A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Người Xơ Đăng gìn giữ bản sắc văn hóa

08:46 | 20/09/2022

Rời quê hương Kon Tum sang vùng đất mới sinh sống, lập làng, lập nghiệp 50 năm qua nhưng cộng đồng người Xơ Đăng ở xã Ea Yiêng (huyện Krông Pắc)....

....vẫn gìn giữ được các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc như: biểu diễn văn hóa cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đan mây, tre.

Gìn giữ nghề dệt thổ cẩm

Ea Yiêng là xã vùng 3, kinh tế và thu nhập của người dân chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp. Xã có 5 buôn, với 1.361 hộ, 6.570 khẩu, trong đó dân tộc Xơ Đăng có 1.133 hộ, 5.737 khẩu. Từ năm 1972 đến định cư ở đây tới nay, dù đời sống khó khăn nhưng người Xơ Đăng vẫn giữ gìn nghề dệt thổ cẩm theo kiểu truyền thống.

Cùng với anh Tháng, Trưởng buôn Kon Wang, chúng tôi đến thăm gia đình bà Xong - một nghệ nhân dệt thổ cẩm, rời quê hương Kon Tum đến xã Ea Yiêng lập nghiệp từ năm 1972. Trong hành trình di cư, bà mang theo nghề dệt truyền thống để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. Bà Xong năm nay đã trên 60 tuổi đời gần 40 năm tuổi nghề. Các sản phẩm bà dệt ra với đường nét, hoa văn độc đáo.

Nghệ nhân Xong (buôn Kon Wang, xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắc) miệt mài bên khung cửi

Bà Xong cho biết, trước đây bà chỉ dệt phục vụ nhu cầu trong gia đình, nay có nhiều người hỏi mua nên bà dệt để bán, vừa tăng thêm thu nhập, vừa giữ gìn được văn hóa đặc trưng của dân tộc. Ngày trước, để dệt được một tấm vải thổ cẩm tốn nhiều thời gian, công sức, từ trồng bông, cán bông, kéo sợi, nhuộm màu rồi mới dệt. Nhưng hiện nay, chỉ cần ra chợ mua chỉ về là có thể dệt được ngay. Nhờ vậy mà các sản phẩm thổ cẩm cũng đa dạng hơn như: khăn trải bàn, chăn, váy áo, tấm địu, cặp sách...

Theo ông Trần Văn Long, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ea Yiêng, từ khi rời tỉnh Kon Tum đến xã lập nghiệp, cuộc sống buôn làng có nhiều đổi thay. Dù có nhiều sự lựa chọn để may mặc trang phục nhưng người Xơ Đăng vẫn giữ cho mình trang phục truyền thống, tự tin mặc trong các dịp lễ hội, ngày vui của gia đình, buôn làng. Ở xã hiện có 15 nghệ nhân dệt thổ cẩm như bà Xong. Đặc biệt, giờ đây màu sắc trên trang phục của người Xơ Đăng không chỉ giới hạn ở màu đen và chàm như trước mà đã có nhiều thay đổi với những màu sáng, rực rỡ hơn như: nâu, đỏ, xanh, tím…

Độc đáo nghề mây tre đan

Bên cạnh nghề dệt thổ cẩm, người Xơ Đăng trên địa bàn xã Ea Yiêng vẫn còn gìn giữ nghề mây tre đan. Theo ông Ha (76 tuổi) - một nghệ nhân đan lát ở buôn Kon Wang, để làm nên một sản phẩm, đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ, trải qua nhiều công đoạn. Trước tiên, nghệ nhân phải vào rừng sâu để tìm tre và mây già. Tre sau khi mang về được phơi khô, chẻ nhỏ rồi vót thành từng chiếc nan mảnh đều nhau để đan.

Các nghệ nhân mây, tre đan xã Ea Yiêng tỉ mẩn với nghề truyền thống

Ngoài những vật dụng cần thiết phục vụ sinh hoạt hằng ngày như: rổ, gùi, nia… thì chiếc nón mây, tre là một trong những sản phẩm độc đáo, lạ mắt được người dân trong và ngoài xã yêu thích, tìm tới đặt hàng ngày một nhiều.

 

Có một thực tế đáng lo ngại, giới trẻ không mặn mà với nghề dệt truyền thống cũng như nghề mây tre đan. Các nghệ nhân giỏi, yêu nghề đã lớn tuổi, nếu như không có những giải pháp, những chính sách hỗ trợ kịp thời thì nghề truyền thống sẽ khó được giữ gìn".

 
Chủ tịch UBND xã Êa Yiêng Trần Văn Long

Khác với những chiếc nón lá được làm từ lá cọ hay lá dừa, nguyên vật liệu chính của chiếc nón này là tre và mây. Nón sau khi đan xong được phủ một lớp sơn giúp nón không bị thấm nước khi đi mưa và tránh được mối mọt. Điểm đặc biệt ở chiếc nón mây, tre này là chóp nón được đan bằng mây già chẻ nhỏ, giúp chóp nón cứng, chắc, khi treo nón hoặc đặt xuống không bị dập, làm hỏng nón, giúp nón giữ được phom dáng, sử dụng được bền hơn.

Nghề mây tre đan là một nghề thủ công, không chỉ làm ra sản phẩm phục vụ nhu cầu hằng ngày mà còn mang bản sắc riêng của người Xơ Đăng. Tuy nhiên, với sự phát triển của cuộc sống hiện nay, nhất là việc khan hiếm nguồn nguyên liệu, cộng với đa số người biết nghề, giỏi nghề là những bậc cao niên, còn thanh niên không mặn mà học nghề, do đó nghề này cũng đang dần mai một.

Xu hướng tìm về với thiên nhiên đang được đón nhận, hy vọng các sản phẩm mây tre đan cũng như dệt thổ cẩm của người Xơ Đăng ở xã Ea Yiêng sẽ được nhiều người biết đến, để nghề truyền thống vẫn tiếp tục được bảo tồn giữ gìn và phát triển, góp phần làm đa dạng và phong phú hơn bản sắc văn hóa của các dân tộc đang sinh sống ở Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng.

 

Thế Hùng

Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/van-hoa-du-lich-van-hoc-nghe-thuat/202209/nguoi-xo-dang-gin-giu-ban-sac-van-hoa-f2d4d82/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ