A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Kỳ công chế tác cồng chiêng Tây Nguyên

14:16 | 08/04/2019

Đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên như Êđê, M’nông, Ja Rai… sở hữu, sử dụng nhiều cồng chiêng, song việc chế tác lại là nghệ nhân ở làng nghề đúc đồng ở miền xuôi.

Quy trình tạo nên một chiếc chiêng, chiếc cồng rất kỳ công, tốn thời gian, đòi hỏi người thợ có tay nghề cao.

Trong dịp Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019, người dân Tây Nguyên được tận mắt chứng kiến quy trình đúc, gia công, hoàn thiện bộ chiêng Knah của đồng bào Êđê do các nghệ nhân đúc đồng làng Phước Kiều (Quảng Nam) thực hiện. Vừa làm đất, tạo khuôn đúc, ông Nguyễn Hữu Cảnh - người có hơn 30 năm làm thợ đúc đồng cho biết, quy trình chế tác cồng chiêng trải qua nhiều công đoạn từ tạo khuôn, nấu, rót đồng, làm nguội, gia công đánh bóng, tìm âm, chỉnh âm… Tất cả đều làm thủ công, tốn nhiều thời gian, đòi hỏi người thợ có tay nghề cao. Đúc một bộ cồng chiêng, người thợ phải chuẩn bị khuôn gần cả tháng; rồi tiến hành nấu - rót đồng, dỡ khuôn và gia công. Để sản phẩm không bị “khuyết tật” người thợ cần tính toán kỹ tỷ lệ pha trộn hợp kim ngay từ đầu. Thời gian đúc ra một chiếc chiêng, chiếc cồng hoàn chỉnh mất từ 4-5 ngày; sau đó đến công đoạn làm nguội, gia công sản phẩm. Đúc thủ công, bề mặt cồng chiêng không được phẳng tuyệt đối, người thợ dùng máy chuyên dụng bào gọt cho sắc đẹp. Công đoạn cuối cùng là tìm âm thanh cho cồng chiêng. Việc này rất quan trọng, chỉ những thợ có kinh nghiệm, yêu cồng chiêng mới đảm nhận được.

Nghệ nhân Dương Ngọc Tiển thẩm âm cồng chiêng

Ông Dương Ngọc Tiển, bậc thầy thẩm âm cồng chiêng ở làng Phước Kiều cho hay, bí quyết tạo ra bộ cồng chiêng đạt chuẩn về hình thức, âm thanh nằm ở khâu làm khuôn và cách pha chế hợp kim đồng. Tùy vào từng sản phẩm, người thợ có cách pha hợp kim, làm khuôn, thậm chí cách nấu đồng khác nhau. Muốn âm thanh cao, dài thì cấu tạo hợp kim phải cứng và bền, để khi có ngoại lực tác động nó sẽ tạo ra âm thanh to và kéo dài. Muốn chỉnh âm thanh cồng chiêng, người thợ phải biết cách đánh để cảm nhận được âm, độ vang… Nếu âm thanh chưa đạt, người thợ dùng búa gõ vào mặt cồng chiêng để “cải mặt” cho đến khi chuẩn mới thôi. Công việc thẩm âm phụ thuộc nhiều vào cảm xúc. Lúc cao hứng, ông Tiển chỉ mất vài giờ nhưng có khi mất cả ngày mới tìm được “hồn” cồng chiêng.

Rót hợp kim đồng vào khuôn.

Theo ông Tiển, tìm âm thanh cho một đơn vị chiêng thì dễ, còn cho cả dàn chiêng rất khó. Bởi đồng bào dân tộc thiểu số chơi nhạc theo cách thuần tự nhiên như theo tiếng chim hót, tiếng nước chảy... Vậy nên âm thanh cồng chiêng không theo quy tắc hợp âm (Đồ-rê-mi-fa-son-la) hay bình quân luật (chiêng đầu đánh xa 200 mét, chiêng thứ hai đánh được 300 mét, khi hai chiêng cùng đánh không phải vang 500 mét mà lên tới ngàn mét) mà theo kiểu “sóng nước” (tức âm sau đánh đẩy âm trước) tạo nên dàn hợp âm đồng đều, vang xa. Ông cũng cho biết thêm, cồng chiêng không phải là sản phẩm do làng đúc đồng sáng tạo ra mà chế tác theo sản phẩm mẫu do đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng Trường Sơn Tây Nguyên mang đến. Họ mua cồng chiêng từ các nước Miến Điện, Mã Lai thông qua con đường giao thương. Tuy nhiên do đường sá xa xôi, mỗi bộ cồng chiêng phải đổi bằng voi, trâu, bò… rất đắt đỏ nên các già làng Tây Nguyên mới mang sản phẩm mẫu đến làng đúc đồng nhờ chế tác. Với kinh nghiệm, tài năng, các nghệ nhân làng Phước Kiều đã “bắt” được hồn thiêng núi rừng để tạo ra bộ chiêng đúng chuẩn, khai phá nghề đúc cồng chiêng cho đồng bào Tây Nguyên.

Người chế tác - người sử dụng cồng chiêng ở hai vùng miền khác nhau đã có dịp hội ngộ tại thủ phủ cà phê. Từ đây, người dân Tây Nguyên có cơ hội biết quy trình chế tác, nguồn gốc tạo ra cồng chiêng; còn người thợ được hiểu hơn về văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên để có thêm kinh nghiệm thực tiễn chế tạo ra sản phẩm đúng tông, đúng nhịp với người sử dụng.

Huỳnh Thủy

    nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ