A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Lưu giữ nét riêng văn hóa truyền thống Ban Mê

16:04 | 07/04/2021

Phát triển kinh doanh du lịch và các dịch vụ giải trí kết hợp giữ gìn, phát huy các giá trị cảnh quan thiên nhiên với bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ....

....đang được nhiều doanh nhân ở TP. Buôn Ma Thuột lựa chọn tạo nên một bản sắc riêng, độc đáo cho phố núi.

Những quán cà phê đậm chất văn hóa Êđê...

Tâm huyết với việc bảo tồn văn hóa của dân tộc mình, bà H’Len Niê đã biến ngôi nhà sàn của gia đình thành quán cà phê Arul. Quán tọa lạc ở buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi) - một trong những buôn đẹp nhất TP. Buôn Ma Thuột và đến với quán cà phê Arul, du khách được thưởng thức ly cà phê được pha chế, rang xay hoàn toàn theo cách truyền thống, được đắm mình trong không gian văn hóa của người Êđê.

Người dân ở buôn Ako Dhong (TP. Buôn Ma Thuột) gắn liền với nếp nhà dài. Ảnh: Mai Sao

Ấn tượng đầu tiên khi đến quán cà phê Arul là trụ cổng gỗ điêu khắc theo kiến trúc tượng nhà mồ, hàng chục chiếc cối giã gạo bằng gỗ xếp dài từ cổng đến ngôi nhà dài. Bên trong ngôi nhà dài gần trăm tuổi trưng bày nhiều hiện vật văn hóa như: chiêng, ché, ghế K’pan, trống H’gor, thuyền độc mộc, gùi, trang phục truyền thống, nhạc cụ dân tộc... được sắp xếp "hữu ý" tái hiện không gian sinh hoạt của một gia đình Êđê. Không chỉ sưu tầm, bảo tồn các hiện vật gắn với đời sống thường ngày, chủ nhân của quán - bà H'Len rất nồng nhiệt giới thiệu, mong muốn quảng bá nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình đến với nhiều người…

Hoài cổ, hùng vĩ nhưng lại rất bình yên, Làng cà phê Trung Nguyên là thế giới cà phê thu nhỏ với những đặc trưng riêng biệt kết hợp giữa văn hóa người Kinh và người Êđê. Nơi đây, là một cụm công trình kiến trúc có diện tích khoảng 20.000 m2, được chia thành hai khu chính: khu thưởng thức và khu trưng bày, trình diễn. Khu thưởng thức là những ngôi nhà rường nguyên bản cổ bằng gỗ đại diện cho văn hóa Việt. Khu trình diễn là ngôi nhà dài nguyên bản của người Êđê, trong đó trưng bày các hiện vật là những vật dụng của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Đây là điểm du lịch thu hút nhiều du khách khi đến với thành phố thủ phủ khu vực Tây Nguyên.

Du khách thưởng thức cà phê tại quán cà phê Arul.

Ngoài ra, ở TP. Buôn Ma Thuột còn quán cà phê Nhà sàn ở buôn Alê A (phường Ea Tam); quán cà phê Cao Nguyên xanh ở đường Y Ngông (phường Tân Tiến)… đều kết hợp kinh doanh với lưu giữ văn hóa truyền thống.

Du lịch sinh thái gắn kết với văn hóa cộng đồng

Tâm huyết gìn giữ, bảo tồn, phát triển vốn văn hóa truyền thống của dân tộc mình và tạo một nét riêng cho du khách khi đến TP. Buôn Ma Thuột, chị H’Kjăp Niê đã xây dựng Khu du lịch sinh thái Akô Ea (phường Tân Lợi) thành một nơi vừa kinh doanh vừa lưu giữ, quảng bá văn hóa dân tộc bản địa với các loại dịch vụ: cà phê, ẩm thực, lưu trú. Ngoài tạo ra một không gian sinh hoạt gần như nguyên bản của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, ở đây còn thường xuyên tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật dân gian và các nghi lễ truyền thống như: lễ cúng bến nước, lễ mừng lúa mới, lễ cúng sức khỏe, các nghi lễ vòng đời… thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Qua đó vừa lưu giữ, quảng bá được nét đẹp văn hóa bản địa vừa góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ về lối sống lành mạnh, gắn xây dựng môi trường văn hóa với bảo vệ môi trường sinh thái.

Các nghi lễ truyền thống được tổ chức thường xuyên ở Khu du lịch sinh thái Akô Ea

 

Sắp tới, khi Nghị quyết về phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện, thành phố được HĐND tỉnh thông qua thì việc khai thác du lịch trên cơ sở bảo tồn, phát huy những giá trị độc đáo của văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số càng phát triển. Hiện TP. Buôn Ma Thuột  đã lựa chọn một số giá trị văn hóa đặc trưng để xây dựng thành sản phẩm văn hóa du lịch, tập trung ở các buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi), buôn Tuôr (xã Hòa Phú) và buôn Kmrơng Prông B (xã Ea Tu)"...

 
Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin TP. Buôn Ma Thuột Võ Tiến Dũng

Nằm trên đường Nguyễn Thị Định, K’pan House gần như tiên phong về hình thức du lịch cộng đồng tại TP. Buôn Ma Thuột. Homestay với diện tích 3 ha khá độc đáo và mới mẻ cùng nhiều loại hình phòng nghỉ phù hợp với mọi đối tượng. Điểm thu hút du khách khi được đặt chân đến đây là những ngôi nhà dài Êđê nằm yên bình giữa một không gian xanh mát. Homestay K’pan House mang đến cho du khách một sự thoải mái, thú vị khi được thưởng thức văn hóa ẩm thực đúng vị của người bản xứ và trải nghiệm đời sống sinh hoạt của họ.

Tuy chủ nhân không phải là người dân tộc thiểu số nhưng nhóm doanh nhân xây dựng nên Khu Du lịch sinh thái  - văn hóa cộng đồng Ko Tam lại rất tâm huyết và thành công với mô hình kết hợp giữa kinh doanh du lịch cùng giữ gìn, phát huy các giá trị cảnh quan thiên nhiên với bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là điểm du lịch hấp dẫn, "níu chân" du khách mỗi khi đến TP. Buôn Ma Thuột, đến với Đắk Lắk.

Với các cơ sở lưu trú được thiết kế mang đậm bản sắc văn hóa Êđê cùng một không gian cảnh quan tự nhiên rộng 17 ha, có đồi, núi, thung lũng, ao hồ, thác, suối, Khu Du lịch sinh thái  - văn hóa cộng đồng Ko Tam  thích hợp cho nhiều loại hình vui chơi, nghỉ dưỡng. Hằng năm, nơi đây đón hơn 400 nghìn lượt khách. Điều đặc biệt, Khu du lịch Ko Tam đã có nhiều đóng góp quý giá trong việc nỗ lực bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên, giải quyết việc làm với thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động là người dân tộc thiểu số ở các buôn làng.

     Minh Huyền

Bài viết gốc: http://baodaklak.vn/channel/9803/202103/luu-giu-net-rieng-van-hoa-truyen-thong-ban-me-5728210/

    Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ