A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tục cà răng ở Tây Nguyên

07:57 | 03/02/2016

Con trai con gái đến tuổi không chịu cà răng dân làng chê cười, mọi người khinh thường. Chẳng ai chịu lấy làm chồng, làm vợ!

Thế hệ trẻ ngày nay không còn phải chịu cảnh cà răng nữa

Theo lý giải của một số người già ở Tây Nguyên, tổ tiên họ cho rằng với hàm răng sắc bén như dao cạo, cọp giết hại con người nên chúng là loài ác thú. Để tỏ rõ sự căm phẫn chúng cũng như sự khác biệt giữa người và thú nên tổ tiên của họ quyết định cà răng cho giống loài thú hiền lành.

Ngoài ra, ý nghĩa sâu xa hơn là qua đây rèn luyện cho dân làng tính can trường, không sợ đau đớn, không sợ chết, con trai con gái đến tuổi không chịu cà răng dân làng chê cười, mọi người khinh thường. Chẳng ai chịu lấy làm chồng, làm vợ!

Ở Tây Nguyên, trước đây người đồng bào dân tộc bản địa nếu như bước vào tuổi 14, 15 mà không bị cà răng sẽ xem như là đứa con lạc loài. Lễ cà răng diễn ra rất đau đớn. Sau khi cúng Yàng những người có uy tín trong làng sẽ lấy chính những hòn đá nhặt được dưới các dòng suối cà mạnh vào chiếc răng cửa của những người tham gia hành lễ. Khi nào những chiếc răng được cà mòn một nửa mới thôi.

Sau khi cà răng xong, họ lấy nhựa một loại cây trong rừng rồi bôi lên từng chiếc răng bị cà. Cứ mỗi ngày sau bữa ăn bôi một lần, bôi liên tục hàng tháng thì hàm răng sẽ bóng và chắc. Chỗ nào đã bị cà mòn thì từ nay về sau không còn sưng tấy, đau nhức. Sau khoảnh khắc này những người được cà răng chính thức trưởng thành.

Trong các sử thi cổ sơ của người M'nông, những "nàng kiều" có sắc đẹp khiến các chàng dũng sĩ đem lòng mê say như Kong, Binh, Jong... đều có nụ cười giòn như "tre nổ" và hàm răng "nhọn như gai mây". Theo quan niệm  của đồng bào, người nào không cà răng là xấu xí, bị người đời chê cười, con trai không lấy được vợ, con gái không lấy được chồng.

Người M'nông cà, cắt bốn cặp răng cửa, chỉ còn lại chân răng, sát với nướu, hàm phía dưới vót thật nhọn. Việc cà, cắt răng bằng cách dùng đá mài cho răng ngắn dần hoặc dùng dao sắc xén từng miếng mỏng. Khi cà, cắt răng chân răng bị động nên chảy máu nhiều hai hàm răng bị sưng cả tuần lễ, không ăn được gì, chỉ húp cháo. Với người M'nông và một số tộc người khác, cà răng phải làm đúng vào tuổi đã trưởng thành, phải mọc đủ 32 cái răng và muộn nhất là ở tuổi hai mươi trước khi cưới vợ gả chồng.


Cà răng có ý nghĩa sâu xa đó là rèn luyện cho dân làng tính can trường, không sợ đau đớn, không sợ chết, con trai con gái đến tuổi không chịu cà răng dân làng chê cười

Cà răng là một cực hình rất đau đớn, khổ sở nhưng các chàng trai, cô gái miền sơn cước này vẫn tự nguyện xin được cà răng để hội nhập vào xã hội và cộng đồng, để được mọi người trong buôn làng công nhận là đẹp và đã trưởng thành. Để cà răng họ có thể dùng nhiều cách khác nhau: Có dân tộc thì dùng cưa, có dân tộc thì dùng đá để cà, có dân tộc thì dùng dao nhỏ có hình lưỡi cưa để cắt.

Số lượng răng được cà thường là 4 hoặc 6 cái răng cửa phía trước, cũng có dân tộc còn vót thêm 6 cái răng cửa của hàm dưới theo hình tam giác nhọn. Thường thì người được cà răng phải nằm trên đống rơm, cỏ hoặc trên sàn nhà, đầu thì gối lên đùi người cà, để người này cầm dao hình lưỡi cưa hoặc đá để cà... 

Gặp già làng Y Bhiong Niê người Ê đê ở buôn A kõ Dhong, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk trong một buổi chiều. Qua quan sát trên khuôn mặt cụ, dấu tích còn lại của tục cà răng vẫn còn hiện rõ, hàm răng của cụ chỉ còn lại những chân răng ngắn ngủn, như “bằng chứng” của một thời…,  già làng Y Bhiong Niê cho biết: “Nếu tục căng tai diễn ra khi con gái mới lọt lòng vừa nhìn thấy ông mặt trời mấy bữa thì tục cà răng dành cho hết thảy mọi người khi đã gần đến tuổi trăng tròn, khoảng 14-15 tuổi. Lứa tuổi người đã lớn, trí óc đã biết khôn. Tục cà răng có từ khi nào tôi cũng không nhớ nữa, chỉ nhớ là cha mẹ, ông bà của tôi cũng làm như thế rồi”.

Ông Y Biu Buôn Ama Tha, huyện Buôn Đôn nhớ lại: Lễ cà răng thường được diễn ra vào những đêm tối trời, khi ông mặt trời đã khuất hẳn dưới chân núi. Trước khi cà răng thầy mo khấn vài “Ơ Yang muốn vàn kính yêu và ngài kỳ đẳng tối thượng, hãy về đây xem những chiếc răng kỳ lạ của buôn làng được cà. Cà để trưởng thành, cà để khẳng định những đứa con của núi rừng đã khôn lớn…”.

Có thể nói tục cà răng là một trong những nét văn hoá đặc trưng phản ánh nhân sinh quan và quan niệm về cái đẹp của một số tộc người ở Tây Nguyên. Nó đã từng tồn tại một thời gian dài trong lịch sử, nhưng ngày nay với cuộc sống thời hiện đại do sự hội nhập và giao lưu văn hoá, kinh tế rộng rãi nên nhận thức và quan niệm của đồng bào cũng đã có nhiều thay đổi.

Tục cà răng không còn tồn tại và phổ biến ở các tộc người vùng Tây Nguyên như trước đây mà chỉ thấy ở thế hệ người già từ 60-70 tuổi trở lên. Các chàng trai, cô gái Tây Nguyên ngày nay không còn phải khổ sở vì phải chịu những cực hình để “làm đẹp” theo quan niệm xưa.

Theo một số đồng bào Ê đê ở Tây Nguyên kể lại, tục cà răng còn được xuất phát từ một câu chuyện tình bi thương của một đôi trai gái của hai bộ tộc yêu nhau. Chàng và nàng đã từng quấn quýt bên nhau như đôi chim chơ rao mỗi khi lên rừng, đi rẫy và đã cùng nguyện ước một ngày được nên vợ nên chồng.

Nhưng khi đôi trẻ về thưa với mẹ cha và những người lớn trong bộ tộc thì không được chấp thuận. Chàng đã nài nỉ đến khô cả cổ, nàng đã khóc cạn hết cả nước mắt mà vẫn không lay chuyển được người lớn thay đổi quyết định. Quá thương nhau, họ cảm thấy cuộc sống thật vô nghĩa nếu không được ở bên nhau.

Vì vậy hai người đã hẹn nhau lên rừng lấy củi gặp mặt và yêu thương một lần như vợ chồng. Sau đó đôi trai gái tội nghiệp đã lấy dây rừng tự trói chặt hai thân vào nhau rồi cùng cắn lưỡi tự tử. Sau cái chết bi thương của họ, già làng của các bộ tộc trong vùng đã họp lại và đưa ra một quyết định và sau đó đã trở thành luật tục là con trai, con gái khi tới tuổi trưởng thành đều phải cà răng để không thể làm chuyện dại dột là cắn lưỡi tự tử vì tình nữa.

NGUYỄN THĂNG

    Nguồn: nongnghiep.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ