A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Lễ ăn trâu bị biến tướng

08:18 | 16/02/2016

Lễ ăn trâu nhằm tạ ơn thần linh ở Tây Nguyên dần thay thế bằng lễ đâm trâu, với cảnh chém giết dã man, chủ yếu phục vụ du khách để… thu tiền

Lễ ăn trâu là một nghi lễ quan trọng của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nhằm tạ ơn thần linh, cầu mùa màng bội thu, năm nay dự kiến diễn ra vào tháng 3. Sau yêu cầu chấn chỉnh của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, liệu lễ ăn trâu năm nay có hết cảnh máu me, bạo lực khi trước đó, nó vốn bị lạm dụng để phục vụ du khách?

Biến tướng ngay cả tên gọi

Nghi thức ăn trâu của mỗi dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên mỗi khác nhưng điểm giống nhau là dựng một cây nêu cao 5-6 m ở khu vực trung tâm, chính giữa lập một đàn thờ thần linh.

Xung quanh đàn thờ cắm nhiều lưỡi dao và một hình trăng lưỡi liềm, tượng trưng cho sức mạnh và quyền lực của các thần linh. Tám cây tre dựng quanh cây cột chính, trên ngọn buộc 8 sợi dây rừng buông dài xuống sát đất. Mỗi sợi dây buộc nhiều miếng gỗ nhỏ, vẽ màu sắc rực rỡ, như một cách bày tỏ niềm vui mừng chào đón tổ tiên và thần linh về dự lễ. Xung quanh cột nêu chính còn có thêm 4 cột nhỏ cao chừng 2 m, vẽ hoa văn, hình chim, hoa lá để cột trâu.

Khi các công việc chuẩn bị đã xong, thầy cúng đầu buộc khăn đen, mặc áo choàng hoa đỏ hoặc choàng tấm mền thổ cẩm mới dệt bắt đầu khấn vái, thỉnh mời thần linh, linh hồn của những người đã mất. Sau đó, thầy cúng khấn bài “khóc trâu”, nội dung đại ý: Lâu nay, trâu làm bạn với người trong nhà, trong buôn như anh em. Nay vì sự no đủ của buôn (hay gia đình), xin dâng trâu lên các thần linh làm đồ tế lễ...

Khi thầy cúng dứt lời, chiêng trống nổi lên rộn rã, trai đánh chiêng, gái móc tay nhau thành vòng xoang theo ngược chiều kim đồng hồ quanh cột nêu buộc trâu. Sau đó, một số thanh niên khỏe mạnh cầm lao, kiếm vào đâm con trâu. Con trâu  bị mổ thịt, lấy một chân trước, một chân sau, một con mắt, một tai, một sừng… đặt lên bàn cúng thần linh. Còn lại mọi người ăn uống, ca hát, nhảy múa, kể chuyện xưa... cho đến khi hết rượu, thịt.

Theo bà Linh Nga Niê Kdăm, nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên, bao nhiêu năm nay, nhiều người thường gọi lễ ăn trâu là đâm trâu. Cùng với đó, nghi thức tạ ơn thần linh cũng thay đổi. Trong các lễ ăn trâu trước đây, trước khi đâm chết con trâu, một số dân tộc làm nghi thức khóc trâu rồi đâm một nhát trúng tim để nó chết một cách nhanh chóng. Còn ngày nay, người ta lâu lâu lại đâm một nhát để con trâu đau đớn, lồng lộn,  đầy máu me...

Đông đảo du khách chứng kiến cảnh con trâu vật lộn trong đau đớn tại một lễ đâm trâu ở Tây Nguyên
Đông đảo du khách chứng kiến cảnh con trâu vật lộn trong đau đớn tại một lễ đâm trâu ở Tây Nguyên

Duy trì hay loại bỏ?

Việc có nên duy trì lễ đâm trâu ở Tây Nguyên hay không đang gây ra nhiều tranh luận. Một số người cho rằng vì đây là tập quán văn hóa nên phải duy trì. Ngược lại, cũng không ít ý kiến của giới chuyên môn và người dân đề nghị cần loại bỏ vì nó quá dã man.

Chị Trần Thu Thu, một du khách ở TP HCM, bày tỏ: “Tôi không tán thành việc tổ chức lễ đâm trâu vì nó quá dã man. Con trâu được cột lại và nhiều người xoay quanh lao giáo vào thân nó khiến máu phun tung tóe. Cứ thế, sau một nhát đâm, người ta lại nhảy múa, reo hò, cảnh tượng rất bạo lực”.

Theo bà Linh Nga Niê Kdăm, lễ ăn trâu của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên vốn có ý nghĩa hết sức quan trọng, đó là bữa ăn cộng cảm của cộng đồng nên cần tôn trọng tín ngưỡng riêng. Tuy nhiên, phải loại bỏ dần những yếu tố mê tín, gìn giữ những nét tinh hoa trong phong tục tập quán riêng của mỗi vùng, mỗi tộc người. Bên cạnh đó, cần giảm bớt số lần tổ chức và những lễ thức rườm rà, tăng phần hội, tạo môi trường diễn xướng cho mọi hình thức văn nghệ dân gian cổ truyền được phát huy.

“Ngày nay ở Tây Nguyên, khó lòng mà có được một lễ ăn trâu theo phong tục cổ truyền nữa. Lễ ăn trâu thực sự có ý nghĩa khi cả cộng đồng đó mong muốn thực hiện và phải được gắn vào không gian văn hóa cồng chiêng, nhà rông, bến nước..., chứ không đơn thuần là mang một con trâu ra đâm rồi ăn thịt. Hiện nay, người ta thực hiện lễ đâm trâu trong một số sự kiện văn hóa - du lịch nào đó để thu tiền” - bà Linh Nga nhận xét.

Ông Bùi Văn Khối, Trưởng Phòng Nghiệp vụ văn hóa Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, cho biết dự kiến vào tháng 3 tới, huyện Buôn Đôn sẽ tổ chức mừng ngày giải phóng và đang xin chủ trương đưa lễ đâm trâu vào chương trình để kết hợp thu hút du khách. “Thực hiện chỉ đạo về quản lý lễ hội, chúng tôi đang xem xét để làm sao tổ chức lễ hội này một cách phù hợp, tránh phản cảm” - ông Khối nói.

Mặc sức “chặt chém” ở chợ cầu may

Chợ Viềng ở xã Trung Thành, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định là một chợ độc đáo ở thành Nam, chỉ họp đúng 1 phiên trong năm, từ tối mùng 7 đến hết mùng 8 Tết Nguyên đán. Theo quan niệm, chợ Viềng là nơi “bán điều rủi, mua điều may”, cầu cho năm mới được bình an. Thế nhưng, ở phiên chợ Viềng năm nay, tình trạng “chặt chém” du khách vẫn tái diễn.

Điển hình nhất là giá giữ xe máy tại các điểm xung quanh khu vực chợ Viềng bị hét lên 20.000 đồng/lượt, ô tô 50.000-70.000 đồng, thậm chí 100.000 đồng/lượt. Nghĩa trang liệt sĩ của xã Trung Thành cũng bị tận dụng để làm bãi giữ xe với giá “cắt cổ”.

Rất nhiều du khách tỏ ra bức xúc vì tình trạng giữ xe chặt chém ở đây. Du khách Tống Đức Văn (đến từ Hà Nam) cho biết anh và nhiều người khác  được thỏa thuận giá giữ xe 50.000 đồng/lượt nhưng khi lấy xe thì chủ bãi đòi đến 150.000 đồng.

Ngoài giá giữ xe, các dịch vụ khác cũng tăng giá chóng mặt. Thịt bò tươi là mặt hàng được nhiều người ưa chuộng nhất ở chợ Viềng, giá bị đội từ 200.000 đồng lên 300.000 đồng/kg. Giá một tô bún, phở ngày thường chừng 20.000 đồng đã tăng lên 60.000 đồng; 1 ấm trà khô 70.000 đồng… Rất nhiều du khách tỏ ra bất bình với kiểu buôn bán này nhưng cũng đành “ngậm bồ hòn” vì chẳng biết kêu ai.

T.Minh

Bài và ảnh: Cao Nguyên

    Nguồn: Nld.com.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ