A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Người đam mê sưu tầm cổ vật

14:05 | 16/03/2020

Đam mê đồ cổ, từ năm 2009 đến nay, ông Nguyễn Ngọc Thành (công tác tại phường Tân Hòa, trú tại buôn Krông A, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) đều dành toàn bộ tiền lương của mình vào việc sưu tầm đồ cổ.

Hiện nay, ngôi nhà của ông sở hữu nhiều món đồ cổ vô giá. Lòng đam mê sưu tầm đồ cổ không chỉ giúp ông Thành tìm thấy niềm vui, ý nghĩa của cuộc sống mà còn góp phần giữ gìn, bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc.

Cơ duyên để ông Thành đến với đam mê đồ cổ cũng thật tình cờ. Trong một lần dọn dẹp nhà cửa ở Ninh Hòa sau khi bố vợ mất, ông tìm thấy 2 chiếc nồi đồng và qua tìm hiểu được biết những chiếc nồi này có trên 100 năm tuổi. Những món đồ cổ khiến ông tò mò, muốn tìm hiểu về lịch sử và thời đại xung quanh chúng, càng tìm hiểu lại càng say mê những nét văn hóa cổ xưa. Bộ sưu tập đồ cổ của ông Thành hiện có hơn 1.000 hiện vật; trong đó có nhiều món cổ vật quý hiếm có niên đại hàng trăm năm như: ché sờ lung của dân tộc Chăm có niên đại trên 800 năm, hay những hiện vật bằng gốm gò sành Bình Định có từ thế kỷ thứ 13…

Đặc biệt, chiếm số lượng khá lớn trong kho đồ cổ của ông Thành là những vật dụng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên như: 4 bộ chiêng của đồng bào Êđê và J’rai, với 40 chiếc chiêng, chiếc lớn nhất có đường kính lên đến 85 cm; chiếc trống được làm bằng da trâu với niên đại trên 100 năm; những món trang sức như còng tay, bông tai được làm bằng ngà voi…; các vật dụng mà người Tây Nguyên xưa dùng để săn bắt hái lượm như cây đâm trâu, cây điều khiển voi, rìu… đều có niên đại gần 200 năm… Có lẽ, để trưng bày hết những hiện vật về Tây Nguyên, hẳn ông sẽ có một bảo tàng nho nhỏ về văn hóa Tây Nguyên.

Đồ gốm sứ cổ do ông Thành sưu tầm.

Ngoài việc sưu tầm các món đồ cổ, ông Thành còn dành nhiều thời gian gặp gỡ với giới sưu tầm đồ cổ khắp mọi miền để nâng cao kiến thức. Nhờ vậy, vốn hiểu biết văn hóa, lịch sử của ông không ngừng được bổ sung. Theo ông Thành, ngoài sự am hiểu sâu sắc về đồ cổ, văn hóa của từng thời kỳ lịch sử, từng trường phái…, người sưu tầm đồ cổ thường có tình hoài cổ, tri ân với cổ vật và biết “nói chuyện” với những món đồ cổ đó để rồi từ đó người chơi khám phá ra những thông điệp thời gian được ấn ký trên những món đồ cổ.

Ông Thành tâm sự, có lần mua được món đồ cổ về cả đêm ông không ngủ mà chỉ nghĩ đến nó, rồi nửa đêm lại lấy món đồ ra ngắm nghía, lau chùi… Trong những cổ vật mà ông Thành sưu tầm được có những hiện vật có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng nhưng ông không bán mà nâng niu, cất giữ cẩn thận bởi ông quan niệm “quý vật tìm quý nhân”, không phải ai cũng gặp được những hiện vật cổ này, gặp và sở hữu được là cái duyên.

Gia tài đồ cổ với hơn 1.000 món của ông Thành được nhiều người trong giới chuyên môn đánh giá cao. Những người chơi đồ cổ cũng thường xuyên ghé nhà ông để giao lưu, học hỏi. Điều ông Thành ao ước là có một nơi trưng bày các món đồ cổ để nhiều người đến chiêm ngưỡng, tham quan, tìm hiểu về văn hóa lịch sử.

Quỳnh Mai

Bài viết gốc: http://baodaklak.vn/channel/9803/202003/nguoi-dam-me-suu-tam-co-vat-5673364/

    Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ