cầu là chặng đường hết sức khó khăn và nan giải. Bởi các tiêu chí mà UNESCO đưa ra hết sức chặt chẽ và Đắk Nông cũng phải tự mình thực hiện các tiêu chí đó. Việc xây dựng thành công danh hiệu CVĐC toàn cầu là một hướng đi đúng đắn, để Đắk Nông có thể khai thác lợi thế của di sản; đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương một cách bền vững. Hiện tại, tỉnh đang tập trung chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, huyện, các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ để phục vụ cho việc thẩm định chính thức của chuyên gia UNESCO vào tháng 7/2019".

Hình thành 3 tuyến du lịch CVĐC

Được sự hỗ trợ, tư vấn của các chuyên gia UNESCO, Đắk Nông đã xây dựng được 3 tuyến du lịch CVĐC. Trong đó, Tuyến 1: “Trường ca của nước và lửa” bắt đầu từ thị xã Gia Nghĩa - Quảng Sơn - Krông Nô gồm có 14 điểm du lịch; Tuyến 2: “Bản giao hưởng của sự đổi thay” bắt đầu từ cầu Sêrêpốk của huyện Cư Jút đến thị xã Gia Nghĩa gồm 16 điểm du lịch; Tuyến 3: “Âm vang từ Trái đất” bắt đầu từ thị xã Gia Nghĩa đi Tà Đùng (Đắk Glong) gồm 14 điểm du lịch.

Bài, ảnh: Mỹ Hằng

 

    nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ