A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tổng kết dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk” do Hàn Quốc tài trợ

08:57 | 22/12/2022

Ngày 21/12, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ tổng kết dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk” (Dự án) do JBCIA, Hàn Quốc tài trợ.

Tham dự chương trình có đại diện các sở, ngành hữu quan; lãnh đạo UBND và nghệ nhân thuộc các huyện thụ hưởng Dự án…

Dự án “Bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh” được Trung tâm Hợp tác quốc tế tỉnh Jeollabuk, Hàn Quốc tài trợ; Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện từ tháng 5 đến hết tháng 12/2022, tại 4 huyện: Lắk, Krông Ana, Buôn Đôn và Cư M’gar.

Các đại biểu tham dự chương trình

Sau 7 tháng thực hiện, trong khuôn khổ dự án, Sở đã tổ chức các hoạt động: mở 2 lớp truyền dạy đánh cồng chiêng (1 lớp truyền dạy đánh chiêng nữ Êđê Bih, tại thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana; 1 lớp chiêng M’nông tại buôn Liêng Ông, xã Đắk Phơi, huyện Lắk); cấp chiêng và trang phục truyền thống (1 bộ chiêng Êđê Bih và 15 bộ trang phục thổ cẩm truyền thống cho đội chiêng Êđê Bih tại thị trấn Buôn Trấp; 15 bộ trang phục nam Êđê cho buôn KaLa, xã Dray Sáp (huyện Krông Ana); 1 bộ chiêng M’nông và 30 bộ trang phục thổ cẩm truyền thống cho buôn Liêng Ông, xã Đắk Phơi, huyện Lắk); phục dựng nghi lễ truyền thống (Lễ kết nghĩa anh em của người M’Nông, xã Đắk Phơi, huyện Lắk) và sưu tầm 8 bài chiêng truyền thống của người Êđê và người M’nông trong các nghi lễ, lễ hội, để tư liệu hóa làm cơ sở bảo tồn và truyền dạy cồng chiêng.

Đại biểu của huyện Buôn Đôn chia sẻ ý kiến về duy trì các hoạt động bảo tồn văn hoá cồng chiêng  khi Dự án đã kết thúc

Sau khi nghe báo cáo tổng kết, các đại biểu, các nghệ nhân đã đánh giá cao những hoạt động mà Dự án đem lại và kêu gọi sự hỗ trợ tiếp tục của Nhà nước và các tổ chức. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nêu những khó khăn khi truyền dạy cồng chiêng cho lớp trẻ, nhất là việc các nghệ nhân truyền dạy đã cao tuổi, không ít nghệ nhân đã qua đời; làm sao để duy trì được các hoạt động bảo tồn văn hoá cồng chiêng ngay khi dự án đã kết thúc; kiến nghị một số giải pháp để triển khai thực hiện những chương trình, dự án liên quan khác đạt kết quả tốt hơn…

Phục dựng lễ kết nghĩa anh em của người M’Nông, xã Đắk Phơi (huyện Lắk) nằm trong khuôn khổ Dự án

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện, các đơn vị thực hiện đã chủ động phối hợp với các các bên liên quan, xây dựng kế hoạch phối hợp thực hiện Dự án theo hướng trao quyền cho các cộng đồng. Theo Sở, với cách làm như vậy, Dự án đã phát huy hiệu quả trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tại địa phương; nâng cao nhận thức về giá trị của di sản văn hóa cồng chiêng và trách nhiệm gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng trước xu thế phát triển của xã hội hiện nay; các nghệ nhân, cộng đồng nơi hưởng thụ dự án đã ý thức hơn trong việc bảo tồn văn hóa của dân tộc mình. Bước đầu đã nhận thấy được lợi ích của việc giữ gìn văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc gắn với phát triển đời sống kinh tế và phát triển du lịch tại địa phương.

Các nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ tại thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana

Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đề nghị các địa phương trong thời gian tới cần tiếp tục duy trì hỗ trợ và có định hướng để các học viên được tiếp tục tập luyện nâng cao, tạo đội ngũ kế cận trong thời gian tới; định hướng mỗi buôn phải có ít nhất 1 đội cồng chiêng, đội văn văn nghệ hoặc Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa cồng chiêng, góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở.

Mai Sao

Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/van-hoa-du-lich-van-hoc-nghe-thuat/202212/tong-ket-du-an-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-van-hoa-cong-chieng-tren-dia-ban-tinh-dak-lakdo-han-quoc-tai-tro-b190146/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ