A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cư Huê phát huy tiềm năng du lịch văn hóa cộng đồng

16:48 | 20/02/2020

Phát huy truyền thống văn hóa của người dân tộc thiểu số tại địa phương, xã Cư Huê (huyện Ea Kar) đang tập trung khai thác, quảng bá hướng đến mục tiêu bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch cộng đồng.

Thực hiện Đề án phát triển du lịch huyện Ea Kar đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, xã Cư Huê đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch tại 6 buôn trung tâm, trong đó tập trung phát huy tiềm năng, lợi thế về du lịch văn hóa cộng đồng, huy động nguồn lực đầu tư, nâng cao chất lượng các dịch vụ, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực cho người dân địa phương như mở lớp dạy cồng chiêng, dệt thổ cẩm, khôi phục các bến nước… Qua đó nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc giữ gìn văn hóa truyền thống, góp phần đưa du lịch của xã thành ngành kinh tế quan trọng.

Cán bộ văn hóa xã Cư Huê tìm hiểu việc duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống của gia đình bà H'Nguôn Byă (buôn M'Oa).

Dẫu cuộc sống có nhiều đổi thay, phát triển với nhiều ngôi nhà xây mới khang trang, gia đình Amí Toàn ở buôn M’Oa (xã Cư Huê) vẫn giữ gìn căn nhà dài truyền thống được xây dựng từ năm 1987. Sau hơn 30 năm sử dụng, căn nhà ngày càng xuống cấp nhưng vợ chồng bà quyết tâm không phá bỏ mà vay mượn tiền sửa sang, phục dựng lại với tổng chi phí trên 480 triệu đồng.

Amí Toàn chia sẻ: “Dẫu có hiện đại đến đâu cũng không thể bỏ những nét đẹp văn hóa, phong tục truyền thống được. Ngôi nhà không chỉ là nơi sum họp của đại gia đình mà còn trở thành nơi sinh hoạt, học nghề dệt thổ cẩm của các chị em, nơi các nghệ nhân truyền từng nhịp chiêng, điệu múa cho thế hệ trẻ”.

Với tâm niệm phải bảo tồn và phát huy những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, Amí Toàn còn đứng ra vận động chị em, thanh thiếu niên tham gia các lớp dạy dệt thổ cẩm, dạy cồng chiêng và thành lập Tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn M’Oa với 25 thành viên là các nghệ nhân và người biết dệt của 6 buôn. Sản phẩm của các thành viên được tổ hợp tác thu gom, trưng bày tại nhà dài của gia đình Amí Toàn để bán cho du khách và người dân trên địa bàn.

Căn nhà dài truyền thống của gia đình bà Amí Toàn (bìa trái) trưng bày nhiều vật dụng của người Êđê phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách

Không chỉ gia đình Amí Toàn mà rất nhiều hộ khác tại 6 buôn của xã Cư Huê đã giữ gìn được ngôi nhà dài, bếp lửa truyền thống như gia đình bà H’Đát Niê, Amí Nui, H’Nguôn Byă (buôn M’Oa), bà Aduôn Tha (buôn Duôl Tai), bà H’Jet Niê (buôn Djă)… , đây cũng chính là những nghệ nhân, thế hệ đi trước sẵn sàng tham gia truyền nghề dệt thổ cẩm cho lớp trẻ.

 

"Việc bảo tồn văn hóa gắn với khai khác hợp lý tiềm năng, thế mạnh sẽ tạo động lực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và tạo một điểm đến thú vị cho du khách".

 
 
Nguyễn Văn Vinh, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Ea Kar

Bí thư Đảng ủy xã Cư Huê Phạm Duy Hùng cho biết, thực hiện Đề án phát triển du lịch của huyện cũng như kế hoạch của địa phương, đến nay, xã Cư Huê đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về công tác phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống; phối hợp tổ chức các lớp dạy cồng chiêng, dệt thổ cẩm; thành lập 2 đội cồng chiêng trẻ và 2 đội văn nghệ; vận động người dân không bán ché, lưu giữ nghề làm rượu cần tại 6 buôn; tổ chức hướng dẫn, truyền dạy chế tác các vật dụng phục vụ cho lễ hội; sưu tầm các đồ vật trong lao động sản xuất, săn bắn đưa về các nhà dài trưng bày, triển lãm; duy trì các lễ hội văn hóa truyền thống tiêu biểu như cồng chiêng, lễ cúng bến nước để phục vụ nhân dân địa phương và du khách.

Bên cạnh đó, xã cũng đã vận động, hỗ trợ nâng cấp 2 bến nước ở buôn M’Briu và M’Oa; xây dựng một số tuyến đường nội buôn; tổ chức các đoàn tham gia hội thi dệt thổ cẩm, giao lưu văn hóa văn nghệ do huyện, tỉnh tổ chức.

Theo Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Ea Kar Nguyễn Văn Vinh, tuy việc bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng ở xã Cư Huê mới chỉ là bước khởi động cho một hành trình dài hơi trong Đề án phát triển du lịch chung của huyện nhưng đã đem lại những tín hiệu lạc quan. Kết quả rõ nét nhất là sự thay đổi trong tư duy hoạch định, chỉ đạo, quản lý, điều hành của chính quyền địa phương và cách nghĩ, cách làm của chính bà con các buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống.

Nguyễn Xuân

Bài viết gốc: http://baodaklak.vn/channel/9803/202002/cu-hue-phat-huy-tiem-nang-du-lich-van-hoa-cong-dong-5670077/

    Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ