A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Lê Thái Sơn, gã “phù thủy” âm thanh

09:42 | 21/03/2013

Chỉ với một thanh nứa đơn sơ dài chưa đến 1m, cắt vát 1 đầu và cũng chỉ bằng một động tác vỗ tay đơn giản, nhẹ nhàng dọc thân nứa, người nghệ sĩ này đã chơi rất hay khúc nhạc rộn ràng của bài Qua miền Tây Bắc. Quả không ngoa khi giới chơi nhạc gọi ôn

 
Nghệ sĩ Lê Thái Sơn và cây đàn P”rông
 
Người thổi hồn cho tre trúc
 
Nhắc đến nghệ sĩ – nghệ nhân chế tạo nhạc cụ dân tộc từ tre trúc Lê Thái Sơn, người ta sẽ liên tưởng ngay đến cây đàn P”rông, một tác phẩm để đời của ông. Đây là một ý tưởng đầy sáng tạo về sự kết hợp giữa đàn Piano và nhà Rông, một bên là tinh hoa âm nhạc bác học phương Tây, một bên là vẻ đẹp đơn sơ, mộc mạc của núi rừng Tây Nguyên. Dưới tài năng "phù phép” của Lê Thái Sơn, hai yếu tố chẳng mấy liên quan đến nhau ấy đã hóa thân vào nhau để trở thành một tuyệt tác nghệ thuật. Ông cho biết cái tên P”rông chính là cách gọi chung của Piano và nhà Rông.
 
Đàn P”rông được làm theo nguyên lý giống như đàn Piano theo mô hình nhà Rông Tây Nguyên. Cấu tạo của đàn P”rông gồm một bộ khung giữ các thanh đàn mà khi đánh nó sẽ lắc các chân ống đàn, va đập vào để phát ra các thanh âm. Trên cùng là điểm treo, treo toàn bộ ống và cụm âm thanh lên nóc nhà Rông. Phím đàn được ứng dụng theo nguyên lý đòn bẩy của cối giã gạo. Vì đàn P”rông có cấu tạo khá phức tạp với hàng trăm thanh trúc, nứa nhìn khá cồng kềnh nên thường được chế tạo nhiều loại theo độ dài, ngắn và nhóm nốt khác nhau để chơi những nhóm bài hát khác nhau. Một cây đàn P”rông hoàn thiện với đầy đủ tất cả các nốt nhạc có thể dài tới vài mét.
 
Chơi được đàn P”rông không phải là chuyện dễ dàng. Người chơi phải mất khá nhiều công phu luyện tập. Nhưng một khi tiếng đàn cất lên thì ngay cả những người không biết một chút gì về âm nhạc cũng phải nín thở lắng nghe. Âm thanh của đàn P”rông mang đậm hơi thở Tây Nguyên với bước chân nhịp nhàng của các cô gái trên đường lên rẫy, tiếng suối róc rách, tiếng chim hòa ca, tiếng lá cây xào xạc… Tiếng đàn hay đến nỗi người ta nghe tiếng đàn mà tưởng đâu mình đang đứng giữa cao nguyên lộng gió, đầy nắng, đầy hoa. Có lần ông đang ngồi trong nhà chơi đàn P”rông thì thấy có người cứ đứng thập thò ngoài cửa liền chạy ra hỏi. Hóa ra, đó chỉ là một người khách qua đường, thấy tiếng đàn hay quá nên dừng lại lắng nghe. Quả là âm nhạc đã thu ngắn khoảng cách giữa những người xa lạ với nhau, kết nối đam mê, kiếm tìm tri kỷ.
 
Lớp học miễn phí tại nhà của thầy Sơn
 
Say mê những âm thanh trong trẻo của tre trúc Việt, ông luôn miệt mài với công việc chế tạo, cải tiến các loại nhạc cụ từ chất liệu dân dã này. Dưới bàn tay "phù phép” của ông, chỉ trong chốc lát, một thanh nứa thô sơ cũng có thể trở thành một cây sáo phát ra tiếng nhạc véo von đủ các cung bậc lên bổng xuống trầm như một vũ điệu âm thanh đầy màu sắc. Cái tài làm sáo, làm đàn nhanh và chuẩn xác về âm độ của ông đã nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc từ nhiều năm nay. Với ông, chế tạo nhạc cụ giỏi luôn đồng nghĩa với việc đó là một người giỏi chơi nhạc, có một đôi tai thẩm âm thật tốt và phải thật sự say mê âm nhạc. Có lẽ vì luôn thỏa mãn những tiêu chí đó nên những nhạc cụ mang thương hiệu Lê Thái Sơn luôn đạt được chất lượng âm thanh tốt nhất, hình thức đẹp mắt, bền bỉ, ít bị nứt hoặc biến đổi âm trước những thay đổi thất thường của thời tiết.
 
Nghe ông chơi đàn P”rông, đàn T”rưng, ai cũng bảo ông là người con của núi rừng Tây Nguyên. Nghe ông thổi sáo Mèo, người ta lại quả quyết ông chắc chắn là người con của núi rừng Tây Bắc. Nhiều người gọi ông là "gã” phù thủy âm thanh miền xuôi mang tâm hồn miền ngược. Tình cảm của ông sâu lắng, dạt dào như tiếng đàn, tiếng sáo quê hương. Có lẽ chính vì thế mà ông đã thổi hồn vào tre trúc để tấu lên những giai điệu quê hương mượt mà và thiết tha đến thế.
Âm nhạc kết nối đam mê
 
Đến với âm nhạc một cách tự nhiên qua tiếng sáo của các anh bộ đội từ ngày còn rất nhỏ, ông luôn hướng đến một thứ âm nhạc dành cho quần chúng. Ở người nghệ sĩ chất phác này, không một giá trị vật chất nào có thể vượt qua tình yêu ông dành cho âm nhạc. Chẳng cần quan tâm đến việc những nhạc cụ do mình chế tạo có đăng ký bản quyền hay không, chẳng cần những chiêu thức quảng bá tên tuổi ầm ĩ, điều mà ông quan tâm nhất là những thứ nhạc cụ mình làm ra có được người chơi yêu thích hay không, có được nhiều người sử dụng hay không.
 
Bởi vì luôn hướng đến một thứ âm nhạc dành cho quần chúng nên từ nhiều năm nay, ông vẫn duy trì một lớp học miễn phí dành cho những người yêu tiếng sáo quê hương. Ông bảo chỉ khi nào không thu tiền học thì những người không có tiền mới có cơ hội đi học. Đôi khi chính những người không có điều kiện học mới là những người có tài năng và niềm đam mê thực sự và ông không muốn lãng phí những người như thế. Không kể tuổi tác, giàu nghèo, chỉ cần yêu thích cây sáo, muốn học thổi sáo đều được chào đón đến lớp học nhỏ trong ngôi nhà ông ở ở phố Tô Hiệu (Hà Đông, Hà Nội). Tuy lịch học là từ 2h30 – 4h30 các buổi chiều trong tuần nhưng hầu như lúc nào nhà ông cũng véo von tiếng nhạc của các cô cậu học trò nhỏ đang say mê học sáo.
 
Trúc, tre, nứa có ở khắp trong nhà ông. Từ khay đựng ấm chén đến cái bàn, cái ghế đều làm từ tre, trúc, giản dị, đơn sơ nhưng lại vô cùng xinh đẹp, tạo cảm giác ấm cúng, gợi nhớ một không gian quê kiểng yên bình, gần gũi, thân thương. Cũng chính từ căn nhà này, nhiều tài năng đã được ươm mầm, đơm hoa kết quả như Bùi Công Thuyên, Bùi Công Thơm, Nguyễn Thị Trang, Nguyễn Văn Chung... Chính điều đó khiến ông nhận thấy công việc mình đang làm có nhiều ý nghĩ hơn để rồi cố gắng làm tốt hơn. 
 
Dương Dung 

 

    Theo Báo Đại đoàn kết

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ